Ôn thi tốt nghiệp THPT: Lấy kinh nghiệm để “biến nguy thành cơ”
Trong bối cảnh dịch bệnh, thời gian học tập trực tiếp trên lớp hạn chế, các thí sinh lớp 12 năm nay phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc ôn tập.
Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Lai Châu ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh năm 2021. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, nếu có phương pháp đúng, thí sinh vẫn có thể biến “nguy” thành “cơ” để có thể tự tin trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Khai thác hiệu quả phương tiện, tài liệu trực tuyến
Đưa lời khuyên này, cô Lê Thị Quyên, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên), cho rằng: Học sinh nên sử dụng hiệu quả, khai thác triệt để các phương tiện học tập trực tuyến như máy tính, iPad, điện thoại; tận dụng tối đa trang web có uy tín hướng dẫn ôn thi, chương trình học trực tuyến, phần mềm ôn thi các môn trắc nghiệm… để ôn luyện.
Hiện nay, với sự phát triển của Internet, việc cung cấp kiến thức qua mạng trở nên dễ dàng, lợi thế hơn nhiều mặt so với phương pháp truyền đạt kiến thức truyền thống. Học sinh có thể tiếp cận các bài giảng trực tuyến qua nhiều kênh với phương pháp đa dạng, bao gồm việc trao đổi tài liệu, bài giảng qua video, livestream hoặc thảo luận trên các nhóm, fanpage...
Điều này giúp người học tiết kiệm thời gian, sức lực khi không phải đi lại. Học sinh có thể chủ động lựa chọn thời gian, địa điểm, giáo viên hướng dẫn, cũng như chương trình ôn tập phù hợp với năng lực bản thân. Không chỉ vậy, môi trường học tập rộng mở này còn giúp học sinh tự do trao đổi bài vở, nêu lên những vướng mắc trong quá trình ôn tập. Và cùng một lúc có thể tương tác với nhiều giáo viên, bạn học về một vấn đề; khi vấn đề được giải quyết thì lượng kiến thức tích lũy cũng tăng lên.
Khẳng định trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phương pháp này càng tối ưu, cô Lê Thị Quyên cũng lưu ý học sinh không để bị cám dỗ bởi các chương trình giải trí, hay game trên mạng Inetrnet. Cùng với đó, phải biết lựa chọn, sử dụng hiệu quả các tài liệu. Không nên vội vàng trong việc chọn tài liệu mà phải tìm hiểu kỹ tên nhà xuất bản, tác giả, mục lục, năm xuất bản, nội dung, chọn sách phải có tem, thuộc hệ thống nhà sách uy tín. Không nên sử dụng quá nhiều tài liệu cho một môn vì nếu không đủ tỉnh táo sẽ dễ lẫn lộn, rơi vào cảnh quá tải kiến thức.
Các địa phương cần xây dựng phương án tốt nhất để học sinh ôn tập cả trực tuyến lẫn trực tiếp. Ảnh minh họa
Tăng thời gian tự học
Để học, ôn thi tốt nghiệp THPT năm nay hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, thầy Nguyễn Nhật Huy, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Toán, Trường THPT chuyên Quốc học (Thừa Thiên - Huế), nhìn nhận: Việc thu nạp kiến thức trên lớp rất quan trọng; tuy nhiên, học sinh cần chú ý tăng cường tự học ở nhà; vận dụng kiến thức lý thuyết, phương pháp thầy cô truyền đạt trên lớp trong các bài tập về nhà. Mỗi ngày, các em nên dành ít nhất 1 tiếng để tự học, vừa củng cố kiến thức, vừa biết cách vận dụng tìm tòi hướng giải bài nhanh hơn. Đây là điều rất quan trọng đối với hình thức thi môn Toán trắc nghiệm, ưu tiên thời gian nhanh mà chính xác.
Việc ôn thi bất kỳ môn nào cũng phải có kế hoạch cụ thể theo từng tuần, thậm chí hàng ngày mới mang lại hiệu quả tốt. Không nên để đến sát ngày thi mới ôn, dễ gây tình trạng căng thẳng, mất tinh thần, dẫn đến hiệu quả giảm sút. Nhấn mạnh điều này, thầy Nguyễn Nhật Huy đồng thời lưu ý học sinh phải nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch đã được đề ra, hi sinh một vài sở thích để hướng đến mục tiêu trước mắt.
Nói riêng về môn Toán, thầy Huy cho biết: Đặc thù riêng của môn học này là rất thuận lợi khi học theo bài. Ở chương trình lớp 12 có 4 chương giải tích, 3 chương hình học, trong đó mỗi chương sẽ có từng bài khác nhau. Trong mỗi bài, học sinh nên tự học theo 2 bước. Bước 1 bao gồm kiến thức cơ bản, có thể đọc trong sách giáo khoa, hay Internet. Bước 2, vận dụng kiến thức lý thuyết để làm bài tập liên quan theo hướng từ dễ trở lên.
Ngoài ra, rèn luyện bài tập là cách để học sinh hiểu sâu sắc về lý thuyết, do vậy cần thuộc và hiểu được phần này. Môn Toán cũng có nhiều sự biến đổi, bởi vậy khi học, sĩ tử cần cố gắng, mày mò. Đối với những câu trong phần vận dụng, nhìn qua có thể chưa tìm ra được hướng giải ngay, tuy nhiên nếu vận dụng một vài hướng biến đổi sẽ tìm được kết quả. Điều này nằm ở cách suy nghĩ và cố gắng của mỗi học sinh để có cách giải phù hợp, chính xác nhất.
Bỏ tâm lý “chờ đến khi học trực tiếp”
Chia sẻ của cô Đinh Thị Thúy Nga, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội), trong thời gian học trực tuyến, không ít học sinh bày tỏ khó tập trung, khó khăn trong quá trình học và ghi nhớ bài khi học trực tuyến, nên có tâm lý “chờ đến khi đi học trực tiếp” mới bắt đầu học.
Hiện, đã qua 2/3 thời gian năm học, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, đáng lo ngại nếu học sinh vẫn chưa chủ động tìm phương pháp ôn tập, khắc phục những lỗ hổng kiến thức. Chỉ có quyết tâm và nỗ lực mới biến “nguy” thành “cơ”. “Hãy đóng bớt những cửa sổ máy tính không cần thiết trong giờ học, hãy bỏ điện thoại lướt Facebook, TikTok… và tạo cho mình một kế hoạch ôn tập hợp lý. Vì không còn thời gian để chờ đợi nữa!” – cô Nga nhắn nhủ.
Nói riêng về môn Ngữ văn, cô Đinh Thị Thúy Nga lưu ý, quá trình học và ôn tập đòi hỏi phải hệ thống hóa kiến thức các phần trong sách giáo khoa Ngữ văn, bao gồm: Thơ, truyện ngắn, văn chính luận, tùy bút, kịch, văn học nước ngoài... Tránh học tràn lan từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, từ văn bản thuộc thể loại này sang văn bản thuộc thể loại khác. Khi học theo hệ thống thể loại, giai đoạn, đề tài… học sinh có thể nhìn được sợi dây liên kết giữa các tác phẩm, rất có ích trong quá trình liên hệ mở rộng bài làm.
Ở nội dung đọc hiểu và nghị luận xã hội, học sinh nên hệ thống lại quy trình và các bước làm bài để lấy trọn vẹn điểm, tránh việc học lan man, viết theo cảm tính dẫn đến bài làm bị trừ điểm đáng tiếc. Bên cạnh những lý lẽ, học sinh nên theo dõi cập nhật các tin tức xã hội để hệ thống lại những dẫn chứng quan trọng, sinh động, sát với thực tế xã hội và có tính thuyết phục người đọc cao.
“Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, các em nên khéo léo lựa chọn những tác phẩm trọng tâm để ôn tập, vì có nhiều bài được đưa vào nội dung tự học, đồng nghĩa với việc không xuất hiện trong bài thi. Trong quá trình ôn tập, hãy cố gắng ghi nhớ kiến thức cơ bản, được coi là “bộ xương” của bài làm. Việc tập trung vào những bài trọng tâm chính là cách giảm bớt sự hoang mang, đồng thời tăng cường động lực và hiệu quả cho học sinh khi ôn tập” – cô Đinh Thị Thúy Nga cho hay. |