Ô tô Trường Hải: So sánh giá tiền xe buýt nhanh BRT là không hợp lý?
Trước những thông tin cho rằng xe buýt nhanh BRT có giá chênh lệch so với chiếc xe khách đắt nhất hiện nay cả tỷ đồng, Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) vừa có văn bản làm rõ nghi vấn này.
Liên quan đến thông tin xe buýt nhanh BRT “thổi giá” đang được dư luận quan tâm, ngày 8/3, Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) đã phát đi thông cáo trong đó đưa ra một số thông tin về sản phẩm xe buýt Thaco cung cấp cho gói thầu mua sắm đoàn xe BRT thuộc hợp phần xe buýt nhanh BRT – một phần trong dự án cải tạo đô thị Hà Nội.
Cụ thể, báo chí cho rằng, “giá của một chiếc xe 47 chỗ cao cấp nhất hiện nay trên thị trường Việt Nam là Hyundai Universe Nobel 410PS, nhập khẩu mới 100%, đời 2016, tiện nghi lựa chọn cao cấp và đầy đủ nhất, cũng không quá 4,2 tỷ đồng/chiếc, đã bao gồm thuế VAT” .
Xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội
Theo Thaco, là nhà sản xuất xe BRT, việc báo chí nêu thông tin trên, xét về thông số kĩ thuật là không hợp lý bởi đã đưa ra hai sản phẩm không đồng nhất về nguồn gốc xuất xứ, chủng loại sản phẩm, các thông số kĩ thuật… để so sánh.
“Thực tế, xe BRT được đặt hàng theo dự án có các đặc tính kỹ thuật cao hơn các loại xe khách thông thường”, Thaco cho hay.
Cụ thể xe BRT có động cơ Hino được nhập khẩu từ Nhật Bản đạt tiêu chuẩn khí thải Euro III; Hộp số tự động 6 cấp cùng với hệ thống cầu trước, cầu sau với cơ cấu phanh đĩa tại 4 bánh xe.
Tất cả được cung cấp bởi tập đoàn ZF – Cộng hòa Liên Bang Đức; Xe có hệ thống treo khí nén, kết hợp với hệ thống điều khiển nâng hạ sàn tự động của tập đoàn Bosch – Cộng hòa Liên Bang Đức; Khung gầm kết cấu monocoque là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Bảng so sánh kỹ thuật giữa xe BRT và mẫu xe buýt đắt nhất hiện nay
Bên cạnh đó, BRT có nhiều đặc tính kỹ thuật khác đều đảm bảo theo đúng yêu cầu thiết kế: cửa mở bên trái để tiếp cận nhà chờ; hệ thống cơ cấu bậc tự động tiếp cận bậc nhà chờ; cơ cấu vị trí 26 chỗ ngồi và 64 đứng; Thời hạn bảo hành 36 tháng thay vì 12 tháng so với mẫu xe Hyundai Universe.
“Xe bus BRT được sản xuất theo sản xuất theo dự án thiết kế đặc thù riêng, không phải là loại xe được sản xuất đại trà như xe bus đang vận hành tại thị trường Việt Nam”, ông Mai Phước Nghê - Phó tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh xe tải, xe bus của THACO cho biết thêm.
Cũng theo nhà sản xuất, để có được mẫu xe này, Thaco đã phải đầu tư thời gian, kinh phí cho công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản xuất (R&D) và chọn các linh kiện vật tư đạt tiêu chuẩn quốc tế hiện nay tất cả xe buýt Việt Nam chưa áp dụng.
Thaco cũng đưa ra thêm thông tin, việc doanh nghiệp này trúng thầu dự án cung cấp xe buýt BRT đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phê duyệt vào ngày 5/11/2015.
Theo đó, liên doanh Thaco và Công ty Cổ phần Thiên Thành An đã trúng thầu với tổng giá trị 176,29 tỷ đồng, tương đương 7,9 triệu USD, trong đó chi phí cho 35 xe (chưa gồm VAT) là 156,55 tỷ đồng tương đương 4,45 tỷ/xe.
Phần còn lại bao gồm chi phí vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ: 3,12 tỷ đồng; chi phí kiểm tra xe: 0,6 tỷ đồng; thuế VAT: 16,02 tỷ đồng.