Nóng trong người hay chảy máu cam nên uống gì?
Nóng trong người gây chảy máu cam thường rất hay gặp. Nếu để tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhiều người có tâm lý hoang mang, sợ hãi. Đừng quá lo lắng, một số thức uống đơn giản sau đây sẽ giúp bạn cải thiện tốt tình trạng.
I. Vì sao nóng trong người gây chảy máu cam?
Chảy máu cam là tình trạng máu tự nhiên chảy ra từ vách ngăn của mũi, có thể bị chảy ở mũi trước và mũi sau. Chảy máu cam có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Nếu chảy máu không thường xuyên, số lượng ít thì không đáng lo ngại còn nếu bị chảy máu cam thường xuyên sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cuộc sống.
Theo y học cổ truyền, chảy máu cam còn được gọi là nục huyết, phần nhiều bởi hỏa. Tức do “nhiệt huyết” nóng trong người mà phát bệnh. Điều này do chức năng các tạng phủ phế, can, thận, tỳ, vị suy giảm không thể đào thải mọi độc tố ra ngoài.
Theo thời gian, các độc tố dần dần tích tụ lại gây nóng trong mà sinh ra chảy máu cam.
Cũng theo một số tài liệu ghi rằng: “mũi” là cơ quan cửa ngõ của phế, nếu phế nhiệt thì huyết cũng theo đó mà chảy ra ngoài. Tình trạng chảy máu cam do phế nhiệt biểu hiện mũi khô, miệng khô, lưỡi đỏ, hay bị ho sốt. Hướng điều trị chủ yếu là làm mát huyết, nhuận phế chỉ huyết, dưỡng huyết, bổ huyết.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, một số những tác nhân gây hại bên ngoài cũng kích thích gây nên tình trạng chảy máu cam. Cụ thể như sau:
- Stress, lo lắng: trong những tình huống con người hoang mang cực độ, cạnh tranh trong thể thao, chấn thương thể chất, tinh thần… đều có nguy cơ gây chảy máu cam.
- Nhức đầu do căng thẳng có thể kèm theo chảy máu mũi.
- Bị chấn thương ở mũi do va đập, ngã, vật cứng đập vào mũi, dị vật…
- Uống nhiều thuốc tân dược trong quá trình điều trị bệnh. Nhất là thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc chống viêm có chứa thành phần khiến chảy máu cam nặng hơn.
- Uống nhiều bia rượu, thuốc lá, lạm dụng chất kích thích có thể làm tổn thương niêm mạc mũi, mạch máu trong mũi dẫn đến chảy máu.
- Uống ít nước gây khô táo trong người, không đủ làm mát cơ thể.
- Chế độ ăn uống chưa đảm bảo. Ăn nhiều những thức ăn cay nóng, quá ngọt, chất béo, chất đạm.
- Bị thiếu hụt dinh dưỡng, nhất là các loại vitamin C, vitamin K cùng với một số các khoáng chất tham gia tổng hợp máu như sắt, kali.
- Thời tiết nóng bức, khắc nghiệt, hay thay đột ngột quá nóng, quá lạnh hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm.
- Môi trường sinh sống ở những nơi có không khí khô, thiếu mất đi độ ẩm khiến niêm mạc mũi bị khô, các mạch máu mỏng manh, nằm gần bề mặt của mũi dễ bị vỡ. Ngoài ra việc tiếp xúc thường xuyên với mùi khói độc cũng khiến tình trạng chảy máu mũi nhiều hơn.
II. Nóng trong người hay chảy máu cam nên uống gì?
Đối với những người hay chảy máu cam thường xuyên khi đã loại trừ được những nguyên nhân đến từ: bệnh lý, môi trường, chấn thương… thì còn có thể liên quan đến dinh dưỡng thiếu khoa học. Vậy, nóng trong người hay chảy máu cam nên uống gì, ăn gì?
Chúng ta nên bổ sung những thức uống, sinh tố đơn giản sau sẽ giúp những người bị nóng trong giảm đi nguy cơ hay bị chảy máu cam:
1. Các loại nước ép giàu vitamin C
Vitamin C có vai trò quan trọng giúp cung cấp sức mạnh cho hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa mọi bệnh tật. Đây là loại vitamin đứng đầu bảng danh sách thực phẩm có lợi cho người bị chảy máu cam.
Vitamin này còn có vai trò tăng cường sức mạnh của mạch máu, giúp cho mạch máu hạn chế bị vỡ khi gặp phải những tác động từ bên ngoài. Đồng thời giúp ngăn ngừa bệnh Scurvy - một căn bệnh gây chảy máu nhiều ở các cơ quan như răng, mũi.
Vì thế mà cần bổ sung vitamin C trong thời gian dài sẽ giảm đi nguy cơ bị chảy máu cam. Hằng ngày nên bổ sung khoảng 75 - 95 mg vitamin C là hợp lý.
Một số loại quả rất giàu loại vitamin này như đu đủ, ổi, cam, dâu tây… Chúng ta có thể ăn hằng ngày, ép uống nước hoặc xay sinh tố để uống.
Đối với các bé hay bị chảy máu cam có thể uống nước ép trái cây để bổ sung vitamin C.
2. Sinh tố trái cây giàu vitamin K
Vitamin K là một khoáng chất tốt kích thích các enzym ở nhiều giai đoạn trong quá trình đông máu, đồng thời hình thành collagen - một lớp lót ẩm bảo vệ mũi, giữ cho các mạch máu của mũi không bị các tác nhân gây hại tấn công, giảm nguy cơ tổn thương chảy máu.
Bổ sung đầy đủ vitamin K giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh gan, thận, máu khó đông…
Chúng ta có thể tăng cường bổ sung vitamin K có trong các loại rau xanh như cải bó xôi, bắp cải, cải xanh, húng quế…
3. Uống đủ nước mỗi ngày
Nước rất quan trọng đối với cơ thể, giúp thanh lọc, đào thải mọi độc tố; giảm đi tình trạng nóng trong nên ngăn ngừa chảy máu cam hiệu quả.
Mặt khác việc thiếu đi độ ẩm do thiếu nước có thể gây khô rát mũi, chảy máu mũi.
Mỗi ngày bạn nên uống từ 2 - 2,5 lít nước; vào mùa lạnh hay khi thời tiết khô hanh thì nên uống nhiều hơn. Có thể uống các loại nước ép hoa quả, nước canh, súp đều rất tốt.
4. Nước canh cho người bị nóng trong hay chảy máu cam
Ngoài những thức uống trái cây, sinh tố tốt cho người nóng trong hay bị chảy máu cam trên thì những loại nước canh dưới đây cũng rất thơm ngon, bổ dưỡng.
Các bạn nên tham khảo và bổ sung vào thực đơn bữa ăn hằng ngày nhé.
4.1. Nước canh lá hẹ
Canh lá hẹ ăn rất mát, nhất là vào những ngày nóng nực. Hẹ có vị cay, hơi chua, tính ấm, cầm máu tốt cho những người hay bị chảy máu cam.
Ngoài ra với đặc tính kháng khuẩn, giải độc, lợi tiểu, lá hẹ có công dụng loại bỏ đi các gốc tự do, đào thải mọi độc tố dư thừa ra bên ngoài, ngăn không cho những chất độc này ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, nhất là gan.
Vì vậy ăn hẹ giúp giải độc cơ thể rất tốt, hạn chế nóng trong người hay chảy máu cam.
Cách làm nước canh lá hẹ cũng khá đơn giản, dễ thực hiện:
- Chuẩn bị lá hẹ tươi khoảng 60g, rửa sạch, giã nhỏ.
- Sau đó dùng nước sôi nguội và rây chắt lấy khoảng 200ml nước cốt.
- Chia làm 2 lần uống trong ngày, để vào ngăn mát tủ lạnh. Nếu uống vào mùa đông nên uống ấm.
Ngoài cách trên, các bạn cũng có thể nấu canh lá hẹ kèm với thịt lợn, đậu hũ; xào với thịt bò giúp mát huyết giảm chảy máu cam do huyết nhiệt, nóng trong người.
4.2. Nước rau muống
Rau muống cung cấp chất xơ dồi dào, vitamin C, K… có nhiều tính năng trong việc phòng ngừa, chữa trị nhiều bệnh: cầm máu, giải độc cơ thể…
Còn theo y học dân gian, canh rau muống là bài thuốc quý dùng rất tốt cho những trường hợp chảy máu mũi do nhiệt.
Các bạn có thể làm theo các cách sau đây:
- Rau muống rửa sạch.
- Lấy cuống của rau muống giã nát ra, gạn lấy nước cốt, cho thêm một chút đường hay mật ong rồi hòa thêm nước sôi nguội vào cho dễ uống. Sau khi uống xong một lát sau máu cam sẽ được cầm.
- Hoặc cũng có thể làm như sau: rửa thật sạch rau muống đem nấu nước cùng với hoa cúc. Để sôi khoảng 15 - 20 phút, sau đó cho đường vào để vị ngọt hơn dễ uống, khuấy đều, chia ra làm 2 -3 lần uống trong ngày.
4.3. Nước củ cải trắng
Củ cải trắng sử dụng thường xuyên sẽ rất tốt cho sức khỏe, trong củ cải có chứa vitamin B12 tăng cường hấp thụ sắt, bồi bổ thể trạng, ngăn ngừa hiệu quả chứng thiếu máu.
Ngoài ra trong củ cải còn chứa lượng chất xơ dồi dào tốt cho hệ tiêu hóa, bài trừ độc tố tốt, ngăn ngừa nội nhiệt.
Uống nước ép củ cải trắng giúp giảm tình trạng chảy máu cam ở cả người lớn và trẻ em.
Các bạn chuẩn bị 100 - 200g củ cải trắng, rửa sạch, giã nhỏ dùng nước nguội rồi lọc lấy phần nước cốt củ cải. Chia ra làm 3 - 4 lần rồi uống luôn trong ngày.
Hoặc cũng có thể lấy một phần nước cốt củ cải hòa thêm vào cùng một chút rượu đun nóng. Sau đó các bạn lấy nước này nhỏ vào mũi ngày 3 - 4 lần sẽ thấy có tác dụng mau chóng.
4.4. Nước nhân lạc
Nước nhân lạc là bài thuốc hữu hiệu, đơn giản giúp điều trị bệnh chảy máu cam một cách an toàn, đơn giản.
Chuẩn bị: Nhân lạc tươi 60g, tốt nhất nên chọn loại lạc còn non.
Sau đó cho nhân lạc vào, đổ nước vào đun sôi lên thật kỹ. Chắt lấy nước, để nguội chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày.
Thực hiện ăn, uống liền trong 3, 4 ngày để cảm nhận hiệu quả.
4.5. Nước vỏ quả dừa
Dừa là loại thực phẩm được sử dụng để làm thuốc chữa trị chảy máu cam an toàn, hiệu quả.
Các bạn chọn lấy quả dừa - loại quả được dùng làm nước giải khát, vỏ quả còn xanh, non.
Sau đó các bạn cắt thành từng miếng, cho vào nồi đun sôi thật kỹ, chắt lấy phần nước cốt, chia làm 2 - 5 lần uống trong ngày.
Chỉ sau khoảng từ 3 - 5 ngày khi áp dụng cách này bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
4.6. Nước rễ cỏ tranh
Đây là bài thuốc dân gian trị chảy máu cam được đánh giá cao. Trong Đông y, rễ cỏ tranh vị ngọt, tính hàn mang lại rất nhiều lợi ích, thải độc, thanh lọc tốt cơ thể.
Những người thường xuyên bị chảy máu cam, tiểu tiện ra máu dùng sẽ rất tốt.
Cách thứ nhất:
- Chuẩn bị khoảng 50 - 100g rễ cỏ tranh tươi, 20g đường phèn.
- Đem rễ cỏ tranh tươi mang đi rửa sạch, cạo sạch vỏ sau đó đun nhừ cùng với 150g thịt lợn nạc thái lát mỏng cùng với 50g bạch anh tươi.
- Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn thường xuyên trong vòng nửa tháng sẽ thấy được hiệu quả rõ rệt.
Hoặc các bạn cũng có thể làm theo các bước sau:
- Dùng khoảng 200g rễ cỏ tranh tươi, rửa sạch đun cùng với khoảng 600 ml nước lọc. Sau khi đun sôi cho nhỏ lửa thì tiếp tục đun thêm khoảng 10 phút nữa.
- Dùng thứ nước này thay cho nước lọc hằng ngày. Để đạt được hiệu quả cần dùng đúng và đủ liệu trình từ 15 - 20 ngày.
Nhóm đối tượng lưu ý không nên dùng: mẹ bầu hoặc đang cho con bú. Khi dùng thấy có các biểu hiện nôn mửa, đau bụng thì nên ngừng ngay lập tức.
4.7. Canh mướp
Canh mướp là món ăn dân dã, quen thuộc, thơm ngon trong mỗi bữa ăn Việt; nhất là vào trong những ngày hè nóng nực.
Trong Đông y, loại canh này cũng là một vị thuốc quý giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể ngừa nóng trong rất tốt.
Chuẩn bị nguyên liệu 200g mướp tươi, 100g thịt lợn nạc băm nhỏ, bột ngọt, gia vị đầy đủ.
Mướp gọt vỏ, rửa sạch rồi thái miếng vừa tầm. Thịt lợn băm nhỏ đem xào lên cho chín rồi cho ít nước đun sôi, cho mướp vào, đảo đều. Khi canh chín nêm thêm một chút bột ngọt vào.
Hoặc các bạn có thể chế biến nấu món canh cua đồng nấu mướp cũng rất thơm ngon, bổ dưỡng ăn cùng với cơm trắng, cà muối rất mát, kích thích tiêu hóa.
Ngoài những thức uống và loại canh kể trên thì uống nước chè đỗ đen, nước ngó sen nhỏ trực tiếp vào mũi cũng là những cách chữa dân gian hay, hiệu quả cho người bị chảy máu cam.
Lưu ý: chúng ta nên ăn uống những chất thanh đạm, thanh nhiệt giải độc tốt; nhiều hoa quả tươi, rau xanh chứa nguồn vitamin C dồi dào như cà chua, cam, quýt…
Nên hạn chế nhóm chất cay nóng như ớt, hành tây, gừng, tỏi, các món nướng, rán, quay…
Bạn nếu bị nóng trong người hay chảy máu cam nên thường xuyên bổ sung những thức uống, món canh bên trên sẽ giúp cải thiện tốt tình trạng. Song nếu chảy máu cam nặng hơn và thường xuyên tái diễn thì mọi người nên đi thăm khám để có cách xử lý hiệu quả.