Những người “thắp lửa” cho học sinh vùng cao

28-11-2021 06:45:06

Hơn chục năm gắn bó với trẻ em nghèo, giáo viên vùng cao huyện Đăk Glei (Kon Tum) không thể nhớ hết khó khăn, vất vả từng trải qua.


Hạnh phúc của thầy Linh cũng như giáo viên vùng cao là học sinh đủ ăn, mặc ấm và chăm chỉ đến trường.

Dù vậy, họ vẫn hạnh phúc vì đã góp phần “thắp sáng tương lai” cho những đám trẻ ở nơi xa ngái này.

“Cuốc bộ” 40km

Thầy Phạm Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mường Hoong (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, Kon Tum) đã có 24 năm gắn bó với học sinh trên các bản làng vùng cao.

Ngược miền kí ức, nhiều năm về trước, thầy cùng hàng chục giáo viên được huyện Đăk Glei đến tận trường đón về xã Mường Hoong và Ngọc Linh nhận công tác. Hôm đó, trời mưa như trút, chiếc xe chở cả đoàn đi qua trung tâm huyện một đoạn đành phải dừng lại. 10 giáo viên nam và 4 giáo viên nữ thu dọn đồ đạc rồi “cuốc bộ” hơn 40km vào xã Ngọc Linh.

Hành trang lên đường nhận nhiệm vụ của thầy Tuấn chỉ là chiếc ba lô đựng vài bộ quần áo, đèn pin, dầu gió và sổ tay. Càng vào sâu, con đường chi chít những điểm sạt lở bởi cơn mưa đêm hôm trước. Cuốc bộ hàng chục km các cô giáo chỉ chực khóc và muốn quay về. Không còn sức bước tiếp, thầy giáo chỉ biết động viên rồi giúp các cô gánh ba lô.

Suốt hành trình mang con chữ vào làng ấy, đoàn giáo viên chỉ lót bụng bằng vài chiếc bánh mì. Khi chân mỏi, sức đã kiệt các thầy cô “ăn ké” cơm của giáo viên ở các trường dọc đường đi. Người đông, thức ăn không đủ, cả đoàn chia nhau con cá khô, gói mì tôm. Tối đến, thầy cô mắc võng ngủ tạm để lấy sức tiếp tục hành trình.


Học sinh Trường Tiểu học xã Mường Hoong còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

“Lội bộ hơn 1 ngày cả đoàn mới đến được Trường Tiểu học xã Mường Hoong. Khi đó 12 giáo viên ở lại đây giảng dạy còn tôi và 1 thầy giáo tiếp tục hành trình đến Trường Tiểu học xã Ngọc Linh. Đến nơi, đôi dép da đóng của mình vừa đứt, còn chân ai nấy đều rướm máu vì đi bộ quá lâu”, thầy Tuấn nhớ lại.

Ngôi trường đầu tiên giảng dạy khác xa những gì thầy Tuấn hình dung. Những điểm trường làng không cổng, chỉ có dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, tạm bợ. Chỗ ở của giáo viên được đắp bằng đất và lợp tranh.

“Ở vùng núi cao, mưa có khi kéo dài mấy tháng. Để có quần áo mặc, giáo viên phải treo bên góc bếp hong khô. Lúc mặc vào, người chỉ toàn mùi khói. Thời điểm đó, các điểm trường chưa có điện, đêm đến, giáo viên đốt nhựa cây xà nu lấy ánh sáng soạn giáo án. Sáng hôm sau khi lên lớp, lỗ mũi ai nấy đen nhẻm vì khói xà nu”, thầy Tuấn tâm sự.

Suốt những năm trong nghề, thầy Tuấn không thể nhớ hết những ngày cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn, làng để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Rồi không ít câu chuyện rơi nước mắt của trò nghèo khi mùa đông giá rét chỉ mặc chiếc áo mỏng vừa học vừa run. Thương học trò, giáo viên mang quần áo ấm của con, cháu mình cho các em mặc.

“Thời tiết trên này rất khắc nghiệt, mặc dù giờ đây đời sống của người dân đỡ cực hơn trước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Mình chỉ mong rằng các em đến lớp đủ đầy, có cơm ăn, áo ấm mặc vào mùa đông. Tuy nghèo đói, nhưng các em rất tình cảm. Những dịp lễ 20/11 thay vì hoa, quà, học sinh mang trái bí, bó mía lên dúi vào tay giáo viên rồi chạy đi. Mình trân trọng và hạnh phúc với tình cảm của học trò dành cho giáo viên”, thầy Tuấn tâm sự.


Thầy Lê Văn Linh chuẩn bị cho tiết dạy vào hôm sau.

Tình yêu ở lại

Sau 10 năm công tác tại Trường Tiểu học xã Ngọc Linh, thầy Tuấn chuyển ra Trường Tiểu học xã Mường Hoong cách trường cũ khoảng 4km. Lúc bấy giờ thầy giáo trẻ ngoài giờ lên lớp chỉ biết quanh quẩn với 4 bên núi đồi. Thương giáo viên cắm bản xa nhà, người dân khi có con cá, mớ rau, măng rừng… lại mang đến tận nơi tặng thầy cô. Những hộ dân quanh trường cũng thường xuyên mời thầy cô qua trò chuyện, ăn tối.

Trong những buổi cơm gia đình đó, thầy Tuấn và cô giáo mầm non người địa phương vô tình chạm ánh mắt nhau. Qua những câu chuyện trong cuộc sống, 2 người dần cảm thông và nảy sinh tình cảm. Không hoa, không quà cũng chẳng có lời tỏ tình nào được nói ra, họ nên đôi chỉ từ cái nắm tay bên bếp lửa.

“Khi đó, giáo viên yêu nhau còn e ngại, chẳng ai dám tỏ tình. Chuyện tình của mình và vợ chỉ đơn giản là ngồi bên bếp lửa, nắm tay rồi ôm vào lòng. Thế là yêu”, thầy Tuấn ngại ngùng kể.

Sau khi kết hôn, thầy Tuấn có 2 người con. Con lớn năm nay học lớp 12, đứa nhỏ mới lên lớp 3. Cuộc sống của gia đình nhỏ êm đềm trôi qua dưới chân núi Ngọc Linh.

Năm 2017, khi vợ chuyển công tác ra Trường Mầm non xã Đăk Kroong, gia đình thầy Tuấn chỉ có thể gặp nhau vào cuối tuần. Suốt 3 năm qua cứ chiều thứ Sáu thầy Tuấn vượt con đường đèo khoảng 50km về nhà thăm vợ con, chiều Chủ nhật lại trở về trường. Vào những ngày mưa, đường sạt lở không thể đi được, thầy Tuấn đành gọi điện, nhìn vợ con qua màn hình điện thoại.

“Tôi còn may mắn hơn nhiều giáo viên khác. Có những thầy cô cắm bản cả tháng, có khi nửa năm mới gặp gia đình một lần. Mỗi khi nhớ nhung, thành viên trong gia đình chỉ biết nhìn và nghe giọng nói của nhau qua điện thoại”, thầy Tuấn nói.

Năm học này, thầy Tuấn được tăng cường ra phòng GD&ĐT huyện nên khoảng cách với vợ con được rút ngắn. Hàng tuần, thầy cố gắng sắp xếp công việc để có nhiều thời gian về với gia đình.

“Dù không có nhiều thời gian bên gia đình nhưng vợ con chưa bao giờ hờn trách. Bởi vợ mình cũng là giáo viên nên rất hiểu và cảm thông. 2 con cũng biết được sự khó khăn, vất vả của học sinh nơi đây nên luôn động viên bố. Tôi rất hạnh phúc khi gia đình luôn cạnh bên sẻ chia và thấu hiểu”, thầy Tuấn nói.


Thầy Phạm Anh Tuấn đến thăm, động viên học sinh mồ côi cả bố lẫn mẹ.

Ở lại làng để vận động học sinh ra lớp

Tròn 10 năm gắn bó với xã Mường Hoong, thầy Lê Văn Linh, giáo viên môn Công nghệ, Trường PTDTBT THCS xã Mường Hoong không nhớ bao lần ngủ lại nhà học sinh khi vào làng vận động các em ra lớp.

Thầy Linh kể: Nhà ở huyện Kon Rẫy, cách trường khoảng 160km. Đường sình lầy, trơn trượt với vô số điểm sạt lở. Ngày mưa phải đi khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Đặc biệt, điều kiện sống của học sinh vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Đói nghèo đeo bám nên nhiều gia đình không cho con em ra lớp.

Mong muốn các em biết đọc, biết viết để sau này có tương lai tốt đẹp hơn, thầy Linh cùng giáo viên trong trường vào tận làng tuyên truyền, vận động. Ban ngày là thời gian phụ huynh học sinh đi nương rẫy, đến tối mịt mới về nhà. Do đó, cứ chập choạng tối, giáo viên trong trường rủ nhau vào làng để tuyên truyền phụ huynh cho con em mình ra lớp. Tuy nhiên, con đường đất với dốc thẳng đứng, vào ngày mưa giáo viên “vồ ếch” liên tục.

“Trước đây, đều đặn mỗi tuần, tôi vào làng 4 - 5 lần để vận động học sinh ra lớp. Tối đến giáo viên xin ngủ lại nhà học sinh để thuận tiện cho việc thuyết phục phụ huynh. Đặc biệt những ngày mưa, các em ngại đến trường vì đường sá khó khăn, cách trở. Thế rồi giáo viên trong trường lại chia nhau đến từng làng để đưa học trò ra lớp. Dần dần phụ huynh cảm thông, các em cũng ra lớp đều hơn”, thầy Linh chia sẻ.

Là giáo viên cắm bản nên những dịp lễ đặc biệt thầy Linh cũng như bao đồng nghiệp khác không thể có mặt để chia sẻ niềm vui, hạnh phúc cùng gia đình. Những hôm con đau ốm thầy cũng không kịp về để chăm sóc.

“Tôi có 2 người con, đứa đầu 7 tuổi còn con út vừa tròn 6 tuổi. Tuy nhiên, ngần ấy lần sinh nhật của các con mình đều không có mặt. Thương con tủi thân nên mình thường xuyên gọi điện động viên, tâm sự. Bởi bên cạnh gia đình, học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và luôn cần mình. Giờ đây tôi chỉ mong học sinh đến lớp đủ đầy, không nghỉ hoặc bỏ học. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với mỗi nhà giáo”, thầy Linh nói.

Cô Y Hải, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei cho biết: Xã Mường Hoong, Ngọc Linh là khu vực xa và khó khăn nhất của địa phương. Đa số giáo viên giảng dạy tại các trường ở 2 xã này đều xa gia đình. Năm học vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có thầy cô cả năm rồi chưa thể về thăm gia đình. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh ít quan tâm đến việc học của con em mình nên giáo viên thường xuyên vào nhà vận động để các em ra lớp. Dần dần phụ huynh và học sinh cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc học nên việc duy trì sĩ số được nâng cao.

 

Dung Nguyễn
Theo Giáo dục & Thời đại //