Những 'hiểm họa' khôn lường khi sử dụng bao cao su tái chế
Theo bác sĩ, việc sử dụng bao cao su tái chế có thể làm lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục, tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn…
Lực lượng quản lý thị trường thu giữ lượng lớn bao cao su đã qua sử dụng được gia công lại. Ảnh: Tuổi trẻ Online
Sử dụng bao cao su tái chế làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và mang thai ngoài ý muốn
Theo nguồn tin trên Tuổi trẻ Online, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an phường Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) đã bất ngờ kiểm tra khu nhà trọ tại tổ 4, đường DX12, khu phố Hóa Nhựt, phường Tân Vĩnh Hiệp, phát hiện và tạm giữ khoảng 324.000 bao cao su đã qua sử dụng chưa tái chế và đã tái chế (tương đương 360kg.
Người trực tiếp thực hiện công việc tái chế bao cao su đã qua sử dụng, không bao bì, không ghi nhãn là Phạm Thị Thanh Ngọc (33 tuổi, quê Nghệ An). Làm việc với cơ quan chức năng, bà Ngọc khai nhận trung bình một tháng một lần nhận bao cao su đã qua sử dụng từ một người không rõ địa chỉ để về súc rửa, phơi khô, phân loại và dùng dương vật giả để vuốt lại, tạo hình như mới. Sau đó hàng đã được gia công được đưa đi tiêu thụ.
Trao đổi với PV Vietnamnet, BS.CK2 Bùi Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TP HCM cho biết việc tái sử dụng bao cao su có thể làm lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục, tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.
Theo phân tích của BS Mạnh Hà, bao cao su có tác dụng phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giúp ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn nhưng công dụng trên chỉ phát huy khi được sử dụng đúng cách.
Cụ thể, bao cao su được sản xuất chỉ sử dụng một lần với sự kiểm soát về độ bền, độ đàn hồi, kích thước, chất bôi trơn và vô khuẩn theo quy trình chặt chẽ. Bao cao su phải đảm bảo đạt chất lượng và tuyệt đối không được tái sử dụng.
Khi tái sử dụng bao cao su sẽ không đảm bảo được 2 mục đích đó là phòng ngừa lây các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tránh thai. Nguyên nhân là do trong quá trình tẩy rửa, tái chế bằng hóa chất, bao cao su có thể bị giảm chất lượng đàn hồi, dễ bị thủng, rách dẫn.
Ngoài ra, người sử dụng bao cao su tái chế sẽ đối mặt với nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục như: HIV, HPV, viêm gan siêu vi B, giang mai, lậu, sùi mào gà, Chlamydia, nhiễm vi nấm Candida… Mặt khác, khi tái chế người gia công sẽ sử dụng chất bôi trơn chất lượng kém, không rõ nguồn gốc dễ gây dị ứng cho người tiếp xúc.
Sử dụng bao cao su tái chế làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và mang thai ngoài ý muốn. Ảnh: Tuổi trẻ Online
Sử dụng bao cao su như thế nào là đúng cách và an toàn?
Nguồn tin trên Dân trí được biết, theo thống kê sơ bộ, mỗi tháng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu tiếp nhận và điều trị cho hơn 5.000 ca khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cao điểm có những ngày khoa tiếp nhận hơn 300 ca.
Để tránh mắc các bệnh lây qua đường tình dục, phòng tránh thai ngoài ý muốn, bác sĩ Hà khuyến cáo, các cặp vợ chồng và các cặp bạn tình luôn sử dụng bao cao su mới cho mỗi lần quan hệ, tuyệt đối không tái sử dụng và cần dùng đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nên chú ý lựa chọn kích thước bao cao su phù hợp, mỗi lần quan hệ không nên dùng một lúc hai bao. Để có độ bền tốt nhất, bao cao su cần bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát, tránh để sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hay hóa chất làm giảm chất lượng bao, hạn chế bỏ vào ví hay túi xách tạo điều kiện ma sát làm rách bao.
Bên cạnh đó, để tránh sử dụng phải hàng giả, hàng tái chế, hàng kém chất lượng, người dùng cần kiểm tra kỹ bao bì và hạn sử dụng của sản phẩm và phải chắc chắn bao không bị thủng, rách trước khi mang.
Ngoài ra, người dùng cần xé bao cẩn thận để tránh làm rách bao, không sử dụng các sản phẩm gốc dầu như kem dưỡng da, dầu trẻ em, dầu ăn làm chất bôi trơn vì chúng có thể làm bao cao su dễ rách, thủng.