Những góc nhìn khác về chuyện 'Nghịch lý cà phê Việt'
Gần đây, chuyện về nghịch lý cà phê Việt đang dấy lên những luồng ý kiến trái chiều. Người cho rằng, ngành cà phê nước ta đang “lạm dụng” xuất khẩu mà người tiêu dùng trong nước khó được dùng của ngon. Nhưng có người lại phản biện điều đó.
Người tiêu dùng chọn cà phê sạch
Ở Việt Nam, cà phê là một trong những món đồ uống phổ biến. Mọi góc phố, mọi con đường ở bất cứ đô thị nào tại Việt Nam dường như đều có quán cà phê. Trong hàng trăm năm sử dụng món uống này, văn hoá dùng cà phê của người Việt đã có rất nhiều thay đổi, từ nguyên chất, trộn, đến cà phê biến tấu.
Một chuyên gia về văn hóa ẩm thực, cho rằng, với cà phê nguyên chất, một bộ phận nhỏ người dùng bắt đầu thích tới những loại cà phê nổi tiếng thuộc dòng sang, hay cà phê ngoại như cà phê chồn, cà phê Ethiopia, Bourbon cà phê... Cà phê đường phố phổ biến với màu đen đặc, hương thơm phải mạnh mẽ, nồng nàn, đắng đậm. Trong khi đó, những dòng cà phê biến tấu không chỉ để tâm đến vị, mà còn tập trung vào cách thức pha chế, trình bày đẹp mắt, kết hợp các nguyên liệu mới như việt quất, trà xanh…
Thực tế cho thấy, giờ đây không nhiều người Việt “mê” cà phê nguyên chất. Cà phê nguyên chất có vị đắng nhẹ, chua thanh. Vị chua nguyên thủy của hạt cà phê vốn là thứ mà người Việt không thích, vì vậy, vị của các chất trộn từ các nguyên liệu lành (đậu nành, ngô…) hay phụ gia sẽ làm biến mất vị chua cố hữu của cà phê. Cà phê trộn trở nên hấp dẫn. Nó có vị đắng, đậm đà, mùi thơm nồng, rất "cà phê Việt Nam”.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam cho biết, đối với sản phẩm cà phê, tiêu thụ phụ thuộc vào hương vị, mà hương vị phụ thuộc vào cách pha trộn. Việc pha trộn đơn vị sản xuất phải đăng ký với cơ quan kiểm định chất lượng. Cũng chính vì khẩu vị của người Việt mà các hãng cà phê cho ra đời nhiều sản phẩm cà phê pha trộn nhằm thỏa mãn nhu cầu.
Trong thời buổi hiện nay, khi các loại cà phê không rõ nguồn gốc lan truyền khắp nơi, thì những khách hàng thông minh dần thay đổi thói quen chuyển sang sử dụng cà phê sạch hàng ngày. Cà phê hoà tan của các thương hiệu lớn được đánh giá là lành, an toàn bởi có tỷ lệ trộn thấp, sản xuất đúng quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ nhằm làm giảm vị chua, tăng vị đắng theo khẩu vị người Việt.
PGS. TS Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khuyến cáo: Người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm đến từ công ty lớn, uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, ghi nhãn mác đầy đủ để hạn chế tối đa việc uống phải sản phẩm cà phê bẩn gây hại cho sức khỏe.
Xu hướng tập trung chế biến sâu
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vifoca) cho thấy, cà phê chế biến, cụ thể là cà phê hòa tan đã chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và được dự báo sẽ còn tăng trưởng rất tốt trong nhiều năm tới.
Theo các chuyên gia cho biết, cà phê chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất từ 70-100 triệu đồng/tấn cà phê quy nhân. Tuy nhiên, lâu nay ngành hàng cà phê Việt Nam chế biến sâu chỉ mới chiếm 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân trong cả nước, chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân (cà phê hạt) nên giá trị gia tăng thấp.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào cà phê chế biến. Đơn cử như Nestlé đã đầu tư gần 300 triệu USD và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại tỉnh Đồng Nai; Olam cũng đang đầu tư xây dựng nhà máy; các công ty trong nước như Trung Nguyên, Mê Trang, Vinacafe… đang mở rộng quy mô sản xuất.
Nhờ đó, giá trị cà phê xuất khẩu đã dần được tăng lên. Điều này bước đầu được minh chứng qua số lượng xuất khẩu cà phê tháng 7/2017 ước đạt 106 nghìn tấn với giá trị đạt 242 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 937 nghìn tấn và 2,12 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng nhưng tăng 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Đại điện Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cà phê chế biến đã được định hướng phát triển mạnh trong thời gian tới để phục vụ xuất khẩu và một phần đáp ứng tiêu dùng nội địa. Mục tiêu đến năm 2020, có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê phục vụ trực tiếp cho tiêu dùng.
Trong đó, cà phê rang xay (cà phê bột) chủ yếu dành cho thị trường nội địa nên các địa phương, đơn vị chủ trương không đầu tư xây dựng mới nhà máy mà tập trung nâng cao công suất thực tế, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa sản lượng cà phê rang xay từ 26.000 tấn/năm hiện nay tăng lên 50.000 tấn/năm (đạt 90% công suất thiết kế của các nhà máy) vào năm 2020.
Riêng đối với cà phê hoà tan, các địa phương, doanh nghiệp ưu tiên tiếp tục khuyến khích mời gọi, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư trong, ngoài nước xây dựng các nhà máy chế biến cà phê hoà tan thành sản phẩm hàng hoá có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.