Những giải pháp giúp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có con
Sau quá trình điều trị không kết quả, các cặp đôi nên tìm hiểu những giải pháp cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dưới đây để mở ra cơ hội có thiên thần nhỏ cho gia đình mình.
Có nhiều giải pháp cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn vì vậy đừng từ bỏ hy vọng
Nguyên nhân gây hiếm muộn
Theo một thống kê gần đây, ở Việt Nam cứ 100 cặp vợ chồng thì có 15 cặp không thể có con. Nguyên nhân gây hiếm muộn do vợ chiếm 30 – 40%, do chồng chiếm 30%, do cả vợ và chồng chiếm 15 – 30% và có khoảng 10% hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Nguyên nhân gây hiếm muộn thường gặp là:
- Nam giới: bất thường chất lượng và số lượng tinh trùng, thiếu hụt nội tiết do suy tuyến sinh dục, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng, nghiện thuốc lá hay rượu…
- Nữ giới: tổn thương vòi trứng, nhiễm trùng vùng chậu, dinh dưỡng kém, lớn tuổi, rối loạn rụng trứng hay không rụng trứng, lạc nội mạc tử cung, khối u buồng trứng…
Ngoài ra, có tới 44% cặp vợ chồng Việt Nam không có con nhưng không tìm kiếm việc điều trị để có thai, mà vẫn tin vào may mắn. Thật ra, trong trường hợp này, chờ may mắn đến là rất khó. Do đó, khi biết mình hiếm muộn, các cặp vợ chồng nên tìm hiểu các phương pháp điều trị vô sinh sau:
Kích trứng
Đối tượng: Người chồng bình thường, còn vợ rụng trứng không thường xuyên hoặc các tế bào trứng không thể trưởng thành.
Cách thực hiện: Đến thời gian thích hợp, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây rụng trứng và hẹn ngày để vợ “gần” chồng hoặc ngày lọc rửa tinh trùng để bơm. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng kích thích không chỉ một mà nhiều nang noãn phát triển. Khi đó, khả năng có thai sẽ cao hơn và nguy cơ đa thai cũng rất lớn.
Thụ tinh nhân tạo (IUI)
Đối tượng: Người vợ có khả năng sinh sản bình thường nhưng cổ tử cung có chất nhờn ngăn chặn không cho tinh trùng đến gặp trứng. Chất lượng tinh trùng của chồng thấp, di chuyển chậm.
Cách thực hiện: Với phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI), sau khi lấy ra từ cơ thể chồng (bằng cách thủ dâm), tinh trùng được làm sạch và bơm trực tiếp vào tử cung của người vợ qua một ống thông. Trước đó, người vợ cũng được điều trị kích trứng.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Đối tượng: Vợ tắc vòi trứng, lớn tuổi; chồng có tinh trùng ít, yếu, dị dạng (không đủ để bơm tinh trùng vào buồng tử cung); chồng không có tinh trùng, phải lấy tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn, bơm tinh trùng nhiều lần thất bại.
Cách thực hiện: Đến thời gian thích hợp, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây rụng và chọc hút trứng cho người vợ. Cùng thời điểm này, tinh trùng được lấy ra từ chồng đưa vào phòng lab để chuẩn bị cấy, tạo thành phôi.
Sau khi sự thụ tinh diễn ra hoặc được trữ lạnh nếu có chất lượng tốt, 2 – 3 ngày sau phôi sẽ được đưa vào buồng tử cung. Tại nhà, người vợ tiếp tục uống và đặt thuốc để hỗ trợ phôi làm tổ, phát triển thành thai nhi. Hai tuần sau người vợ sẽ được thử máu xác định có thai hay không.
Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI)
Đối tượng: Chồng có tinh trùng ít, yếu, dị dạng nhiều hay không có tinh trùng trong tinh dịch phải lấy tinh trùng bằng phẫu thuật; bất thường trong thụ tinh, vô sinh không rõ nguyên nhân, thất bại với thụ tinh ống nghiệm bình thường.
Cách thực hiện: Bác sĩ tiêm tinh trùng trực tiếp vào trứng để tạo phôi. Với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bình thường, một số trường hợp tinh trùng không thể tự thụ tinh dẫn đến không có phôi để chuyển vào buồng tử cung. Khi áp dụng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, khoảng 70% trường hợp sự thụ tinh diễn ra.
Thụ thai nhờ ngân hàng trứng, tinh trùng
Đối tượng: Người vợ lớn tuổi, suy buồng trứng sớm.
Cách thực hiện: Phương pháp tương tự thụ tinh ống nghiệm hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương trứng nhưng lúc này trứng được sử dụng là trứng của người khác (xin từ ngân hàng trứng) và được thụ tinh với tinh trùng của chồng. Sau đó, phôi được chuyển vào tử cung của người vợ. Tương tự, thụ tinh ống nghiệm xin tinh trùng thực hiện với mẫu tinh trùng xin từ ngân hàng tinh trùng.
Vô sinh, hiếm muộn khiến hạnh phúc gia đình không trọn vẹn. Tìm đến với phương pháp nào là tùy thuộc vào tình hình bệnh, điều kiện sức khỏe, kinh tế, lựa chọn của cặp đôi và tư vấn của bác sỹ...Tuy nhiên dù là giải pháp nào đi chăng nữa thì các cặp vợ chồng hãy luôn yêu thương, động viên lẫn nhau, không đặt áp lực lên nhau, cùng nhau chăm sóc sức khoẻ và giữ tinh thần lạc quan thì mới mong có kết quả tích cực.