Bác sĩ cảnh báo những điều tuyệt đối không được làm khi bị rắn độc cắn
Bị rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến ở Việt Nam.“Thời gian vàng” khi bị rắn lục cắn là 6 tiếng và rắn hổ là 12 - 24 giờ sau khi bị cắn, nếu không cấp cứu kịp thời rất có khả năng sẽ bị hoại tử.
Bị rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến ở Việt Nam. Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu, đặc biệt xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11- thời điểm rắn sinh sôi, phát triển.
Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại có cơ chế gây độc khác nhau nên tùy theo loại rắn độc mà có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, sai lầm lớn nhất của người bệnh là ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.
Vết cắn của rắn hổ mang chúa
Mục đích của việc sơ cứu khi bị rắn cắn là để nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn. Vì thế, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân không sử dụng các biện pháp sơ cứu sau:
- Cố gắng hút nọc độc của rắn.
- Chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn.
- Gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”.
- Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo.
- Cố gắng bắt hoặc giết rắn...
Tất cả biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.
Các bước sơ cứu đúng là:
- Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng.
- Không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).
- Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường.
- Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động.
- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).
Theo TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: “Nhiễm độc do rắn độc cắn là mức độ nguy hiểm xếp hàng thứ 5 trong các ngộ độc được đưa đến TT Chống độc ”. Vì vậy cần có biện pháp phòng, chữa kịp thời các nạn nhân bị rắn độc cắn.
Theo bác sĩ Sơn, khi bị rắn độc cắn thường đau dữ dội và thường để lại dấu vết của răng (móc độc). Nếu bị rắn hổ mang cắn, tại vết cắn thấy đau buốt, nhìn thấy vết răng (1 hoặc 2 vết răng), phù nề xung quanh vết cắn, chảy máu, hoại tử tại chỗ cắn ngay.
Rắn hổ chúa cắn nạn nhân rất đau, có phù nề tại chỗ cắn rất dữ dội nhưng không thấy hoại tử, nạn nhân thường bị liệt hô hấp và liệt chi. Bị rắn cạp nia (rắn khúc đen, khúc trắng) cắn thì sụp mi mắt, giãn đồng tử, khó nói, khó thở, liệt hô hấp và liệt chi…
Rắn lục cắn, vết cắn bị chảy máu, sưng tấy nhanh, xuất huyết dưới da, chảy máu và có thể xuất huyết não, phù nề, gây rối loạn đông máu và hoại tử, kèm theo chóng mặt, lo lắng, sốc, suy thận cấp do tiêu cơ vân... Rắn biển cắn: các triệu chứng liệt như các loại rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia, bệnh nhân bị liệt cơ, tan máu...
TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn khuyến cáo, bệnh nhân bị rắn độc cắn phải sơ cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Ảnh: Dân trí
Nếu bị rắn độc cắn bệnh nhân cần sơ cứu ngay trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Cách sơ cứu nhanh nhất để làm chậm sự hấp thu của nọc độc vào hệ thống tuần hoàn, giúp nạn nhân có đủ thời gian để kịp được vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc. Không nên ga-rô (buộc quá chặt) mà chỉ băng ép vì độc tố của rắn chỉ theo đường tĩnh mạch và bạch mạch.
Cần nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân liệt thì khai thông đường hô hấp như hút đờm rãi, hô hấp nhân tạo… Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm.
Trong khi sơ cứu, tuyệt đối không được nặn, trích, rạch, châm, chọc hút nọc độc và chườm đá hoặc đốt, là nóng vết cắn… Tất cả đều vô tác dụng, sẽ làm mất “thời điểm vàng” để cấp cứu kịp thời. Bởi nếu bệnh nhân bị rắn thường cắn, chỉ cần theo dõi mấy tiếng là có thể cho về.
“Thời gian vàng” khi bị rắn lục cắn là 6 tiếng và rắn hổ là 12 - 24 giờ sau khi bị cắn, nếu không cấp cứu kịp thời rất có khả năng sẽ bị hoại tử. Do đó, khi bị rắn độc cắn, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất khám nhanh và hồi sức tích cực, chú ý hồi sức tim mạch, làm các xét nghiệm cần thiết.
Đặc biệt cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể phải thở máy cả tháng, tốn kém hàng trăm triệu. Nếu vết cắn bị hoại tử thì phải cắt lọc hoàn toàn, ghép da, dùng thuốc kháng sinh có hoạt phổ rộng để chống nhiễm khuẩn.
Các biện pháp giúp giảm nguy cơ bị rắn cắn:
- Biết về loại rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp.
- Đặc biệt cảnh giác với rắn sau mưa.
- Cố gắng đi ủng, giày cao cổ và mặc quần dài.
- Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất.
- Không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn…
Cách trị ho đơn giản không cần dùng thuốc