Những điều cần biết về cách hạ sốt tại nhà cho trẻ em nhanh nhất

24-10-2019 09:51:30

Trẻ sốt cao có thể khiến nhiều phụ huynh lo lắng và đưa đi khám ngay. Tuy nhiên, bạn vẫn nên “bỏ túi” giải pháp hạ sốt tại nhà nhanh cho trẻ khi bé có dấu hiệu sốt.

Những điều cần biết về cách hạ sốt tại nhà cho trẻ nhanh nhất

Việc đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay khi bị sốt được coi là một phản ứng quá mức. Nhiệt độ của trẻ có thể dao động trong ngày do hoạt động nhiều, tắm nước nóng hoặc do tiêu hóa. Thậm chí, mỗi khoảng thời gian trong ngày đứa trẻ cũng sẽ có thân nhiệt khác nhau, thường xu hướng tăng nhiệt vào buổi chiều và buổi tổi.

Nếu đo nhiệt độ trực tràng của trẻ từ 38°C trở lên thì có thể bé đang bị sốt. Tuy nhiên, sốt không hẳn không có lợi, bởi sốt chính là biểu hiện của hệ miễn dịch đang chống lại nhiễm trùng từ bên ngoài. Vậy phải làm gì để hạ sốt nhanh tại nhà cho bé?

Tìm hiểu biểu đồ sốt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nên căn cứ vào độ tuổi của trẻ để có cách xử lý hạ sốt phù hợp​

Tuổi Nhiệt độ được coi là sốt  Cách xử lý Các loại thuốc dùng được cho trẻ
Trẻ nhỏ hơn 3 tháng Nhiệt độ đo trực tràng từ 38°C hoặc cao hơn Với trẻ sơ sinh, khi bé sốt từ 38°C hãy tới ngay phòng khám Nhi hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám kịp thời. Không được tự ý cho trẻ uống thuốc mà không có hướng dẫn từ bác sĩ
Trẻ từ 3 – 6 tháng Nhiệt độ trực tràng cao hơn 38°C  Nếu trẻ sốt từ 38°9C trở lên hoặc sốt quá 24h hãy tới khám tại bệnh viện Nhi. Có thể dùng thuốc hạ sốt chứa Acetaminophen dành cho trẻ. Mua liều phù hợp với cân nặng của trẻ.
Trẻ từ 6 tháng – 2 tuổi Nhiệt độ trực tràng cao hơn 38°C  Nếu trẻ sốt trong khoảng 38°9C đến 39°4C hãy theo dõi trẻ tại nhà.
Nếu cơn sốt kéo dài quá 2 ngày, hãy đưa trẻ tới bác sĩ để khám.
Có thể sử dụng thuốc hạ sốt có chứa Acetaminophen hoặc Ibuprofen dành riêng cho trẻ khi bé sốt cao.
Sử dụng thuốc theo đúng liều lượng phù hợp, phụ thuộc vào cân nặng, không phải độ tuổi của trẻ.
Trẻ lớn hơn 2 tuổi Nhiệt độ trực tràng cao hơn 38°C
Nhiệt độ nách từ 37°2C
Nhiệt độ miệng từ 37°8C
Nếu trẻ sốt trên 39°4C hoặc kéo dài quá 3 ngày, hãy đưa trẻ tới khám bác sĩ Nhi khoa tại phòng khám hoặc bệnh viện. Có thể hạ sốt cho trẻ bằng thuốc chứa Acetaminophen hoặc Ibuprofen dành cho trẻ em. 
Cần hỏi ý kiến dược sĩ về liều lượng phù hợp với cân nặng của trẻ.

Xem xét nguyên nhân gây ra sốt ở trẻ

Bạn nên nhớ rằng sốt không phải là bệnh. Sốt là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó. Trong hầu hết các trường hợp, sốt là do nhiễm trùng tuy nhiên còn tùy thuộc vào loại nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác mà có cách điều trị hạ sốt khác nhau. Một số nguyên nhân gây sốt thường gặp:

  • Nhiễm virus: Một số loại virus như nhiễm trùng đường ruột, cảm lạnh hoặc cúm có thể khiến bé sốt như một phản ứng tự nhiên để chống lại nhiễm trùng. Do virus không phải là vi khuẩn nên dùng thuốc kháng sinh không có tác dụng.
  • Nhiễm vi khuẩn: Dù ít gặp hơn sốt virus, nhưng sốt do vi khuẩn thường nghiêm trọng hơn. Viêm tai mũi họng, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi do vi khuẩn hoặc viêm màng não do vi khuẩn đều cần dùng tới kháng sinh để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe sau này.
  • Mặc nhiều quần áo: Do cơ chế điều khiển nhiệt của trẻ em chưa hoàn thiện như người lớn, đặc biệt là trẻ sơ sinh, nên bé dễ bị sốt nếu mặc quá nhiều quần áo hoặc ở trong môi trường nóng. Vì thế, bố mẹ không nên quấn bé với quá nhiều chăn, khăn, không nên mặc quá nhiều quần áo khi tiết trời chỉ se lạnh. Ngoài ra, bạn cũng nên xem nhiệt độ trong phòng trẻ có bị quá nóng hoặc quá lạnh không, để điều chỉnh cho phù hợp.
  • Phản ứng sốt sau tiêm chủng: Sốt sau khi tiêm vắc xin thường là sốt nhẹ, không đáng ngại. Bố mẹ có thể cho trẻ dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt cho bé. Tuy nhiên, nếu sốt quá 48 giờ bạn nên đưa trẻ đi khám.
  • Mọc răng: Trẻ dễ bị tăng thân nhiệt do mọc răng. Nếu sốt quá 2 ngày hãy hỏi thêm ý kiến bác sĩ Nhi.

Cách đọc chính xác nhất nhiệt độ của trẻ

Nên đo nhiệt độ của trẻ để xác định bé có sốt hay không?

Để xác định được con bị sốt hay không cần phải đo nhiệt độ của trẻ. So với các loại nhiệt kế thì nhiệt kế điện tử dễ sử dụng và đo chính xác nhiệt độ của bé nhanh nhất. Nhiệt kế đo tai và trán có thể không chính xác vì có thể sai lệch bởi dễ bị nhiệt độ bên ngoài tác động. Dùng nhiệt kế thủy ngân cần cẩn trọng, tránh để trẻ nghịch làm vỡ nguy hiểm. Thủy ngân trong nhiệt kế khi ra ngoài môi trường rất độc hại.

Đo nhiệt độ trực tràng được khuyến khích để đo cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi bởi cho kết quả chính xác nhất. Tuy nhiên, do trẻ không thoải mái khi đo ở trực tràng nên bạn có thể đo nhiệt độ nách, miệng hoặc đo dưới lưỡi đối với trẻ lớn hơn.

Nhận biết cách hạ sốt nhanh nhất tại nhà cho trẻ em

Khi đo nhiệt độ thấy bé đang lên cơn sốt nhưng vẫn hoạt động bình thường, chơi và tỉnh táo thì có lẽ bệnh không quá nghiêm trọng. Đừng quá lo lắng nếu như bé chán ăn. Nếu như trẻ vẫn uống nước và đi tiểu bình thường, chỉ không ăn nhiều cũng không cần lo lắng quá. Bởi nhiệt độ tăng cho thấy cơ thể đang tạo ra cơ chế chống lại nhiễm trùng.

Nếu trẻ có vẻ khó chịu hoặc mệt mỏi, bạn có thể dùng các loại thuốc hạ sốt cho trẻ. Tuy nhiên, nên chú ý sử dụng thuốc đúng liều lượng theo cân nặng của trẻ.

Khi trẻ sốt cao trên 38°5C nên cho bé uống thuốc hạ sốt với liều dựa vào cân nặng

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các mẹo hạ sốt tại nhà hiệu quả sau:

  • Đắp khăn ấm: Đặt khăn ấm lên trán trẻ và chườm ấm ở bẹn, nách giúp trẻ hạ sốt và thoải mái hơn.
  • Cho trẻ uống nhiều chất lỏng: Để ngăn mất nước và giúp cơ thể tự làm mát, hãy cho trẻ uống nhiều chất lỏng hơn như uống nước lọc, nước cam, sữa chua, ăn súp… Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cho trẻ bú mẹ nhiều hơn sẽ giúp phòng ngừa mất nước và tăng hệ miễn dịch cho bé hiệu quả.
  • Cho bé ở nơi thoáng mát: Dùng điều hòa hoặc quạt để giữ cho phòng của trẻ ở mức 22-24°C. Cố gắng tránh đưa trẻ ra ngoài khi trời nắng. Nếu có ra ngoài thì nên giữ cho bé trong bóng râm.
  • Mặc quần áo nhẹ, thoáng khí: Loại bỏ lớp quần áo dày để trẻ có thể dễ thoát nhiệt qua da. Vì cơ chế điều nhiệt của trẻ sơ sinh không tốt như người lớn, nên rất khó tự hạ nhiệt nếu được quấn quá nhiều lớp quần áo.
  • Tắm nước ấm: Tắm nước ấm sẽ giúp trẻ hạ nhiệt và thư giãn hơn. Khi nước bay hơi từ da của trẻ có thể giúp hạ sốt tạm thời. Tránh dùng nước lạnh vì có thể khiến bé bị run làm tăng nhiệt từ bên trong.
  • Dùng miếng dán hạ sốt: Đắp miếng dán hạ sốt lên trán cho bé có thể giúp thoát nhiệt nhanh, giúp bé hạ sốt hiệu quả.

Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt nên các phụ huynh không nên quá lo lắng khi con mình bị sốt. Tuy nhiên, hãy theo dõi kĩ nhiệt độ của trẻ và hành động của bé. Thêm vào đó, cha mẹ nên phân biệt được sốt và say nắng để biết được cách xử trí kịp thời với mỗi tình huống.

Đào Tâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN //