Những đại học nào sẽ tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian tới?
Đại học Quốc gia TP.HCM giảm hơn 2.300 viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước trong 10 năm và Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến giảm đến 40% các ban, phòng và 15% biên chế.
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến giảm đến 40% các ban, phòng và 15% biên chế
Mới đây, Ban chỉ đạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã họp tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, ĐHQGHN cũng thực hiện tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Sắp xếp tinh gọn bộ máy là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để tránh chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực, giảm hiệu lực, hiệu quả công việc.
Đại học Quốc gia Hà Nội tinh giản tới 40% đầu mối đơn vị, tự chỉ 100% từ năm 2026. Ảnh: VNU
Ban giám đốc ĐHQGHN và thủ trưởng một số đơn vị đã thông tin dự kiến giảm đầu mối tổ chức và đội ngũ: Cơ quan ĐHQGHN dự kiến giảm 35 đến 40% các ban, phòng và 15% biên chế; lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ đã báo cáo dự kiến sắp xếp tinh gọn giảm 44% đầu mối đơn vị của nhà trường... Ngoài ra, ĐHQGHN sẽ tự chủ 100% chi thường xuyên từ năm 2026.
Trước đó, ĐHQGHN đã triển khai hợp nhất nguyên trạng Ban Quản lý các dự án và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc thành Ban Quản lý dự án trực thuộc ĐHQGHN.
ĐHQGHN cũng đã thảo luận đưa ra các giải pháp để thủ trưởng các đơn vị nắm rõ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này cần gắn với phát huy trách nhiệm cá nhân của từng thành viên; gắn với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với việc lựa chọn cán bộ đúng, trúng, phát huy trách nhiệm cá nhân của mỗi người với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung lên trên hết.
Lãnh đạo các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất đồng ý chủ trương chung khi đây vừa là thách thức cũng là cơ hội để các đơn vị thực hiện tái cấu trúc và phát triển mạnh mẽ hơn, cùng nhau nhìn nhận sự liên kết hữu cơ, liên thông giữa các đơn vị để phát huy hiệu quả của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Đại học Quốc gia TP.HCM cố gắng tinh gọn các đơn vị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ
Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã tổ chức Hội thảo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo Ban Tổ chức Đảng ủy Đại học Quốc gia TP.HCM, từ năm 2015-2024, đã cắt giảm 3 đầu mối quản lý, chiếm tỷ lệ 10% tinh giản bộ máy; số lượng viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước/tổng số viên chức làm việc cũng giảm dần theo thời gian.
Năm 2015 có 3.502/5.603 viên chức tại đại học này nhận lương từ ngân sách nhà nước (62,5%), đến năm 2024 chỉ còn 1.154/6.400 viên chức (18%). Trong gần 10 năm, số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước tại Đại học Quốc gia TP.HCM giảm 2.348 người. Kết quả này đã vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân, nhiều năm qua, đại học đã quán triệt, triển khai quyết liệt việc thực hiện nghị quyết và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về tự chủ đại học, đến năm 2024, Đại học Quốc gia TP.HCM có 24/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2 (66%) và có 12/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 (34%); giảm 27% chi thường xuyên (178 tỷ đồng) từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Đại học Quốc gia TP.HCM đã cố gắng tinh gọn các đơn vị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đây cũng là phương hướng cần thiết trong thời gian tới.
Theo kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Chính phủ đề xuất 2 Đại học Quốc gia gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM có phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đại học Quốc gia sau khi chuyển về Bộ GDĐT quản lý.