Những câu nói về tình cha con khiến khán giả rưng rưng trong phim 'Về nhà đi con'

30-05-2019 07:11:56

Trong phim "Về nhà đi con" khán giả có thể thấy có ngôi nhà có người cha luôn dang tay chào đón các con trở về sau những vấp ngã.


Trong phim Về nhà đi con khán giả có thể thấy có ngôi nhà có người cha luôn dang tay chào đón các con trở về sau những vấp ngã.

Về nhà đi con là tác phẩm mới của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng. Câu chuyện phim Về nhà đi con xoay quanh 3 chị em gái Thu Huệ, Anh Thư, Ánh Dương mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, mỗi người một tính cách, một lối sống.

Chị cả Thu Huệ (DV Thu Quỳnh) dịu dàng, điềm đạm; cô hai Anh Thư (DV Bảo Thanh) xinh đẹp, sắc sảo, thực dụng; cô út Ánh Dương (DV Bảo Hân) bộc trực, hoang dã, sống như một cậu con trai.

Cả 3 chị em đều gặp phải những biến cố của riêng mình nhưng họ may mắn khi có chung một điểm tựa là ông Sơn (NSƯT Trung Anh) - một người bố tận tuỵ, hết mực yêu thương các con. Sau nhiều biến cố, cuối cùng, 3 cô con gái đều nhận ra hạnh phúc lớn nhất mà họ có được chính là một người bố luôn sẵn sàng bao bọc và nói "Về nhà đi con" bất cứ khi nào họ cần một mái ấm...

Những tình tiết cảm động trong khiến người xem xúc động, rưng rưng. Đặc biệt, qua gần 34 tập, câu chuyện về ông Sơn, người đàn ông chấp nhận cảnh "gà trống nuôi con" trong bộ phim "Về nhà đi con" đã chạm đến nỗi lòng của rất nhiều bậc làm cha làm mẹ ngày nay.

NSƯT Trung Anh không còn là một Lương "Bổng" thâm trầm trong Người phán xử mà thay vào đó là một ông bố rất đời: nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc nhưng từng hành động, cử chỉ lại toát lên tình cảm yêu thương con vô bờ bến. NSND Hoàng Dũng cũng không còn là một ông trùm mà trở thành một chiến hữu của ông Sơn, đưa ra cho ông Sơn những lời khuyên trong cuộc sống.

Lời thoại của ông có phần răn dạy, triết lý nhưng rất thực tế đúng với phẩm chất của một người bố luôn quan tâm, chăm lo cho con cái.

"Giờ bố chẳng còn gì ngoài sự già nua và lẩm cẩm nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về"

Đây chính là lời ông Sơn nhắn nhủ ba cô con gái Thu Huệ , Anh Thư và Ánh Dương, xuất hiện ở ngay trailer của bộ phim.

Huệ gặp chuyện buồn về người chồng cờ bạc nhưng lại giấu ông Sơn vì sợ bố mình sẽ lo lắng. Khi ông Sơn biết rõ sự tình thì khuyên bảo và an ủi con gái rằng: "Hạnh phúc của con còn quan trọng hơn nỗi buồn của người khác".

Kể từ lúc Ánh Dương bỏ đi, ông Sơn chưa giây phút nào thôi mong nhớ con gái. Dáng vẻ đứng ngồi không yên của người cha già cùng nét mặt chứa nhiều tâm sự vẫn luôn chực chờ khoảnh khắc Ánh Dương trở về khiến ông Sơn trong chốc lát trở nên đáng thương.

Thậm chí, ông Sơn chấp nhận buông bỏ mọi hiểu lầm, nấu cho Ánh Dương nồi cháo thay lời xin lỗi. Song vết cắt trong cô con gái út lại khó lành, lạnh lùng bước qua, Ánh Dương không chút phản ứng trước những lời quan tâm của bố. Ông dạy Ánh Dương về sự vị tha, bao dung trong cuộc sống. Một câu thoại như một bài học đắt giá để các con trưởng thành và nhìn nhận sự việc chín chắn, thấu đáo hơn.

"'Đến một lúc nào đó con đủ trưởng thành, con sẽ hiểu thứ đắng cay nhất, thứ khó học nhất chính là lòng vị tha.". Một câu nói thật ấm lòng, thể hiện được tình cha, sự hy sinh cao cả của bậc sinh thành. Với ông Sơn điều quan trọng nhất chính là hạnh phúc của các con, chỉ cần nhìn con vui là ông đã cảm thấy mãn nguyện.

Biết cô con gái thứ hai Anh Thư mang bầu với con trai của người bạn thân, ông Sơn đã chủ động đến gặp bạn. Thay vì trách móc, "bắt vạ" nhà trai phải cưới, ông chỉ nói: "Mấy hôm mất ngủ, tôi mới thấy mong muốn của mình thật đơn giản, mong cho nó hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thật sự không thể đo bằng tờ hôn thú. Việc của bọn trẻ để chúng nó tự giải quyết, tôi với ông không để bất cứ lý do gì ảnh hưởng đến sức khỏe. Nghĩ tích cực ra, chúng ta có chung một đứa cháu".

Khán giả không khỏi thắt lòng trước cảnh ông Sơn ngồi câm lặng ngoài vườn uống rượu, lững thững đi lại trong căn phòng đơn độc, đăm đắm nhìn vào di ảnh người vợ quá cố...

Câu chuyện gia đình trong bộ phim "Về nhà đi con" đã khắc họa sinh động đời sống gia đình người Việt Nam hiện đại, với đầy đủ tính chất phức tạp của nó. Trong một xã hội phát triển quá nhanh chóng, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn, mâu thuẫn gia đình cũng trầm trọng hơn.

Khang Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //