Nhức nhối nạn tảo hôn
Ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, nhiều trường hợp làm mẹ khi mới 14 tuổi, còn đang là học sinh THCS.
Trong mấy năm qua, Quảng Ngãi đã có hàng trăm trường hợp tảo hôn, chủ yếu rơi vào các huyện miền núi khi trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, cuộc sống rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Làm mẹ lúc học lớp 8
Chúng tôi gặp em Nguyễn Thị Kim Oanh - ngụ xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây - trong lúc em trên đường đi rẫy về, trên lưng là một bé trai kháu khỉnh. Nhìn Oanh, không ai nghĩ em đã có gia đình và có đứa con hơn 1 tuổi. Oanh cưới chồng từ năm 13 tuổi, đến năm 14 tuổi sinh con.
Chồng Oanh lúc làm đám cưới cũng chỉ vừa tròn 16 tuổi. Sau ngày sinh con, Oanh tiếp tục đi học lớp 8, được gần nửa năm thì bỏ học vì cuộc sống quá cơ cực.
Em Nguyễn Thị Kim Oanh, ngụ huyện Sơn Tây, có con khi mới 14 tuổi
Bà Đinh Thị Thi, mẹ em Oanh, cho biết hiện tại cuộc sống vợ chồng Oanh chỉ phụ thuộc vào cha mẹ đôi bên, thỉnh thoảng Oanh có đi rẫy mót ít củ mì, khoai lang về phụ vào miếng ăn của gia đình. Còn chồng Oanh nếu có ai kêu đi làm thuê thì làm, không thì ở nhà. “Hồi trước, thấy ông bà mình làm đám cưới sớm nên mình cũng làm đám cưới cho tụi nó chứ có nghĩ gì đâu” - bà Thi bộc bạch.
Cưới để... thêm người làm!
Em Đinh Thị Ánh - ngụ xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây - lấy chồng năm 16 tuổi và đã có con. Chồng Ánh là Đinh Văn Năng cũng chỉ vừa tròn 17 tuổi. Điều đáng nói, chồng Ánh cũng là một người có họ hàng xa với Ánh. “Bố mẹ đã già yếu, nhà lại không có người làm nương rẫy nên em cưới chồng về để chồng phụ giúp gia đình” - Ánh chia sẻ.
Bà Đinh Thị Thắm, cán bộ làm công tác dân số xã Sơn Dung, nhìn nhận có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nạn tảo hôn trong con em đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Tây, như các em thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, về cuộc sống hôn nhân gia đình. Thậm chí, nhiều trường hợp có chồng, có vợ sớm vì chỉ muốn có thêm người lao động trong gia đình.
“Do trình độ hiểu biết còn hạn hẹp, nhiều gia đình tổ chức cưới vợ gả chồng lén lút cho các em khi chưa đủ tuổi” - bà Thắm nói.
Luẩn quẩn đói nghèo
Theo bà Đinh Thị Kim Chung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sơn Tây, không chỉ kết hôn sớm, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống như có trường hợp con nhà chú bác vẫn kết hôn. Chính nạn tảo hôn là hệ quả dẫn đến tập tục “nối dây” vẫn diễn ra ở một số bản làng: Chẳng may vợ chết, người con trai được họ tộc hai bên cho phép cưới em vợ.
Còn theo bà Lê Na, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, nạn tảo hôn đã gây nhiều hậu quả lâu dài và nghiêm trọng như tình trạng thất học, nghèo đói xảy ra. “Hầu hết cuộc sống của những gia đình trẻ tảo hôn đều nghèo, không biết làm kinh tế.
Thống kê thì trong số 10 trẻ được sinh ra do tảo hôn có 3-4 trường hợp tử vong, còn lại còi cọc, suy dinh dưỡng. Đây là một trong những nguyên nhân gây đói nghèo vẫn diễn ra ở nhiều xã, huyện miền núi” - bà Na cho biết.
Hơn 700 trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống Ông Cao Văn Chư, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho biết từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có hơn 700 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, gần 90% thuộc về các đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi. “Đây là con số đáng báo động để các cơ quan chức năng có biện pháp khẩn trương tổ chức ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở Quảng Ngãi” - ông Chư nhấn mạnh. |