Nhiệt miệng ở má trong: Cách phòng ngừa và điều trị

21-03-2023 14:34:58

Nhiệt miệng ở má trong tuy không phải là triệu chứng gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ tới ăn uống và sinh hoạt của người bệnh. Vậy cần phòng ngừa và điều trị tình trạng này như thế nào? Hãy cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây!

Dấu hiệu nhận biết nhiệt miệng ở má trong

Nhiệt miệng ở má trong (hay còn gọi là lở miệng ở bên trong má) là tình trạng xuất hiện những vết loét nhỏ và nông ở lớp niêm mạc bên trong khoang miệng. Người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng này ở những vị trí khác như ở bờ trong môi, nướu, lưỡi, vòm họng.

Những vết loét này thường có hình dạng tròn khoảng vài milimet, ở nhân giữa thường có màu trắng, vàng hoặc xám, bờ niêm mạc xung quanh tấy đỏ, gây ra đau rát, khó chịu.

Đây là một tình trạng rất phổ biến mà hầu hết ai cũng đã từng gặp phải, đa phần đều không gây nguy hiểm và thường sẽ tự động biến mất trong khoảng 2 tuần.

Nguyên nhân bị nhiệt miệng ở má trong

Theo Đông y, nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhiệt miệng ở má trong là do hỏa độc hay nhiệt độc ở tỳ, vị bốc ra sinh vết loét nhiệt, biểu hiện nóng rát, thường xảy ra nhất là khi trời nóng hoặc ăn nhiều đồ dầu mỡ, cay nóng.

Còn theo y học hiện đại, dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân nhưng cũng đã chỉ ra nhiều yếu tố tác nhân gây ra chứng nhiệt miệng như:

  • Cơ thể bị thiếu hụt một hay nhiều các chất như kẽm, sắt, vitamin B12...
  • Dùng các loại kem đánh răng, nước súc miệng có chứa thành phần natri lauryl sulfate, gây ra kích ứng.
  • Nhạy cảm, dị ứng với một số loại thực phẩm cụ thể.
  • Dị ứng với các loại vi khuẩn trong khoang miệng.
  • Bị căng thẳng, stress kéo dài.
  • Mang thai hoặc tới kỳ kinh nguyệt.
  • Tổn thương trực tiếp niêm mạc khoang miệng do tác động bên ngoài như tai nạn trong tập luyện thể thao, thủ thuật nha khoa như niềng răng, đánh răng quá mạnh, vô tình cắn phải mô niêm mạc trong khoang miệng …

Nhiệt miệng ở má trong có nguy hiểm không?

Nhiệt miệng ở trong má không phải là một triệu chứng nguy hiểm và có thể tự hết sau 2 tuần không cần điều trị. 

Tuy nhiên, trong các trường hợp dưới đây, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để kiểm tra, bởi đây có thể là dấu hiệu của rất nhiều các bệnh lý, trong đó có cả ung thư:

  • Nhiệt miệng kéo dài tới hơn 2 tuần, đặc biệt cần lưu ý nếu cơn đau do nhiệt miệng kéo dài tới hơn 1 tháng.
  • Nhiệt miệng bị tái đi tái lại liên tục mà không rõ nguyên nhân.
  • Xuất hiện nhiều nốt nhiệt miệng cùng một lúc hoặc nốt nhiệt miệng lớn (hơn 1,5 cm)
  • Hai bên trong má xuất hiện các vệt trắng dài.
  • Sốt, sưng hạch bạch huyết, vùng đầu cổ rất khó chịu.
  • Vết loét không hoàn toàn biến mất nhưng lại không hề gây đau đớn.
  • Vết loét mãi không lành, có xu hướng càng ngày càng mở rộng và có thể lan sang các vị trí khác.
  • Cơn đau có chiều hướng giảm dần, phần loét cứng lại.

Nhiệt miệng ở má trong cần điều trị và phòng ngừa như thế nào?

Nguyên tắc trong phòng và điều trị nhiệt miệng ở má trong là phải hạn chế các tác nhân gây ra nhiệt miệng, giảm đau, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để nhiệt miệng mau lành.

Cụ thể, người bệnh nên:

  • Hạn chế ăn những món ăn chua, cay, mặn, nóng trong thời gian bị nhiệt miệng. Thay vào đó, người bệnh nên uống đủ nước và ăn nhiều rau xanh.
  • Sau khi đánh răng, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc các loại nước súc miệng cho chứa thành phần steroid dexamethasone.
  • Khi cảm thấy thực sự đau và khó chịu, có thể sử dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc bôi nhiệt miệng.
  • Đặc biệt, người bệnh có thể khắc phục tình trạng nhiệt miệng theo các bài thuốc dân gian như sử dụng các loại thảo dược (cỏ mực, cỏ mần trầu, cam thảo đất…) nấu thành nước uống. Hoặc có thể bôi dầu dừa, mật ong, nước trà vào vết nhiệt miệng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mua tại hiệu thuốc loại thuốc bôi trị nhiệt miệng (không kê đơn) giúp giảm nhẹ tình trạng đau rát và mau lành vết loét nhiệt miệng má trong hơn.

DS. Nguyễn Quỳnh
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //