Nhà trường, phụ huynh cần lưu ý gì sau khi tiêm vắc xin cho trẻ?

27-10-2021 11:15:17

Hôm nay (27/10), TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Có nhiều phụ huynh rất quan tâm và lo lắng sức khỏe của trẻ sau tiêm. Các chuyên gia đã đưa ra những khuyến cáo.

Vắc xin Pfizer được sử dụng trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trên cả nước (Ảnh: Đỗ Trường báo TN)

Nhà trường cần lưu ý những gì khi tiêm vắc xin cho trẻ? 

Thông tin trên báo Thanh Niên, BS Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, sau tiêm trẻ có phản ứng từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì chủ yếu đau chỗ tiêm, sốt nhẹ và đáp ứng với thuốc hạ sốt; phản ứng vừa như sốt cao, sốt sau tiêm 12 giờ, co giật; và nặng là phản ứng độ 2 trở lên, nhiễm trùng, nhiễm độc…

Đối với nhà trường, y tế địa phương, theo bà Trương Thị Thanh Lan, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (HCDC), quận/huyện lên danh sách các điểm tiêm chủng trường học và phải được trung tâm y tế đánh giá đạt yêu cầu mới được tiêm. 

HCDC cung cấp tài liệu truyền thông tin cho trung tâm y tế để cấp về cho các trường để truyền thông cho trẻ và phụ huynh hiểu, đồng thuận tiêm. Tổ chức điểm tiêm, bố trí diện tích tương ứng với số trẻ tiêm, rộng rãi, thoáng mát, nơi tiêm bố trí khuất để trẻ không sợ.

Theo đó, bà Lan cũng lưu ý đặc biệt, bố trí tiêm 1 chiều, nhờ thầy cô giám sát tránh xảy ra trẻ “bị” tiêm 2 mũi trong 1 buổi tiêm. Thầy cô giáo xác nhận, phân luồng học sinh; tạo điều kiện thoải mái, thư giãn, tránh tâm lý lo sợ. 

Đồng thời, nhà trường điều động từng lớp xuống điểm tiêm, tiêm xong lớp này mới tới lớp khác. Nhà trường và thầy cô hỗ trợ giữ trật tự cũng như tổ chức cho trẻ được tiêm đầy đủ. Buổi tiêm kết thúc sau khi trẻ cuối cùng theo dõi sau 30 phút tiêm.

Đối với quy trình tiêm: Học sinh đến khai báo y tế, đo thân nhiệt, kiểm tra có phiếu đồng ý tiêm, khám sàng lọc, tiêm chủng, xác nhận tiêm, theo dõi sau tiêm và khám lại, dặn dò theo dõi tại nhà nhập vào hệ thống quản lý tiêm chủng. Trường hợp  trẻ tạm hoãn thì lập danh sách vào cuối buổi tiêm để bố trí tiêm 2 ngày tiêm vét cuối cùng.

Ngoài ra, thầy cô giúp nhập liệu các trẻ đã được tiêm theo mẫu chuyển về trạm y tế, trung tâm y tế để đưa lên hệ thống tiêm chủng, cố gắng hoàn thành sau mỗi buổi tiêm. Số điểm tiêm có số đồng thuận tiêm ít thì bố trí theo cụm.

Về báo cáo tai biến nặng sau tiêm thì các trường, y tế địa phương cần có số điện thoại, thầy cô có group phụ huynh cùng theo dõi học sinh để báo cáo về cơ quan y tế theo dõi, điều tra nếu có.

Khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm. (Ảnh: Tuổi trẻ TV)

Phụ huynh lưu ý xử trí trẻ sốt sau tiêm vaccine Covid-19

Tư vấn trên báo Vnexpress về trường hợp trẻ tiêm sáng và chiều bị sốt thì nên xử trí thế nào? Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy - Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM - Cơ sở 3 đã chia sẻ, sốt là một trong những dấu hiệu thông thường cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng bảo vệ và hệ miễn dịch đang làm những gì mà nó phải làm. 

Ngoài ra còn có một số tác dụng phụ khác như đau, ửng đỏ ở cánh tay, ớn lạnh, tiêu chảy, nôn nao, mệt mỏi, đau cơ... Các phản ứng phụ này thường sẽ biến mất sau 12-48 giờ. Một số trẻ không gặp tác dụng phụ hoặc có thể sẽ gặp các tác dụng phụ sau liều tiêm thứ hai khác sau liều đầu tiên.

Theo đó, BS Thy cũng tư vấn, với trường hợp trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, liều thuốc hạ sốt cho trẻ em dưới 11 tuổi cần hiệu chỉnh theo cân nặng. Trẻ ở nhóm 12-17 tuổi, cân nặng >40 kg, có thể dùng liều thuốc hạ sốt như người lớn. 

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được bác sĩ tư vấn, thường dùng là acetaminophen (khuyến cáo không quá 75mg/kg trong 24 giờ). Ibuprofen với liều hạ sốt khuyến cáo 10-15 mg/kg, cách nhau 4-6 giờ/lần, tối đa 40 mg/kg/ngày. Bác sỹ không khuyến cáo sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ vì nguy cơ xuất hiện hội chứng Reye (hội chứng này có thể gây sưng phù ở não và gan).

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lựa chọn quần áo thoáng mát, mỏng nhẹ cho trẻ. Để nhiệt độ phòng có thể điều hòa ở mức 27-29 độ C. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể xen kẽ nước lọc với các loại nước cam, chanh, nước ép trái cây (lê, táo...). Vẫn duy trì chế độ ăn uống như thường ngày, không cần kiêng một loại thực phẩm cụ thể sau tiêm vaccine ngừa Covid-19.

 

H.N (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //