Người Việt sống ở Nhật Bản, Hàn Quốc kể chuyện về phân loại rác

05-06-2020 09:36:18

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc có những quy định rất rõ ràng về các loại rác thải được đựng ở túi nào.


Hàn Quốc rất nghiêm ngặt trong việc phân loại rác thải.

Vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại Dự thảo luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham khảo kinh nghiệm các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Bởi trên thế giới Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước điển hình trong việc xử lý rác tốt để lại hình ảnh xanh, sạch, đẹp. Những chia sẻ của người Việt tại Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ chỉ ra cho chúng ta thấy được, người nước ngoài họ có kỉ luật về rác như thế nào?

Đổ rác sai quy định phạt đến 19 triệu đồng

Ở Việt Nam, mặc dù đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tuy nhiên tình hình vi phạm về môi trường vẫn diễn ra, thậm chí nhiều người dân không biết đến Nghị định 155. Các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn về quy trình xử phạt các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, việc xử lý rác thải không chỉ được gọi đơn thuần là “đổ rác” mà phải là “phân loại và đổ rác”. Người dân Hàn Quốc từ khi còn nhỏ đã được giáo dục và học theo người lớn cách nhận biết các chất liệu, thu gom và phân loại để đổ rác đúng quy định.

Anh Trần Đ. (36 tuổi, quê Thái Bình) định cư tại Inchoen, Hàn Quốc hơn 10 năm cho biết, tại đây người dân có ý thức rất cao về rác nên không có chuyện vứt rác bừa bãi, đổ rác trộm.  Hơn nữa, quy định vứt rác ở Hàn Quốc cũng rất ngặt nghèo.

Hàn Quốc rất thận trọng trong việc túi đựng rác thải, chứ không phải túi nào cũng được như ở Việt Nam. Hàn Quốc có những quy định rất rõ về các loại rác thải sẽ được đựng ở túi nào. 

Theo anh Đ., ở Hàn Quốc người dân phân rác ra 3 loại chính. Rác thực phẩm, rác thải thường và rác tái chế. Mỗi loại rác sẽ để trong túi màu riêng và mỗi quận huyện in lên túi bóng riêng biệt.

“Với rác thải tái chế người dân sẽ phải làm sạch trước khi vứt, không để lại thức ăn còn bên trong, chai nhựa sẽ phải tháo nút và bóc nhãn….”, anh Đ. nói.

Anh Đ. cho biết thêm, các loại túi này người dân sẽ mua ở các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Giá tiền của mỗi loại túi phụ thuộc vào kích cỡ (có loại túi từ 2 lít đến 10 lít) và túi đựng rác thực phẩm có giá đắt hơn túi rác thường. 

"Gia đình tôi thường dùng các loại túi nhỏ. Giá bán loại túi nhỏ đựng thực phẩm là 50 won (10 nghìn/túi). Còn túi đựng rác thường là 30 won (5 nghìn/túi) tương đương với loại 5 lít. Rác thải ở công ty tôi thì dùng loại to 50 lít với giá là 2500 won (470 nghìn/ túi).


Rác thải cồng kềnh sẽ phải mua tờ giấy dán riêng

Tại Việt Nam phí đổ rác thu theo đầu người là 6.000 đồng/ tháng. Chính vì thế đổ rác nhiều cũng như đổ rác ít. Tuy nhiên, theo chị Đoàn Th. (29 tuổi, Hà Nội), du học sinh sống tại Ansan, Hàn Quốc chia sẻ, rác thải có kích thước lớn như không có túi đựng như tủ, bàn ghế, máy giặt, khi vứt sẽ phải mua một tờ giấy dán riêng, dán vào đó người ta mới vận chuyển. 

“Giá tờ giấy dán riêng có giá cao hơn và có mức giá 3.000 won, 5.000 won, 10.000 won”, chị Th. chia sẻ.

Nếu ở Việt Nam số tiền phạt đổ rác không đúng quy định từ 500.000 đồng- 7 triệu đồng thì theo chị Th., tại Hàn Quốc mức xử phạt rất nặng từ 50.000 won (gần 1 triệu)-1 triệu won (gần 19 triệu đồng).

Cụ thể, nếu vứt bỏ các chất thải mang theo như mẩu thuốc lá, khăn giấy bị phạt 50.000 won. Không sử dụng túi đựng phạt 100.000 won (1,8 triệu), vi phạm phát sinh chất thải phạt 100.000 won vào ngày định kỳ. Trong trường hợp đốt rác thải khác phạt 500.000 won.


Một người Việt đã bị xử phạt vi phạm về phân loại rác thải

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, việc đốt rác thải sinh hoạt phạt 1 triệu won. Hành vi đầu cơ bất hợp pháp của chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh là 1 triệu won (gần 19 triệu đồng).

“Tôi nghe thông tin sắp tới mức phạt còn tăng lên nữa”, chị Th. nói.

Trái lại, nếu người nào chụp được ảnh những cá nhân nào vi phạm đổ rác gửi đến cơ quan chức năng sẽ được thưởng 10% trong số tiền phạt.

Rác cồng kềnh tính phí cao và phải đăng kí vận chuyển​

Nếu như ở Việt Nam, mọi loại rác thải đều được đổ chung hỗn độn thì ở Nhật Bản người dân phân loại rác từ ở nhà. Anh Phạm Ngọc N. (25 tuổi, Thái Bình) hiện đang làm việc tại Nhật Bản cho biết, tùy khu vực mà cách phân loại rác có thể có đôi chút khác biệt. Ở khu vực anh sống, rác sẽ phân chia làm 3 loại: rác sinh hoạt, rác tái chế, rác không cháy được.


Rác thải sinh hoạt được phân loại tại Nhật Bản

“Túi to có giá khoảng 50 yên/1chiếc, túi bé giá 30 yên/1 chiếc. Màu trắng sẽ đựng rác sinh hoạt, màu xanh đựng rác không cháy được, màu vàng là đựng rác tái chế. Ở mỗi nơi, số tiền phải trả sẽ một khác, nhưng đều theo một quy định chung là rác càng to, phí càng lớn”, anh N. chia sẻ.

Theo anh N., rác lớn là những loại đồ dùng gia đình không dùng đến nữa như bàn ghế, đồ điện gia dụng, xe đạp… khi vứt đi cần phải đăng ký và trả khoản phí từ 1.600 yên đến trên 5.000 yên Nhật (khoảng 300.000 đến gần 1 triệu đồng). Sau đó, người dân phải gọi điện đến văn phòng công ty xử lý rác để yêu cầu họ đến thu gom rác. 

Tại Việt Nam, người dân đổ rác tùy tiện, không có giờ giấc cụ thể, nhưng ở Nhật Bản đổ rác phải theo đúng quy định. Mỗi khu vực sẽ có địa điểm, ngày giờ cụ thể để vứt những loại rác đã được phân loại khác nhau. Với rác đốt được, 1 tuần khoảng 2 lần; còn rác không đốt được, 1 tuần 1 lần.

“Ai cũng phải nắm được lịch đổ rác ở khu mình để biết được thứ mấy đổ rác đốt được, thứ mấy là dành cho rác không đốt được, ngày nào đổ rác nhựa có thể tái chế, ngày nào là rác cồng kềnh, hay ngày nào là rác chai lọ thủy tinh... Đặc biệt, các chai lọ, hộp đựng... phải được rửa sạch sẽ trước khi vứt đi”, anh N. cho biết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, chuyên gia có liên quan xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và Dự thảo Tờ trình Chính phủ.

Ông Nguyễn Thượng Hiền Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, quá trình dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham khảo kinh nghiệm các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Quan điểm sửa đổi coi rác là tài nguyên, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng.

Để giải quyết bài toán này, Hà Nội và các đô thị lớn áp dụng cách làm của Hàn Quốc, phân loại chất thải sinh hoạt làm 4 gồm nhóm chất hữu cơ dễ phân hủy như rau quả, cơm thừa, nhóm có thể tái chế, tái sử dụng, nhóm chất thải cồng kềnh như bàn ghế, sofa và nhóm chất thải phải xử lý.

Về cách thức thực hiện, sẽ giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ định đơn vị có chức năng sản xuất bao bì thu gom. Mỗi loại rác thải sẽ đựng trong một bao bì có màu sắc và giá tiền khác nhau. Tiền thu từ việc bán bao bì, bên cạnh việc bù chi phí sản xuất sẽ được dùng cho việc thu gom, vận chuyện và xử lý chất thải rắn.

Dự kiến, Dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2020 và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 tới.

Phạm Lý
Theo Đời sống Plus/GĐVN //