Người tiêu dùng mua khăn Khaisilk "made in China" khởi kiện thế nào?
Người tiêu dùng mua khăn Khaisilk "made in China" có thể khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để có cơ sở xác định thiệt hại.
Người tiêu dùng mua khăn Khaisilk "made in China" khởi kiện để có cơ sở xác định thiệt hại.
Bao lâu nay, khăn lụa Khaisilk được họ coi là niềm tự hào khi làm bằng lụa tơ tằm do bàn tay, khối óc của người Việt. Họ mua để sử dụng, để làm quà tặng cho đối tác như một sự trân trọng, ủng hộ cho thương hiệu Việt. Vậy nhưng, doanh nhân Hoàng Khải đã đáp lại niềm tin của người tiêu dùng bằng cách thừa nhận bán hàng "made in China" từ những năm 90.
Câu hỏi đặt ra ở đây là một thương hiệu thuộc hàng cao cấp lại bán sản phẩm mập mờ xuất xứ thì người tiêu dùng làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Thị Tuyến – Giám đốc công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội khẳng định, hành vi của doanh nghiệp Khải Silk có dấu hiệu cấu thành tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 162, Bộ luật Hình sự. Muốn xử lý tội này, nhiều bị hại, người tiêu dùng phải khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để có cơ sở xác định thiệt hại.
Luật sư Tuyến phân tích, Khải Silk gắn thương hiệu (Khaisilk - made in Vietnam) của mình lên các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, làm người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm đó do Khải Silk sản xuất và có nguồn gốc, xuất xứ từ Việt Nam.
Căn cứ Nghị định số 19/2006/NĐ-CP về hướng dẫn luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 08/2006/TT-BTM của bộ Thương mại (nay là bộ Công Thương) thì nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa là: "Hàng hóa sẽ có xuất xứ của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa này".
Do vậy, nếu hàng hóa là thành phẩm được nhập khẩu từ quốc gia khác thì nghĩa là công đoạn cuối cùng sản xuất ra thành phẩm này không ở Việt Nam thì không thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa Việt Nam.
Điều 10, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định hành vi kinh doanh hàng hóa lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác được coi là hành vi cấm.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần chứng minh việc mua các sản phẩm của Khải Silk gây thiệt hại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Hùng, phó chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam, cho rằng hành vi nhập sản phẩm của Trung Quốc nhưng lại cắt mác để thay đổi nhãn mác, xuất xứ và gắn thương hiệu nổi tiếng của mình là hành vi đánh lừa người tiêu dùng, gian lận thương mại, giả thương hiệu.
Chưa kể các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Khaisilk được giới thiệu là chất lượng cao, được làm từ các làng nghề truyền thống với giá trị trên thị trường rất cao.
Tuy nhiên, hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc khó có thể kiểm soát về mặt chất lượng, giá cả nên trong trường hợp sản phẩm lụa được nhập từ Trung Quốc với giá rẻ, mà bán với giá gấp 5-7 lần là không phù hợp và vi phạm quy định.
"Việc dùng uy tín của mình để đánh lừa người tiêu dùng bằng sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ không đúng, là không chấp nhận được. Chưa nói chất lượng hàng hóa đó có được kiểm chứng hay không, thì việc tạo ra hàng nhái thương hiệu là vi phạm", ông Hùng khẳng định.
Trước đó, một doanh nghiệp mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khai Silk (kích thước 50x50cm) với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên, sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung "Khaisilk Made in Vietnam", mác còn lại có nội dung "Made in China".
Từ đây, người tiêu dùng mua khăn của Khaisilk hàng chục năm qua phẫn nộ vì đã bị đánh lừa. Không ngờ và sản phẩm đẳng cấp, thương hiệu sang trọng như Khaisilk lại gian dối, lập lờ đánh lận con đen với hàng không rõ nguồn gốc.
Liên quan đến vụ việc, Bộ Công Thương đã ra công văn hỏa tốc yêu cầu làm rõ việc Khaisilk bán khăn gắn mác "made in China" trước ngày 28/10.