Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên đặt chân vào Hạ viện Mỹ là ai?
Trong buộc bầu cử Mỹ ngày 8/11, đã có một người phụ nữ gốc Việt trúng cử vào Hạ viện Mỹ. Đó là bà Stephanie Murphy, 37 tuổi, có tên tiếng việt là Ðặng Thị Ngọc Dung.
Báo Tri Thức Trực Tuyến dẫn nguồn tin từ The New York Times đưa tin, bà Stephanie Murphy, 37 tuổi, đã giành chiến thắng trước ông John Mica, 73 tuổi, với tỷ lệ phiếu bầu 51,5% - 48,5% tại quận bầu cử quốc hội số 7, bang Florida, theo New York Times.
Bà Murphy thuộc đảng Dân chủ trong khi đối thủ là người của đảng Cộng hòa. Kết quả này sẽ được chính thức hóa bằng thông báo của cơ quan bầu cử.
Bà mẹ hai con này đã được Tổng thống Barack Obama, Phó tổng thống Joe Biden và Chiến dịch Nhân quyền chính thức ủng hộ tham gia tranh cử. Ông John Mica là hạ nghị sĩ đại diện cho quận số 7 bang Florida kể từ năm 1993.
So với đối thủ, bà Murphy là một gương mặt mới mẻ với tuổi đời khá trẻ. Trước ngày bầu cử, giới truyền thông đánh giá bà là một “đối thủ đáng gờm” của hạ nghị sĩ đương nhiệm.
Politico nói rằng đây là cuộc tranh cử giữa kinh nghiệm và sự đổi mới, vị trí của ông Mica đang bị bà Murphy đe dọa.
Bà Stephanie Murphy trò chuyện với cử tri. Ảnh: AP
Bà Stephanie Murphy, tên Việt Nam là Ðặng Thị Ngọc Dung, đã hoàn thành chương trình đại học “bằng học bổng, sự chăm chỉ và lòng quyết tâm.”
Sau vụ khủng bố ngày 11/9, bà làm việc cho Bộ Quốc phòng, đảm nhiệm vị trí chuyên viên an ninh đặc biệt trong suốt 4 năm. Murphy cũng là một trong những nhân vật được mời đọc diễn văn tại Ðại hội toàn quốc của đảng Dân chủ tại Philadelphia, Pennsylvania, hồi tháng 7.
Trước đó, đã từng có 1 người gốc Việt trúng cử vào Hạ viện Mỹ năm 2008 là ông Joseph Cao. Báo VnExpress dịch tin từ AP cho hay, ông Cao, đảng viên Cộng hòa, giành chiến thắng trước đối thủ và đánh dấu sự thay đổi của cử tri New Orleans sau hơn 30 năm ủng hộ cho đảng Dân chủ.
Ứng viên của đảng này bị mất điểm vì nghi ngờ tham nhũng. Luật sư Cao 41 tuổi, là người Việt di cư sang Mỹ. Chiến thắng của ông được đánh giá là rất quan trọng đối với các cộng đồng người Á ở phía đông New Orleans.
"Đúng là một câu chuyện của David và Goliath", Joel Waltzer, một luật sư từng có 20 năm làm việc cho cộng đồng ngư dân và chủ nhà người Việt ở thành phố này, đánh giá. Trước khi ra làm riêng, Cao từng là nhân viên của Waltzer.
Luật sư này cho rằng chính cơn bão Katrina đóng góp một phần làm nên chiến thắng của ông Cao. "Trước cơn bão, các cộng đồng gốc Việt và Đông Nam Á thường bị cho qua, nhưng giờ đây họ đã đủ mạnh để có thể bầu một dân biểu cho riêng mình", Waltzer nói.
"Họ trở nên có tham vọng. Họ muốn tiếng nói của mình trong công cuộc tái thiết được lắng nghe, họ muốn có tiếng nói khi bàn đến các quyết định quan trọng".
Trước đây, ông Cao chưa từng nổi tiếng, nhưng cuộc đời của ông thu hút sự quan tâm của cử tri. Cao sinh ra tại Việt Nam, năm lên 8 ông rời Sài Gòn.
Cao lấy bằng triết học ở Fordham University, một trường cộng đồng ở New York City, sau đó chuyển đến Louisiana vào năm 1992.
Ông lấy bằng luật sư tại trường Loyola University ở New Orleans. Năm 2005, nhà của Cao ở gần con đê bao quanh thành phố bị ngập chìm trong nước của cơn bão Katrina và Gustav.