Người có lượng vitamin D thấp dễ tử vong khi mắc Covid-19
Theo một nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Anh, những người có lượng vitamin D thấp dễ bị tử vong khi mắc Covid-19.
Người có lượng vitamin D thấp dễ tử vong khi mắc Covid-19. Ảnh minh họa/Nguồn NYT
Các nhà nghiên cứu tại Queen Elizabeth Hospital Foundation Trust và Đại học East Anglia ở Anh đã so sánh mức vitamin D trung bình của 20 quốc gia châu Âu với tỷ lệ tử vong Covid-19 và tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa mức độ vitamin D và số ca tử vong khi nhiễm bệnh, Tiền phong đưa tin.
Nghiên cứu chưa có tiền lệ này ghi nhận rằng, các quốc gia Bắc Âu thiếu ánh nắng mặt trời là những quốc gia có nguy cơ cao nhất. Các nhà nghiên cứu đã viết: “Chúng tôi tin rằng việc bổ sung vitamin D sẽ tăng khả năng đề kháng trước sự lây nhiễm SARS-CoV-2.”
Phát hiện này phù hợp với nghiên cứu trước đây cho thấy mức vitamin D đầy đủ có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy, những người lớn tuổi ở Thụy Sĩ, Ý và Tây Ban Nha có nguy cơ bị thiếu vi chất cao nhất. Nghiên cứu viết rằng: “Nhóm người dễ bị tổn thương nhất trước Covid-19 cũng là nhóm bị thiếu hụt vitamin D nhiều nhất.”
Vitamin D là một vitamin tan trong chất béo giúp thúc đẩy xương khỏe mạnh và hỗ trợ chức năng hệ thống miễn dịch. Cơ thể con người sản sinh ra vitamin D một cách tự nhiên khi được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, hoặc từ việc ăn các thực phẩm như những loại cá giàu chất béo, lòng đỏ trứng, nấm và phô mai.
Liên quan đến thử nghiệm vắc xin chống Covid-19, Zing news dẫn nguồn từ NBC News cho hay 14 loại vắc xin tiềm năng này được phát triển theo dự án "Operation Warp Speed" của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Đây là số vắc xin tiềm năng được lựa chọn từ 93 loại vắc xin của 80 công ty dược phẩm trong vài tuần trước.
Trong hai tuần tới, 14 loại vắc xin này sẽ tiếp tục được thử nghiệm thêm. Giới chức Mỹ hy vọng sẽ chọn được khoảng 6-8 vắc xin cho vòng thử nghiệm lâm sàng tiếp theo. Và cuối cùng, mục tiêu là có 3-4 "ứng cử viên" lọt vào vòng thử nghiệm cuối trước khi được đưa vào sử dụng đầu năm 2021.
Theo các quan chức y tế, không có gì đảm bảo rằng một trong 14 loại vắc xin sẽ hiệu quả sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên, họ rất lạc quan về cơ hội có một hoặc nhiều loại vắc xin trong số này sẽ thành công.
"Mối quan tâm lớn hơn là làm thế nào để nhanh chóng tạo ra vắc xin cho hơn 300 triệu người Mỹ sau khi tìm thấy loại thuốc có hiệu quả", các quan chức y tế Mỹ cho biết.
Giới chức Mỹ cho biết cột mốc quan trọng tiếp theo trong dự án này sẽ là trong hai tuần tới khi chính phủ tìm kiếm người tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin.