Người bố dùng búa đánh con tử vong ở Phú Thọ sẽ bị xử lý thế nào?
Luật gia cho rằng, cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ hành vi cụ thể của hai bố con xô xát với nhau dẫn đến nạn nhân tử vong.
Trước đó, như đã đưa tin, chiều ngày 1/5, anh Hà Văn Đính (SN 1987, trú tại xã Văn Luông, Tân Sơn, Phú Thọ) trở về nhà, sẵn uống rượu từ trước đã gây sự, cự cãi với ông Nguyễn Văn Huân (SN 1951, bố đẻ Đính, trú cùng địa phương).
Khi thấy người bố đi lên giường nằm, Đính đã dùng búa đinh lao tới vụt vào đầu khiến ông Huân bị thương nhẹ. Sau đó, ông Huân đã giật lại chiếc búa đinh rồi đánh vỡ đầu Đính, khiến nạn gục tại chỗ và tử vong sau đó.
Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng vụ việc con trai say rượu về nhà đánh bố đẻ, bị bố đánh lại tử vong là vụ việc hi hữu nhưng rất đau lòng về đạo nghĩa cha con.
Bởi vậy, nhiều người cho rằng người con như vậy là "nghịch tử", bất hiếu nên bị cha đánh tử vong. Theo thông tin ban đầu thì "nạn nhân Đính say rượu nên đã về nhà dùng búa đánh bố mình là ông Huân tuy nhiên bị ông Huân giành được búa và đánh lại. Hậu quả khiến Đính tử vong".
Với thông tin này thì chưa rõ được hành vi của ông Huân có cấu thành tội phạm hay không. Để xác định được trách nhiệm pháp lý của ông Huân thì cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ hành vi cụ thể của hai bố con khi vật lộn với nhau.
Làm rõ tư thế và diễn biến hành vi, diễn biến tâm lý của ông Huân khi chống đỡ và đánh lại Đính để làm rõ việc sử dụng vũ lực, đánh lại Đính của ông Huân có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc các trường hợp khác loại trừ trách nhiệm hình sự hay không.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy Đính đã dùng búa đánh ông Huân trước, ông Huân đã chống trả lại sự tấn công từ Đính, sau khi ông Huân giật được búa từ tay Đính thì Đính vẫn tấn công ông Huân.
Lúc này, ông Huân đang bị thương tích, không còn cách nào khác buộc phải đánh trả lại Đính dẫn đến hậu quả Đính tử vong thì đây là trường hợp phòng vệ chính đáng. Hành vi của ông Huân trong trường hợp này là sử dụng vũ lực trong trường hợp pháp luật cho phép và trong giới hạn pháp luật cho phép.
Còn trường hợp sau khi giằng giật được chiếc búa từ tay Đính, Đính không còn tấn công ông Huân nữa (ông Huân không còn bị đe dọa đến sức khỏe tính mạng nữa) nhưng vì bực bội, tức tối nên ông Huân đã dùng búa đánh nhiều nhát vào vùng hiểm yếu của Đính đến mức Đính tử vong.
Trường hợp này việc sử dụng vũ lực của ông Huân là quá mức cần thiết, hành vi này có bể bị xử lý về tội giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội theo quy định tại Điều 126 BLHS 2015:
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”
Vì vậy, cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ hành vi, diễn biến sự việc và ý thức chủ quan của ông Huân để xác định việc sử dụng vũ lực của ông Huân để đánh Đính có vượt quá mức cần thiết hay không, có thuộc trường hợp quy định tại Điều 22 hoặc Điều 24 Bộ luật hình sự hay không.
Nếu hành vi của ông Huân thuộc trường hợp quy định tại Điều 22 hoặc Điều 24 Bộ luật hình sự thì hành vi dùng vũ lực của ông Huân là pháp luật cho phép và ông này được loại trừ trách nhiệm hình sự trong vụ việc này.
Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.