Ngôi làng cứ nuôi vật 4 chân là lăn đùng ra chết ở Bắc Giang giờ ra sao?
Suốt 10 năm ròng rã, những con vật nuôi 4 chân đang khoẻ mạnh bỗng dưng lăn đùng ra chết ở một ngôi làng nhỏ từng tốn không biết bao nhiêu giấy mực, công sức nghiên cứu của các chuyên gia.
10 năm ròng không nuôi được vật nuôi 4 chân
Mang theo tâm lý bán tín bán nghi, tôi tìm về làng Đầu, thôn Sơn Quả (xã Lương Phong) – nơi từng được cho là ngôi làng “ma ám” khi nơi đây từng có thời kỳ suốt 10 năm ròng rã vật nuôi 4 chân đang khoẻ mạnh bỗng dưng lăn ra chết.
Từ trung tâm thị trấn Thắng (huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) xuôi một đường khoảng 5km là đến được làng Đầu. Với những người lần đầu đến làng Đầu như tôi, chẳng ai có thể tin được câu chuyện cách đây chừng 10 năm, nơi đây từng không thấy được bóng dáng vật nuôi, từ trâu, bò, chó, mèo…
So với những gì tôi được đọc trên sách báo, có thể thấy làng Đầu bây giờ đã đổi khác rất nhiều. Đường nhựa được trải khang trang vào đến tận cổng nhà dân. Những ngôi nhà cao tầng được xây dựng theo kiến trúc tây phương mọc lên san sát.
Không khó để tìm được một hai nóc biệt thự “hoành tráng” mọc lên xen lẫn trong những lùm cây giữa cái yên ả của làng quê. “Trước đây làng này nghèo nhất nhì huyện Hiệp Hoà nhưng giờ thanh niên đi xuất khẩu lao động nhiều. Người trung tuổi cũng đi công ty chăn nuôi lên đời sống thay đổi lắm”, một lão ông đi chiếc xe đạp cũ kỹ cất lời khi được tôi bắt chuyện.
Làng Đầu có thể đã thay đổi rất nhiều so với thời gian trước nhưng những ký ức kinh hoàng về câu chuyện vật nuôi 4 chân bỗng dưng lăn ra chết cách đây 20 năm vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những người dân nơi đây.
Hầu hết những người dân nơi đây đều từ chối khi được tôi ngỏ ý muốn nghe lại câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai này. Trưởng thôn Lưu Văn Thịnh (54 tuổi) nheo mắt hít mạnh hơi thuốc lá khét lẹt rồi thở làn khói trắng đục lên không trung rồi mới chậm rãi kể lại.
Theo vị trưởng thôn, thời kỳ đó, gia đình ông là một trong những gia đình thiệt hại nặng nề nhất nên câu chuyện trên “tôi không bao giờ quên được”.
“Hồi ấy, làng Đầu có tổng cộng 34 hộ dân thì chỉ duy nhất có hộ ông Bùi Văn Tâm là không việc gì còn lại tất cả vật nuôi 4 chân của các hộ khác đều lần lượt lăn ra chết không rõ nguyên nhân.
Nếu chú về đây khoảng gần 15 năm về trước sẽ thấy từ đầu đến cuối làng không có một bóng dáng vật nuôi 4 chân. Có khi cày bừa không có trâu còn phải dùng sức người để kéo”, ông Thịnh nhớ lại.
Theo ông Thịnh, việc vật nuôi 4 chân lăn ra chết bắt đầu từ những năm 1998 và hiện tượng này được diễn ra đồng loạt vào những năm 1999 – 2000 và trải dài suốt khoảng 10 năm sau đó.
Vào thời gian đó, gia đình ông Thịnh cũng như 32 hộ dân còn lại tại làng Đầu đều là nạn nhân của hiện tượng kỳ lạ này: “Khi đó nhà tôi cũng nuôi mấy lứa lợn liền nhưng rồi sau đó cũng cứ tự dưng lăn đùng ra chết mà không rõ nguyên nhân.
Đặc biệt là vào những ngày mùng 1 hay hôm rằm hoặc khi trong làng có tổ chức đám cưới là số lượng vật nuôi 4 chân chết nhiều không đếm xuể. Không riêng gì lợn, từ trâu bò, chó, mèo… đại khái những con vật nào 4 chân đều chịu chung số phận”, ông Thịnh kể.
Nghĩ rằng do nơi chăn nuôi phải chỗ đất chẳng lành, nhiều hộ dân còn mời các thầy bùa, thầy pháp đến để trừ tà, xua đuổi ma quỷ nhưng rồi cũng chẳng ăn thua. Có lần, tận mắt ông Thịnh chứng kiến một thầy bùa sau khi làm phép lớn tiếng khẳng định chắc như đinh đóng cột khuyên gia chủ cứ thoải mái dẫn vật nuôi về.
Tuy nhiên, được một lúc khi trở về nhà, con vật bỗng lên cơn chạy vòng quanh rồi tự húc đầu vào tường sau đó nằm lăn ra đất. Thầy bùa thấy thế dùng dầu gió liên tục xoa xoa lên mình con vật để làm phép nhưng con vật cũng không tỉnh lại.
“Sau sự việc đó, không mấy người trong làng tin vào các thầy bùa, thầy pháp. Vật nuôi cũng cứ thế lần lượt ra đi. Kinh tế trong làng rơi vào túng quẫn khi vốn liếng dốc ra để chăn nuôi cứ lần lượt đổ sông đổ bể”, ông Thịnh kể.
Có lần, đến vụ cày, một người dân trong thôn sang làng bên mượn mẹ vợ con trâu về để cày nhưng đi được nửa đường, con vật bỗng nổi cơn, nhảy nhót điên loạn rồi lăn ra chết.
Sự việc ngày hôm đó làm xôn xao khắp làng Đầu. Tuy không thể lý giải được chuyện gì đã xảy ra nhưng người dân ngầm hiểu với nhau từ nay không nên nuôi các con vật 4 chân nếu không cuối cùng cũng sẽ có chung kết cục “vật chết, người mất của”.
Dẫn chứng cho sự việc kỳ lạ xảy ra với các loại vật nuôi 4 chân, chị Lưu Thị Lệ (SN 1982, làng Đầu) gọi tôi vào chia sẻ. Theo câu chuyện chị Lệ kể, gia đình chị cũng từng “khuynh gia bại sản” vì vật nuôi liên tục tìm đến cái chết.
“Nhà tôi nuôi 5-6 lứa lợn, tổng cộng có đến cả vài chục con nhưng cũng đột nhiên tìm đến cái chết. Chẳng riêng gì lợn, thời đó nhà tôi có nuôi một con ngựa. Khi hiện tượng lạ bùng lên, con ngựa cũng đột ngột chết sau đó”, chị Lệ tâm sự.
Ngựa chết, chị Lệ dùng xe chở quanh làng và bán được con vật với giá rẻ như cho. Cũng kể từ đây, gia đình chị Lệ không chăn nuôi gì nữa, chuồng trại phá đi hoặc bỏ không cả gần 20 năm nay.
Mù mờ nguyên nhân
Chia tay nhà chị Lệ, tôi tiếp tục vòng ngược trở ra tìm đến một ngôi nhà 2 tầng khang trang sơn màu vàng tươi bắt mắt nằm khuất sau luỹ tre làng. Đây là căn nhà của vợ chồng ông Bùi Văn Thanh (SN 1969).
Theo những người dân trong làng, gia đình anh Thanh là hộ đầu tiên xuất hiện hiện tượng lạ kỳ. “Đó là vào ngày 21/4/1997, tối hôm đó, tôi đi xem vô tuyến rồi trở về băm bèo, nấu cám cho đôi lợn chừng 80-90kg ngày mai ăn.
Tuy nhiên, sang hôm sau, đôi lợn đang khoẻ mạnh bỗng nằm lăn ra chuồng chết “bất đắc kỳ tử””, ông Thanh chia sẻ.
Sự việc xảy ra, ông Thanh chỉ nghĩ đơn thuần do lợn bị bệnh gì đó. Ông cùng vợ dùng xe kéo đôi lợn đi khắp làng để bán. Con đầu tiên ông bán cho một lái lợn, con thứ 2 vợ chồng ông kéo xe đi quanh làng, ai mua phần nào ông bán phần đó.
Đôi lợn đột ngột chết khiến gia đình ông đâm vào cảnh nợ nần. Vốn liếng dốc vào đôi lợn nhưng sắp đến kỳ xuất chuồng thì lại đột nhiên lăn ra chết.
Lần sau đó, ông Thanh tẩy sạch sẽ chuồng trại, chất lá cây, rơm hun chuồng trại 2-3 ngày đêm để khử bệnh dịch, lại dùng vôi bột để khử trùng khắp lượt chuồng trại nhưng ngày 21/5/1997, cả đàn lợn 10 con của gia đình anh cũng bỗng nhiên lăn đùng ra chết.
“Trước khi chết, chúng cứ kêu éc éc rồi cả 10 con đâm đầu húc mạnh vào tường rồi lăn ra chết. Nghĩ rằng có ai đó đầu độc nên tôi báo cáo chính quyền và nhờ thú y đến kiểm tra.
Kết quả bất ngờ khi cả 10 con lợn chết nhà tôi không có dấu hiệu trúng độc và cũng không có bệnh dịch gì”, ông Thanh nhớ lại.
Không chỉ có đàn lợn, chó, mèo nhà anh nuôi cũng lần lượt gặp sự lạ rồi chết. Lúc đó, việc vật nuôi 4 chân đột nhiên “tìm đến cái chết” chỉ diễn ra tại nhà ông Thanh khiến ông không khỏi hoang mang.
Về sau, sự lạ này lan ra cả làng, ngoại trừ gia đình ông Bùi Văn Tâm (SN 1964, anh trai ông Thanh) còn lại tất cả những hộ dân khác đều hứng chịu trung số phận. Theo ông Thanh, sự việc vật nuôi 4 chân chết hàng loạt đặc biệt diễn ra vào những ngày có lễ cưới hỏi trong làng.
“Hôm đó đám cưới cháu bà Hoà ở cùng làng. Liền sau đó 7 con chó của 7 hộ gia đình đột nhiên nổi điên sủa inh ỏi rồi lăn ra chết. Kết quả kiểm tra cũng không có dấu hiệu của hiện tượng bị đầu độc”, ông Thanh cho biết.
Đến bây giờ, sau khi sự việc qua đi được nhiều năm, vợ ông Thanh mới tâm sự với tôi. Theo bà, nguyên nhân của sự vụ nghi là do bắt nguồn từ việc sửa chữa, chuyển hướng điếm làng Đầu.
Ngôi điếm mà vợ ông Thanh nhắc đến nằm ngay đầu làng dưới tán si quanh năm xanh tốt. Cạnh đó là một giếng nước mới đây đã được xây dựng, lập rào chắn chỉ để phục vụ cho mục đích tham quan của mọi người.
Ngôi điếm đó thờ ai không rõ nhưng trước đây có 1 gian, nằm lẻ loi dưới tán cây xanh lá. Điếm quay ra ra hướng Nam, sát cạnh đường đi và đối diện với cánh đồng làng Đầu. Sau khi họp bàn, các bô lão trong làng quyết định tu sửa lại ngôi điếm.
Thay vì giữ nguyên hiện trạng là hướng Nam, người dân họp nhau vào và quyết định phá dỡ điếm và xây lại cho điếm ngoảnh sang hướng Đông. “Vì việc chung của làng, mỗi người một chân một tay dỡ điếm để xây lại.
Ông nhà tôi làm thợ xây nên trực tiếp tiến hành xây dựng lại điếm. Trong số dân làng duy chỉ có nhà bác Tâm (người duy nhất gia đình không có hiện tượng vật nuôi 4 chân chết) là không tham gia dỡ điếm. Có lẽ vì thế nên gia đình bác ấy mới không việc sao”, vợ ông Thanh cho biết.
Sự sống hồi sinh trên mảnh đất chết
Trở lại làng đầu sau gần 20 năm khi sự việc hàng loạt vật nuôi 4 chân chết bất thường diễn ra, không khó để tôi nhận thấy sự thay đổi. Theo trưởng thôn Lưu Văn Thịnh, nếu như thời đó, cả làng không thấy bóng dáng vật nuôi đâu thì bây giờ các hộ dân trong làng nhà nào cũng phải có nuôi đôi ba con lợn.
Việc hàng loạt vật nuôi 4 chân chết hàng loạt tại làng Đầu thời điểm đó gây xôn xao khắp trong và ngoài tỉnh Bắc Giang. Hàng chục nhà khoa học nghe tiếng tìm đến làng Đầu để tiến hành làm hàng loạt các xét nghiệm, phân tích… nhưng việc vật nuôi chết đâu vẫn hoàn đó.
Sự việc vật nuôi 4 chân tự nhiên chết hàng loạt tại làng Đầu thời điểm đó chỉ thực sự kết thúc vào năm 2006 khi tỉnh Bắc Giang tiến hành hỗ trợ vật nuôi cho các hộ dân.
Các hộ ban đầu mới nhận còn lo sợ việc vật nuôi lại chết nên còn lưỡng lự. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy việc vật nuôi không có biểu hiện lạ như trước nữa, nhiều hộ dân đã mạnh dạn nuôi và kỳ lạ thay, những vật nuôi này lại sống rất khoẻ mạnh.
Nét mặt hồ hởi, ông Thịnh dẫn tôi đi xem cơ ngơi trang trại vợ chồng ông cùng nhau vun vén mấy năm nay. Không khó để nhận ra sự sống đã hồi sinh trên mảnh đất từng được coi là “ma ám” ngày nào.
Cả trang trại lợn của gia đình ông Thịnh có hơn 200 con đang trong giai đoạn vỗ béo để sắp sửa xuất chuồng. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng tiến hành song song việc nuôi gột lợn con sẵn sàng gối tiếp khi lứa trước được xuất chồng.
“Từ năm 2006 đến nay, việc chăn nuôi của bà con chúng tôi diễn ra hoàn toàn bình thường, không có hiện tượng vật nuôi chết hàng loạt như ngày trước nữa. Đời sống nhân dân cũng được cải thiện hơn đáng kể.
Bình quân, như trang trại nhà tôi mỗi lứa nuôi cả 400-500 con nhưng do năm vừa rồi giá lợn bỗng dưng tụt dốc lên gia đình cũng chỉ nuôi cầm chừng. Một năm 3 lứa lợn trừ chi phí cũng có chút lãi”, ông Thịnh phấn khởi chia sẻ.
Cũng theo ông Thịnh, ngoài một số hộ gia đình tuổi đời vẫn còn trẻ đi làm việc tại các khu công nghiệp thuộc địa bàn tỉnh còn lại người dân tại làng Đầu đều sinh sống, phát triển kinh tế bằng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Cái tên làng “ma ám” và câu chuyện về việc vật nuôi 4 chân đua nhau “tự tử” ở làng Đầu chắc hẳn thỉnh thoảng vẫn còn được người dân nơi đây nhắc đến. Tuy nhiên việc nhắc đến chỉ như để soi chiếu với quá khứ để thấy sự cố gắng của người dân trong việc vươn lên trong cuộc sống.