Nghiên cứu phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt

22-05-2019 11:24:17

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về công tác điều hành giá điện, Chính phủ cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 đã được thực hiện theo đúng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào các quy định của Luật Điện lực và một số nghị quyết của Quốc hội. Nếu tính đủ các khoản chênh lệch tỷ giá, giá điện đáng lẽ còn tăng cao hơn. Đồng thời Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện bậc thang cho phù hợp.

Theo báo cáo của Chính phủ, lần gần nhất giá điện được điều chỉnh theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương. Trong năm 2018, mặc dù giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng nhưng Chính phủ đã chỉ đạo không điều chỉnh giá bán lẻ điện. Chính phủ cũng đã chỉ đạo EVN điều hành tối ưu hệ thống, khai thác tối đa nguồn thủy điện theo tình hình thủy văn, giảm tổn thất, tiết kiệm chi phí 7,5% và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động.

Tổng các khoản tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, doanh thu hoạt động tài chính năm 2017 của EVN khoảng 2.228 tỷ đồng; năm 2018 khoảng 2.326 tỷ đồng làm giảm giá thành tương ứng khoảng 11-12 đồng/kWh, tương đương khoảng 0,68%-0,69% so với giá bán lẻ điện bình quân năm.

Về thông tin cho rằng giá điện “gánh” các chi phí, lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN, báo cáo của Chính phủ cho hay, theo báo cáo của EVN tại Văn bản số 2586 ngày 21/5/2019, các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành. Cụ thể, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng.


Ảnh minh họa: NLĐ

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, khi đưa các thông số đầu vào tính giá điện, Chính phủ đã đồng ý với Bộ Công Thương cho EVN phân bổ 753,97 tỷ đồng trong tổng số khoảng 1.487,94 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2015 và toàn bộ chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2017 (3.070,9 tỷ đồng) của các nhà máy điện vào năm 2019.

Liên quan đến giá điện và các chỉ đạo của Bộ Công Thương, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, EVN đã có văn bản gửi các Tổng công ty Điện lực yêu cầu rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc tính hoá đơn, giải quyết kịp thời các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng,tăng cường công tác dịch vụ khách hàng, cung cấp kịp thời thông tin một cách công khai, minh bạch cho các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan có liên quan.

Cũng theo lãnh đạo EVN, Tập đoàn sẽ tổng hợp số liệu về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng theo các bậc thang, đánh giá tình hình tiêu thụ thực tế kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để báo cáo Bộ Công Thương phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt và biểu giá điện, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Bộ Công Thương cũng cho biết, thời gian tới, Bộ với chức năng quản lý nhà nước về ngành Điện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với khách hàng sinh hoạt, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo các mục tiêu an sinh, xã hội.
 
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng và phát triển thị trường điện, với mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2021, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập đất nước.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //