Ngày Tết, hiểu đúng về tục lệ “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”?
Đã từ lâu, tập tục "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vậy muối và vôi mang đến cho bạn lợi ích gì?
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một thói quen lâu đời. Vào những ngày đầu tiên của năm mới, người Việt thường mua muối về nhà lấy may cho cả năm. Vào những ngày cuối năm, người ta mua vôi về để sơn sửa lại nhà cửa với hy vọng sẽ gặp được nhiều điều mới mẻ tốt lành trong năm mới.
Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn. Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, no đủ. Mua muối đầu năm là để cầu mong sự mặn mà, hòa thuận, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.
Tập tục đầu năm mua muối cuối năm mua vôi là truyền thống của người dân Việt Nam (Ảnh internet)
Người dân đồng bằng Bắc Bộ quan niệm đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn tấn tới, mua may bán đắt, tình cảm gia đình đầm ấm, trọn vẹn như vị đậm đà của muối – Theo Tri thức trực tuyến.
Chính vì thế, sáng mùng 1 Tết, người ta thường mua vài đồng muối lấy may. Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng. Điều này xuất phát từ quan niệm mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm.
Tại các đình chùa, sáng mùng 1 Tết, người ta thường bày bán muối bên cạnh hoa quả, vàng mã, đèn hương… để sau khi vào lễ Phật, lúc ra về các bà, các chị mau một gói muối với hy vọng một năm mới mọi việc tốt đẹp và may mắn.
Theo VTC, ý nghĩa của việc “đầu năm mua muối” là cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, hà tiện”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.
Ngược lại với tục mua muối, người ta thường tránh mua vôi đầu năm bởi người xưa quan niệm vôi mà trắng biểu tượng cho sự bạc bẽo. Thế nên đầu năm phải tránh mua vôi để tránh những rủi ro trong năm mới.
Đối với người Việt, “tậu trâu, lấy vợ, xây nhà” là 3 việc trong đại trong đời vì thế, việc mua vôi được ví von như “xây nhà” – việc quan trọng vào dịp cuối năm.
Cuối năm, người ta thường mua vôi để ông bình vôi ăn no ăn đủ (Ảnh internet)
Cũng có một cách giải thích khác cho rằng cuối năm phải mua vôi để tiếp vôi cho ông bình vôi – một vật dụng đặc biệt để vôi ăn trầu bằng sành sứ chỉ các cụ có thói quen ăn trầu mới có. Vì thế, miệng ông cứ mỗi ngày một đầy, thành vành khuyên, người ta dùng dao khứa chân rồi đem xâu vào dây treo trước cửa để trừ tà.
Theoo dân gian, một khi ông bình vôi đã đặc ruột, người ta rước ông cùng xâu miệng lên chùa để dưới chân cây hương, dưới gốc mít, gốc đa. Lâu ngày lăn lóc, sương đọng vào bụng ông, gặp con sài đẹn, hay bị sơn ăn thì người ta lấy nước đó mà uống, mà bôi. Ai bị sâu răng thì mua ngọc trai tán nhỏ hòa vào nước này uống sẽ khỏi.
Ông bình vôi là vật thiêng trong nhà người xưa, do vậy lúc nào cũng phải cho ông ăn no, ăn đủ. Tuy nhiên do “Bạc như vôi” nên người ta chỉ cho ông ăn vào cuối năm chứ không ai cho ông ăn đầu năm. Đây cũng chính là nguyên nhân của tục lệ “cuối năm mua vôi”.