Ngân hàng đón đầu, nhiều khách hàng vẫn 'khóc ròng' vì ATM 'tắc đường'

08-02-2021 14:13:22

Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng tiền mặt cho các hoạt động giao dịch tăng cao, dẫn đến tình trạng hàng hàng loạt ATM hết tiền, không giao dịch được. Dù các ngân hàng đưa ra nhiều giải pháp để đón đầu sự cố ATM "tắc đường" nhưng điệp khúc này vẫn lặp lại tại một số địa phương.

Theo thống kê gần nhất của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành toàn thị trường đạt con số 103 triệu thẻ. Đáng lưu ý, thẻ nội địa vẫn chiếm số lượng áp đảo với 88,3 triệu thẻ, còn thẻ quốc tế là hơn 14,8 triệu thẻ.

Trong khi đó, số lượng ATM lưu hành trên thị trường mới chỉ đạt khoảng 19.307 máy tính đến cuối tháng 6/2020. Như vậy, chỉ cần khoảng 5% số thẻ trên thực hiện giao dịch cùng một lúc, hệ thống ATM sẽ "kẹt cứng".

Đón đầu cho những sự cố này, nhiều ngân hàng cho biết đã lên phương án tránh tình trạng quá tải ATM dịp Tết Nguyên đán.


Ngân hàng tung nhiều giải pháp hạn chế tình trạng nghẽn ATM (Ảnh ThuyLe)

Ngân hàng đón đầu sự cố nghẽn ATM

Thông tin từ Techcombank cho biết, cũng như các Ngân hàng thương mại khác, Techcombank luôn chú ý tăng cường đảm bảo hoạt động của hệ thống thẻ, hệ thống ATM vào các dịp nghỉ lễ, tết. Từ nay đến Tết âm lịch Tân Sửu, qua kinh nghiệm từ các năm trước, thì đây là giai đoạn giao dịch thẻ tăng rất cao, có thời điểm, lượng giao dịch trong ngày sẽ tăng 3-4 lần so với ngày bình thường.

Vì vậy, Techcombank đã chủ động có kế hoạch tăng cường hệ thống như: Nâng cao khả năng xử lý hệ thống thông qua việc nâng cấp trang thiết bị để tăng tốc độ xử lý giao dịch song song với bảo trì, bảo dưỡng vệ sinh các thiết bị định kỳ; Ban hành chỉ thị cho các đơn vị trong hệ thống tăng cường nguồn lực đảm bảo hoạt động vận hành và tiếp quỹ ATM an toàn và hiệu quả phục vụ khách hàng.

Techcombank tăng hạn mức tiếp quỹ, tăng cường tiếp quỹ, để đảm bảo ATM sẵn tiền với khả năng cao nhất, lượng quỹ sẽ được tiếp với tần suất tăng lên và đảm bảo trước khi Ngân hàng nghỉ Tết, các ATM sẽ được tiếp đủ tiền nhằm phục vụ khách hàng giao dịch trong dịp Tết.

Đặc biệt, trước và sau ngày nghỉ Tết, các đơn vị quản lý ATM chủ động tiếp quỹ để đảm bảo duy trì tồn quỹ cho ATM/CRM trong suốt kỳ nghỉ Tết, bố trí cán bộ trực đảm bảo hệ thống kỹ thuật kết nối thông suốt, hỗ trợ kịp thời nếu có các tình huống phát sinh.

Trong thời gian nghỉ Tết, bộ phận call center bố trí cán bộ trực 24/24 để xử lý kịp thời các yêu cầu trợ giúp của Khách hàng. Bộ phận IT cũng bố trí cán bộ trực để kiểm tra tình trạng của các máy ATM/CRM (lỗi kỹ thuật, lỗi hết tiền – cashout…), từ đó, thông báo cho các Giám đốc đơn vị quản lý ATM để kịp thời xử lý.

Tại Agribank Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, ngân hàng đã chuẩn bị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu rút tiền của các khách hàng. Trong đó, với hoạt động chuyển tiền và rút tiền ở ATM, các chi nhánh luôn bảo đảm đầy đủ 24 giờ mỗi ngày.

Trong khi đó, đại diện BIDV cho hay, BIDV luôn sẵn sàng cho người dân rút tiền mặt. Lượng tiền trong ATM luôn được phía ngân hàng theo dõi và giám sát liên tục. Việc nạp thêm tiền vào các cây ATM cũng sẽ diễn ra thường xuyên để các giao dịch luôn được thông suốt.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có Văn bản số 684/NHNN-VP đề nghị các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Cụ thể, NHNN yêu cầu Cục Phát hành và Kho quỹ chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung chỉ đạo tổ chức tốt công tác điều hòa, cung ứng tiền mặt, đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; Vụ Thanh toán chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống thanh toán quan trọng, hệ thống ATM nhằm phát hiện, cảnh báo để kịp thời ngăn chặn, hạn chế rủi ro có thể xảy ra; NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác bảo vệ, công tác phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm an toàn tài sản, trụ sở, kho tiền, thống nhất kế hoạch thu, chi tiền mặt trong những ngày nghỉ Tết với các TCTD trên địa bàn để bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt cho hệ thống ATM;...


Khách hàng đợi rút tiền tại ATM Vietcombank (Ảnh Nguyễn Hòa)

Thế nhưng… người dân vẫn "than trời" 

Với sự chủ động đón đầu của các ngân hàng thương mại, theo ghi nhận của phóng viên tình trạng tắc nghẽn ATM trong dịp Tết Nguyên đán năm nay đã không còn xảy ra thường xuyên như các năm liền trước.

Ghi nhận tại Hà Nội, tình trạng xếp hàng vẫn diễn ra tuy nhiên điều này không làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. "Năm nào cũng vậy, do nhu cầu tăng cao nên việc xếp hàng rút tiền là chuyện bình thường. Với người dân chúng tôi sợ nhất là phải xếp hàng lâu nhưng máy lại lỗi hay hết tiền, những lúc như vậy rất mệt mỏi. Năm nay tôi chưa gặp tình trạng nghẽn ATM như vậy", anh Đào Duy Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Có những khách hàng lựa chọn rút tiền vào khoảng thời gian muộn để tránh tình trạng phải xếp hàng chờ đợi. "Năm nào cùng xếp hàng rút tiền nên năm nay đến khuya mới đi rút tiền để tránh phải xếp hàng lâu. cũng may là ATM không bị lỗi hay hết tiền", chị Hoàng Thị Tuyết (Hoài Đức, Hà Nội) nói.


ATM tạm ngừng phục vụ giữa lúc cao điểm

Tuy nhiên tại tỉnh các tỉnh thành như Thái Bình, dù không thấy ATM nào "khoác" thêm tấm biển máy đang bảo trì hay máy lỗi không giao dịch được, thế nhưng những người dân tại quê hương chị hai năm tấn vẫn không rút được tiền sắm Tết.

Theo qua sát của Dân Việt, trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, nhiều ATM trên địa bàn tỉnh Thái Bình rơi vào tình trạng "không ra tiền". Chị Lê Thị Hà (Minh Quang, Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, tranh thủ cuối tuần rút tiền sắm Tết nhưng phải vòng hơn 3km số chị mới đến được khu vực có nhiều ATM trên địa bàn. Điều đáng nói, chỉ có 1 ATM là có thể giao dịch rút tiền vì vừa được nhân viên ngân hàng tiếp quỹ, 5 ATM còn lại rơi vào tình trạng "không rút được tiền".

Tình trạng này tiếp tục kéo dài tới sáng nay 8/2 (27 Tết). Theo phản ánh của anh Nguyễn Hòa (TP. Thái Bình), có gần 10 ATM trên địa bàn nhưng, ngay từ sáng sớm, những cây ATM ở đây đa số trong tình trạng hết tiền hoặc tạm ngừng phục vụ.

"Tôi phải "bán xăng dạo" 6 đến 7 ATM nhưng 4,5 ATM báo lỗi, không nhả cho mình được lấy 10.000 đồng. Cả dòng người vào rồi lại ra trong chán nản. Ngân với chả hàng", anh Hòa bày tỏ mệt mỏi.

Trên thực tế dù các ngân hàng thương mại có chuẩn bị chu đáo đến đâu, phòng ngừa kỹ thế nào thì vẫn xảy ra tình trạng "tắc đường" ở cây ATM những ngày giáp Tết Nguyên đán. Một trong những giải pháp để giảm tải ATM dịp Tết là ưu tiên sử dụng thanh toán không tiền mặt. Các chuyên gia tài chính và các ngân hàng thương mại cũng khuyến cáo người dân nên lựa chọn các hình thức thanh toán phi tiền mặt, vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.

Huyền Anh
Theo Dân Việt //