Ngâm chân tốt cho sức khỏe nhưng nếu không chú ý điều này lại “lợi bất cập hại”
Theo chuyên gia, ngâm chân nước ấm vào mùa đông rất tốt, vừa thúc đẩy lưu thông máu, làm ấm cơ thể và ngủ ngon… nhưng nếu không chú ý điều dưới đây, việc ngâm chân lại dễ “lợi bất cập hại”.
Đại tá Lương Y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội) cho biết, lòng bàn chân là vị trí quan trọng được ví như "trái tim" thứ 2 của con người khi giữ nhiều huyệt đạo, huyệt vị quan trọng. Trong Đông Y, các huyệt đạo ở chân có mối liên hệ mật thiết với các cơ quan nội tạng trong cơ thể như gan, thận, dạ dày… Chân lạnh ảnh hưởng đến các cơ quan.
Khi chân được giữ ấm nhất là mùa đông sẽ giúp cho cơ thể phòng tránh được nguy cơ cảm lạnh, cảm cúm, phong hàn. Việc ngâm chân là một trong những biện pháp giúp kích thích các huyệt vị, tăng cường sức khỏe cho các tạng phủ trong cơ thể. Khi ngâm chân nước ấm, máu huyết được lưu thông nên có thể điều giúp điều trị một loạt triệu chứng khó chịu như đau đầu, tâm lý bất an, ngủ không ngon giấc, tinh thần uể oải… Bởi vậy mà người ta nói chỉ cần massage bàn chân là không cần xoa bóp, bấm huyệt ở khu vực khác vẫn có hiệu quả chữa bệnh nhất định.
Ngâm chân tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng tốt. Ảnh TL
Trong những ngày thời tiết lạnh, mọi người có thể ngâm chân với nước gừng tươi, củ sả, tinh dầu quế… đều rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, mặc dù ngâm chân rất tốt cho sức khỏe là vậy nhưng theo lương y Bùi Hồng Minh, mọi người cần phải chú ý những điều sau để tránh tình trạng "lợi bất cập hại":
Những người có bệnh tim mạch, huyết áp, thường xuyên choáng váng đầu thì cần hết sức lưu ý khi ngâm chân, không ngâm lâu, không dùng nước quá nóng để ngâm chân. Chú ý những người có bệnh này khi ngâm chân mà thấy mồ hôi ra nhiều thì nên dừng ngay, lau khô mồ hôi và nằm nghỉ ngơi nơi kín gió, tránh nguy cơ gây choáng.
Đặc biệt là ở người bị đái tháo đường khi ngâm không chú ý dễ bị bỏng. Không ít trường hợp bị bỏng, nhiễm trùng khi cho thêm những loại lá không rõ nguồn gốc vào. Nguyên nhân là vì những người bệnh đái tháo đường thường bị mất cảm giác ở bàn chân. Khi ngâm chân càng không được tự ý tăng độ nóng của nước theo cảm giác chân của mình mà cần phải có người thử nước trước hãy thực hiện.
"Những người trong thời gian bị bong gân, có vết thương hở ở chân thì không nên ngâm chân" – Lương y Hồng Minh cho hay.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, mọi người khi ngâm chân cần chú ý thêm đến thời điểm, nhiệt độ nước:
+ Thời điểm ngâm tốt nhất là trước khi ngủ. Mọi người nên tránh ngâm chân trước và sau khi ăn khoảng 1 giờ.
+ Nhiệt độ bước ngâm chân chừng 40 độ C. Ngâm nhiệt độ nước quá cao dễ khiến cho da bị tổn thương, bỏng. Trong thời gian ngâm, mọi người có thể cho thêm nước nóng để duy trì nhiệt độ. Nếu thấy cơ thẻ nóng lên, đổ mồ hôi nhẹ, da chân ửng đỏ là tốt nhất. Thời gian ngâm chân khoảng 20-30 phút, không nên ngâm quá lâu.
+ Chỉ ngâm chân thôi chưa đủ: Mọi người sau ngâm chân cần kết hợp mát xa các huyệt dưới lòng bàn chân, ngón chân, mu bàn chân giúp cho khí huyết lưu thông
+ Trước và sau khi ngâm chân nên uống chút nước ấm để tạo điều kiện tốt cho cơ thể được thải độc và bù nước. Sau khi ngâm, mọi người cần dùng khăn khô lau sạch chân và ủ ấm chân ngay trong những ngày lạnh giá để tránh bị lạnh.