Ngắm biệt thự xa hoa 'toàn tiền đi vay' của Phó Chủ tịch Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu
Biệt thự xa hoa của Phó Chủ tịch Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu ở Khu đô thị Phú Lộc 4, phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn. Nơi đây được mệnh danh là khu phố nhà giàu xứ Lạng.
Một góc khu đô thị Phú Lộc 4, TP Lạng Sơn. Ảnh: Báo BVPL
Chỉ vài năm trở lại đây, hàng chục tòa biệt thự cao cấp đua nhau mọc lên tại khu đô thị Phú Lộc 4, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Được hình thành từ năm 2004, sau nhiều lần chậm tiến độ, không đồng nhất về hạ tầng, dự án khu đô thị Phú Lộc 4 đang trở thành “khu phố nhà giàu” ở Lạng Sơn.
Người dân địa phương cho biết, giá đất đang giao dịch trên thị trường tại khu vực này từ 40-50 triệu đồng/m2. Đối với vị trí mặt đường rộng 37m, giá đất lên tới 80 triệu đồng/m2.
Một khu biệt thự rộng từ 450 - 500m2 được chủ đầu tư phân lô bán, tính ra, giá trị của mỗi lô đất này dao động từ 20 - 30 tỷ đồng.
Do có mức giá cao ngất ngưởng nên ở Lạng Sơn ít người đủ tiền mua. Những người chuyển đến ở khu phố này hầu hết là những đại gia có tiếng ở Lạng Sơn hoặc của quan chức.
Chẳng hạn như căn biệt thự của gia đình ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn. Theo báo Bảo vệ pháp luật, căn biệt thự có diện tích đất gần 500 m2, với thiết kế và kiến trúc được đánh giá là đẹp và xa hoa nhất khu phố này.
Căn biệt thự của gia đình ông Hồ Tiến Thiệu tại Khu đô thị Phú Lộc 4. Ảnh: Báo BVPL
Nguồn tin từ báo này cho hay, khu đất biệt thự trên do người thân trong gia đình ông Thiệu mua từ năm 2004 sau đó để lại cho gia đình ông Thiệu. Giấy phép xây dựng căn biệt thự trên do vợ ông Thiệu đứng tên.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết căn biệt thự được gia đình ông xây và hoàn thiện cuối năm 2017. Đầu năm 2018 thì gia đình chuyển đến sinh sống. Phần đất của căn biệt thự trên là gia đình ông Thiệu nhận chuyển nhượng lại của người chị gái đang ở bên Đức với giá tiền là 3 tỷ đồng, tuy nhiên số tiền này gia đình ông được bà chị gái cho nợ lại, vẫn viết giấy nợ. Việc xây dựng ngôi nhà thì do vợ, anh chị em và bố mẹ ông Thiệu đứng ra vay mượn để làm nên ông Thiệu không nắm được chi phí.
Khi được hỏi về việc căn biệt thự có giá trị theo giá thị trường vào thời điểm bây giờ lên tới hàng triệu USD đã được kê khai tài sản theo quy định hay chưa thì ông Thiệu thừa nhận: “Căn nhà trên tôi chưa kê khai tài sản bởi đợt kê khai tài sản năm 2017 thì gia đình tôi chưa có căn nhà trên, đầu năm 2018 gia đình tôi mới chuyển tới ở nên chưa kê khai, vì đợt kê khai tài sản năm 2018 thì chưa tới”.
Biệt thự được cho là của quan chức Công an Lạng Sơn tại Khu đô thị Phú Lộc
Ngoài biệt thự của gia đình ông Hồ Tiến Thiệu thì tại khu đô thị xa hoa trên còn có căn biệt thự rộng gần 1000 m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Lạng Sơn. Một biệt thự khác cũng hoành tráng không kém được cho là của một lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn.
Tiền đâu quan chức xây biệt thự, sống xa hoa?
Số liệu năm 2017, tỉnh Lạng Sơn có hơn 90 xã vùng đặc biệt khó khăn, 136 xã vùng cao, 21 xã và thị trấn biên giới. Thu nhập của đồng bào chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm gần 70% tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Lạng Sơn có 36.537 hộ nghèo chiếm 19,07% và 22.801 hộ cận nghèo chiếm 11,9% tổng số hộ toàn tỉnh.
Là địa phương miền núi khó khăn, đồng bào làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn nghèo đói nên khi nghe thông tin nhiều quan chức tỉnh Lạng Sơn đang sinh sống trong những căn biệt thự xa hoa khiến người dân tâm tư, bức xúc.
Chị Hoàng Thị Hoa, một người dân ở xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn thắc mắc: “Ở khu Phú Lộc ấy toàn nhà quan chức thôi. Không biết các ông ấy lấy đâu ra lắm tiền mà xây nhà to thế?”.
Biệt thự gia đình ông Nguyễn Thế Tuy, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn xây trên đồi thông thuộc xã Mai Pha, TP Lạng Sơn. Ảnh: Báo NNVN
Việc một bộ phận quan chức quá xa hoa, chênh lệch cách xa với đời sống của dân đang phản ánh bức tranh trái ngược trong đời sống hiện tại. Nó cho thấy, tính gương mẫu của cán bộ đảng viên không còn được như trước. Trước đây, cán bộ lãnh đạo có lối sống rất giản dị, thậm chí đa số sống trong những ngôi nhà rất đơn sơ. Nhưng nay, có một bộ phận cán bộ chỉ lo làm ăn riêng, rồi việc minh bạch tài sản làm chưa tốt, kê khai tài sản không công khai, tính tự giác của cán bộ, đảng viên trong kê khai tài sản thiếu trung thực đã dẫn đến tình trạng trên. Điều đó rất khó chấp nhận.
Theo Đại biểu Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, về bản chất con người, ai cũng thích ăn ngon mặc đẹp, thích hưởng thụ xa hoa và với cán bộ Nhà nước, có người kiểm soát được nhưng cũng có người không kiểm soát được. Người kiểm soát được là người có trình độ, nhận thức, họ biết đâu là điểm dừng. Nhưng đáng tiếc trong thực tế nhiều cán bộ lại không kiểm soát được.
Ông Vân cho rằng đó là thực trạng rất báo động mà trong Nghị quyết T.Ư những khóa gần đây đều đã cảnh báo. Việc nhiều quan chức bộc lộ việc “khoe của” không những khiến người dân bức xúc, mà ở góc độ nào đó, nó còn đi ngược lại thông điệp của Thủ tướng về việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Lương lãnh đạo mỗi tháng được bao nhiêu mà họ xây những dinh thự nguy nga, tráng lệ như thế? Nhân dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ về sự liêm chính của những quan chức đó. Và sau mỗi vụ việc không được làm sáng tỏ, minh bạch, đồng nghĩa với việc niềm tin của người dân vào cán bộ sẽ dần giảm sút.
Xem thêm: Vụ ô tô bị tàu hỏa tông nát bét ở Nghệ An: Do tài xế chủ quan?