Nam sinh tự tử vì áp lực học hành và tâm thư gửi phụ huynh ai cũng nên đọc trong đời
"Trong số các em, những người có mặt tại kỳ thi, có người sẽ là một nghệ sĩ, người không cần hiểu sâu về Toán. Có người sẽ là một doanh nhân, người không cần phải quá quan tâm đến lịch sử hay văn học Anh..."
Ngôi trường nơi em học sinh tự tự vì áp lực kỳ vọng của gia đình
Mới đây, một nam sinh lớp 10 tại trường THPT Nguyễn Khuyến, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM, đã nhảy lầu tự tử. Nguyên nhân là do em quá mệt mỏi bởi áp lực học tập, suy sụp vì không thể đáp ứng kỳ vọng của gia đình.
Trên thực tế, thành tích học tập của nam sinh này không hề thấp, trong học kỳ vừa qua điểm trung bình học tập của cậu đạt 8.9/10.
Câu chuyện này khiến nhiều người ám ảnh trong suốt những ngày qua. Bởi con cái giỏi giang là mong muốn của tất cả các bậc làm cha làm mẹ trên đời. Thậm chí có không ít người "hi sinh đời bố, củng cố đời con".
Và nếu chẳng may, con không làm được như những gì mẹ cha kỳ vọng, không ít người đem những tấm gương "cô bé chăn lợn đạt thủ khoa" hay "mẹ quét rác, con đỗ thủ khoa 3 trường" ra để dằn vặt chì chiết con mình: Mày có điều kiện học hành đàng hoàng hơn tại sao học kém?
Tôi còn nhớ mãi bức thư của hiệu trưởng trường Kolkata's Heritage School gửi các phụ huynh đầu năm học mới. Bức thư viết:
"Các bậc phụ huynh kính mến,
Kỳ thi của các em học sinh đang tới gần. Chúng tôi biết rằng các vị đều đang mong cho con mình sẽ giành được kết quả cao trong kỳ thi này.
Tuy nhiên, xin hãy nhớ rằng, trong số các em, những người có mặt tại kỳ thi, có người sẽ là một nghệ sĩ, người không cần hiểu sâu về Toán.
Có người sẽ là một doanh nhân, người không cần phải quá quan tâm đến lịch sử hay văn học Anh.
Có người sẽ là một nhạc sĩ, người mà với họ, môn Hoá học sẽ chẳng có ý nghĩa gì nhiều.
Có người sẽ là một vận động viên, người mà việc rèn luyện thể chất sẽ quan trọng hơn là môn vật lý, giống như vận động viên Schooling của chúng ta.
Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin và nhân phẩm của con.
Hãy nói với con rằng: ổn thôi mà, đó chỉ là một kỳ thi. Con được sinh ra trên đời cho những điều lớn lao nhiều hơn thế.
Hãy nói với con rằng, dù điểm số của con là bao nhiêu, cha mẹ vẫn yêu con và không hề phán xét.
Xin hãy làm như vậy, và nếu các vị thực hiện điều đó, hãy chờ xem con mình chinh phục thế giới. Một kỳ thi hay một điểm số kém sẽ không thể gạt bỏ đi những ước mơ và tài năng bên trong của các con.
Và, làm ơn đừng nghĩ rằng chỉ có kỹ sư hay bác sĩ mới là những người hạnh phúc duy nhất trên thế giới này.
Trân trọng,
Hiệu trưởng".
Tôi từng ước, tất cả mọi người đều thấu hiểu như thầy Hiệu trưởng trên. Bởi sự giỏi giang không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng phải đạt được những điểm số cao, vào trường chuyên, vào đại học, phải bằng bạn bằng bè hay làm được những việc phi thường. Và thật vô lý khi bắt một đứa trẻ phải giỏi một thứ mà nó không có khả năng đến nỗi nó phải học một cách điên cuồng, bơ phờ, mệt mỏi, không biết đến khái niệm nghỉ ngơi, thư giãn. Trời ạ, học để sống chứ đâu phải để chết đâu!
Chúng ta đang làm khổ trẻ con vì những khát vọng quá lớn của mình. Đã bao giờ các ông bố bà mẹ hỏi xem con có muốn học không? Con học để làm gì? Con muốn tương lai sau này thế nào không hay chỉ biết áp đặt suy nghĩ của mình lên chúng?
Xin đừng biến các em thành những con lật đật vô hồn không có ước mơ hoài bão mà chỉ biết máy móc làm theo những gì mẹ cha sắp đặt. Xin cho các em được sống trong những tháng năm tuổi học trò một cách trọn vẹn nhất có thể.
Xin đừng quá kỳ vọng vào các em để rồi chính những kì vọng ấy khiến cho mọi người thất vọng. Xin đừng chỉ trích các em khi các em bị điểm kém. Xin hãy hiểu rằng mỗi người chỉ có những khả năng nhất định và trẻ con không phải là thiên tài.
Có thể con bạn sẽ không được đánh giá thành đạt như “con nhà người ta” nhưng chắc chắn, con bạn đã có một cuộc sống được nhiều bạn bè thèm muốn. Bởi còn gì hơn khi được sống thật với khả năng của chính mình, không phải gồng mình để trở thành một hình mẫu mơ ước nào đó của ba mẹ.