Mỹ bất ngờ thử tên lửa THAAD đối phó, Triều Tiên có lo lắng?
Cuộc thử nghiệm được tiến hành nhằm thử nghiệm khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung – giống tên lửa Hwasong-14 mà Triều Tiên phóng thử hồi tháng trước của hệ thống tên lửa THAAD trong bầu khí quyển.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG) hôm 23/7 phát cảnh báo tới các tàu dự kiến hoạt động trong bán kính hàng nghìn km quanh khu vực đảo Kodiak, bang Alaska và quần đảo Hawaii. Theo đó, quân đội Mỹ dự kiến bắn thử Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) từ hai khu vực này, sớm nhất là ngày 28/7, Sputnik đưa tin.
Hiện Triều Tiên chưa có phản ứng trước động thái này của Mỹ. Vụ thử lần này nhằm đánh giá khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) ngay trong bầu khí quyển.
MRBM là một trong những vũ khí chủ lực của lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên hiện nay, có khả năng đe dọa nhiều căn cứ Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Việc tổ hợp THAAD thử nghiệm đánh chặn MRBM có thể coi là một đòn răn đe của Washington nhằm vào Bình Nhưỡng.
Hồi đầu tháng 7, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) tiến hành bắn thử tổ hợp THAAD từ một căn cứ ở Alaska, đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ Hawaii. "Tên lửa đầu tiên tiêu diệt mục tiêu, quả đạn thứ hai được phóng để kiểm tra quy trình vận hành THAAD", giám đốc truyền thông MDA Chris Johnson cho biết.
Mỹ sắp bắn thử tên lửa THAAD răn đe Triều Tiên. Ảnh: BQP Mỹ
Washington và Seoul nhất trí triển khai THAAD từ tháng 7 năm ngoái trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ phóng tên lửa. Mục tiêu chính của THAAD nhằm bảo vệ các binh sĩ Mỹ đóng quân tại châu Á cũng như những đồng minh trong khu vực trước mối đe dọa tiềm tàng từ tên lửa Triều Tiên.
Tuy nhiên, THAAD hiện gây tranh cãi gay gắt khi mà Nga, Trung Quốc, thậm chí không ít người dân Hàn Quốc lại kịch liệt phản đối hệ thống này, theo CBS News.
Trung Quốc đang tỏ ra vô cùng giận dữ trước động thái Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Dù gần đây liên tục phản đối việc Triều Tiên phóng tên lửa và đe dọa thử hạt nhân lần thứ 6, Bắc Kinh vẫn là đồng minh quan trọng đối với Bình Nhưỡng và là một đối thủ cạnh tranh chiến lược của Washington.
Thực tế, Trung Quốc không quá bận tâm trước việc THAAD có thể tiêu diệt tên lửa Triều Tiên. Thay vào đó, họ chủ yếu quan ngại về radar trong THAAD, chuyên gia nhận định. Hệ thống radar tối tân này mang đến cho quân đội Mỹ khả năng thu thập thông tin mạnh mẽ, theo dõi được mọi hoạt động của các trang thiết bị, khí tài quân sự bên trong Trung Quốc.
Giống Trung Quốc, Nga là một trong số ít các quốc gia bảo vệ Triều Tiên trước những phương án trừng phạt khắc nghiệt hơn từ Liên Hợp Quốc vì chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân mà Bình Nhưỡng theo đuổi.