Mỹ đã có cách đáp trả khiêu khích từ Triều Tiên mà không cần bắn hạ tên lửa
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết đã có những phương án quân sự hiệu quả nhằm đáp trả các hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Hãng thông tấn AFP hôm qua, 18/9 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, Washington đã có những phương án quân sự hiệu quả nhằm đáp trả các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng mà đảm bảo không gây tổn hại cho Seoul. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ thông tin chi tiết.
Phát biểu trước các phóng viên tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Mattis khẳng định ông và người đồng cấp Hàn Quốc đã thảo luận về khả năng đưa vũ khí hạt nhân trở lại bán đảo Triều Tiên để đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng. Trước đó, vũ khí hạt nhân của Mỹ đã rút khỏi Hàn Quốc vào đầu những năm 90, sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố chưa cần bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Ảnh: AP
Khi được hỏi vì sao Mỹ dù đã chi hàng chục tỷ USD cho các chương trình phòng thủ tên lửa trong vài thập kỉ gần đây, nhưng vẫn không đánh chặn tên lửa Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng đang chứng tỏ vũ khí nước này đang ngày càng tinh vi, Bộ trưởng Mattis trả lời Mỹ chưa cảm thấy cần thiết phải bắn hạ tên lửa Triều Tiên khi tên lửa này bay qua Nhật Bản, vì “tên lửa chưa mang đến mối đe dọa trực tiếp”.
Trước đây trong tháng, Triều Tiên thử nghiệm cái mà họ gọi là một vũ khí nhiệt hạch, có thể được đặt trên đầu một tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa có thể bắn tới lục địa Mỹ.
Quan hệ Mỹ và Triều Tiên đang rất căng thẳng. Ảnh: AP
Ngày 18/9, khoảng 12 máy bay chiến đấu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vũ trang đạn thật bay trên bán đảo Triều Tiên. Quân đội Mỹ mô tả đây là "một cuộc biểu dương lực lượng" để đáp trả việc Triều Tiên phóng tên lửa mới đây.
Lầu Năm Góc cho hay, các máy bay diễn tập khả năng tấn công bằng cách sử dụng đạn thật tại một căn cứ huấn luyện ở Hàn Quốc. Đội bay của hai quốc gia có sự tham dự của 4 máy bay phản lực chiến đấu F-2 của Nhật Bản để huấn luyện thêm về đội hình tại vùng biển Kyushu.