Mưu sinh ngày Tết: Bán vé số dạo có doanh thu tăng "đột biến"
Tết Nguyên đán, nhiều người miền Trung mưu sinh ở các tỉnh miền Tây đã về quê bằng những chuyến xe khách xuyên Việt. Song rất đông gia đình chọn ở lại để mưu sinh, nghề bán vé số dạo giúp họ tăng thêm thu nhập gần như “đột biến”.
"Ngày Tết, ai làm ăn xa nhà đều mong muốn về quê đoàn tụ gia đình, riêng vợ chồng tôi quyết định ở lại mưu sinh với nghề bán vé số dạo. Điều đáng mừng bình thường bán 200 vé, cao điểm Tết bán từ 400-500 vé, tiền lời cũng cao gấp đôi nên chúng tôi hết tháng giêng sẽ về", bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, quê huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hiện tạm trú ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chia sẻ.
Ngày Tết bán vé số dạo tăng gấp 2-3 lần ngày thường
Sáng 22/1 (mùng 1 Tết) bà Thu ăn mặc tươm tất hơn mỗi ngày. Dù tuổi lớn nhưng dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười thân thiện lúc nào cũng nở trên môi, lời mời nghe như "rót mật" nên ít ai lắc đầu từ chối mua vé số của bà Thu. Cứ như thế, người mua ít thì 1-2 tờ, có anh chơi sộp mua 10 tờ, có khi nguyên cây 140 tờ, chỉ buổi sáng là xấp vé số dày cộp 500 tờ trên tay bà Thu gần như hết sạch.
"Muốn lấy thêm bán chiều đến tối, nhưng đại lý báo không có, vợ chồng tôi đành chuyển sang đi nhặt chai nhựa, vỏ lon bia ven lộ để bán phế liệu", bà Thu nói.
Giữa năm 2019, cả nhà 4 người nhà bà Thu đều vào Nam tìm việc. Chỉ duy nhất cậu con trai xin được vô công ty làm công nhân, còn lại cả nhà chọn nghề bán vé số dạo. Theo bà Thu, gia đình 3 người ngày thường bán được khoảng 600 vé ngày lời 600.000 đồng. Sau khi trừ chi phí ăn uống, nhà trọ, điện nước hết 50%, lương của con trai còn nguyên nên mỗi tháng gia đình cũng tích lũy hơn 16.000.000 đồng.
"Người thân ở quê còn vài người, cứ 3 tháng tôi gởi về cho họ chừng 2.000.000 đồng để chi tiêu, ngoài đó làm kiếm tiền khó khăn hơn trong này", ông Nguyễn Văn Vạn (60 tuổi, chồng bà Thu) cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, quê Thanh Hóa) hàng ngày đạp xe mấy chục cây số để bán vé số dạo kiếm sống. Ảnh: Thiên Long
Còn chị Trần Thị Sánh (47 tuổi, quê huyện Tư Nghĩa, Quãng Ngãi, hiện tạm trú cùng nhóm đồng hương gần 20 người ở TP.Tân An, tỉnh Long An) ban đầu đi bán bánh tráng nướng nhưng ế, bạn ở chung nhà trọ kêu chuyển sang bán vé số dạo.
4 cái Tết chị đều ở lại cùng với đồng hương tất bật tìm đại lý để lấy thêm vé số đi bán dạo. Nhu cầu của khách thời điểm Tết Nguyên đán rất cao, có khi cầm 3 cây (420 tờ) đi qua một vòng là bán sạch. "Ở Long An gần Tết là họ mua vé số dữ lắm, hình như ai cũng mua dằn túi lấy hên nên tụi tôi tăng nguồn thu thấy rõ", chị Sánh cười nói.
Đùm bọc người tha phương
Anh Trần Văn Nhựt (40 tuổi, quê Phú Yên), tạm trú thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa (Long An) kể lại, anh từ miền Trung vào huyện Đức Hòa sinh sống hơn 12 năm với hai bàn tay trắng, đã từng đi phụ hồ, bốc vác, bảo vệ nhưng không tồn tại được bao lâu, cuối cùng đi bán vé số.
Anh Nguyễn Văn Nhựt (40 tuổi, quê Phú Yên) đi bán vé số tận các khu vực vùng sâu xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An thu hút khách bằng các câu chuyện rất có duyên. Ảnh: Thiên Long
Không ngờ anh bén duyên với nghề này, cuối năm tiền dư vài chục triệu đồng chuyển về cho vợ nuôi con ăn học. Thời gian sau, nhiều người cùng quê "hỏi thăm" công việc và rồi họ cũng vào nơi này để đi bán vé số. "Chỗ trọ của tôi giờ 30 người đều là bà con, bạn bè từ quê vào đây, sống chung đùm bọc lẫn nhau, người cũ giúp người mới làm quen công việc", anh Nhựt kể.
Trưa 23/1 (mùng 2 Tết Quý Mão) chúng tôi gặp anh khi đang bán vé số dạo tận vùng sâu sông nước xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa. Anh kể, bình thường anh ngày bán khoảng 300 tờ vé số. Cận Tết nguyên đán anh tăng số lượng lên gấp đôi khoảng 600-700 tờ đều bán hết sạch khi trời vừa xế chiều. Anh nói thêm, 10 năm nay dân làm nghề này đều ăn Tết ở nhà trọ, đến sang tháng 2 hết Tết mới tính chuyện về quê nhưng chỉ một tuần rồi lại quay vào.
Do là dân xa xứ, chính quyền cùng đại lý đặc biệt quan tâm giúp đỡ quà, tiền và thăm hỏi động viên để họ có mùa xuân vui với cộng đồng. Anh Nhựt cười tươi cho biết, Tết này đại lý tặng mỗi cá nhân 500.000 đồng, nhà trọ cho ở miễn phí nguyên năm, chính quyền địa phương thì hỗ trợ 1 phần quà (gạo, mì gói, thực phẩm) cùng tiền mặt: "Như thế cũng ấm lòng tụi tôi lắm rồi".
Theo ông Phạm Văn Khéo, Trưởng ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, dịp Tết địa phương tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, người từ nơi khác đến sống ở nhà trọ để mưu sinh gặp khó khăn đều được hỗ trợ như nhau. Năm nay ấp trao tận tay gần 200 phần quà, nhiều anh chị em là dân bán vé số ở lại đón Tết không có điều kiện về quê cũng được nhận.