Muốn trẻ sơ sinh khỏe mạnh, mẹ phải chăm sóc kỹ 4 vị trí đặc biệt này trên cơ thể

01-01-2017 18:22:06

Rất nhiều bố mẹ đã thực sự lúng túng khi bồng bế đứa con vừa chào đời còn đỏ hỏn trên tay. Họ không biết phải chăm sóc bé thế nào khi mà tất cả những bộ phận trên người bé đều mong manh.

Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thể chăm sóc bé tốt nhất nhé!

Thóp đầu

Khi chào đời, đỉnh đầu của bé có một phần xương chưa khép hoàn toàn, tạo thành một khoảng không được gọi là khớp nối. Giữa những khớp nối này tạo thành điểm trũng gọi là thóp.

Thóp giúp tạo ra một khoảng hở để não đàn hồi trong quá trình lọt lòng qua ngã âm đạo của mẹ và đồng thời trở thành một chiếc đệm bảo vệ trong tiến trình phát triển xương sọ ở các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Thóp tuy nhìn bằng mắt thường chỉ thấy một điểm trũng như nó bao gồm 2 phần thóp trước và thóp sau. Thóp sau sẽ khép lại hoàn toàn sau khi bé được 3 tháng tuổi nhưng phải đợi đến hơn 1 tuổi, thóp trước mới có thể khép lại.

Chăm sóc trẻ sơ sinh và những lưu ý mẹ cần biết

Với cách chăm sóc trẻ sơ sinh truyền thống, phần thóp trẻ được bảo vệ rất kỹ lưỡng. Theo đó, bé sơ sinh phải luôn được mang mũ trong suốt những tuần đầu kể cả vào ban đêm. Sau khi tắm, bé còn được thoa một lớp dầu có tác dụng làm ấm vùng thóp này. Tuy nhiên, bạn không cần thiết phải làm như vậy.

Nếu trời quá lạnh, bạn có thể đội thêm mũ cho bé, nhưng nếu trời nóng bức, bạn có thể không cần đội vì trên thóp đã có một lớp màng bảo vệ đủ dày. Do đó, việc tắm gội thường xuyên cho bé cũng sẽ không ảnh hưởng đến thóp đầu miễn là bạn vệ sinh đúng cách.

Cuống rốn

Cuống rốn trẻ sơ sinh là một vùng hở nên vi khuẩn rất dễ xâm nhập nếu không được vệ sinh đúng cách.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh

Chăm sóc cuống rốn trẻ cũng là một trong những phần mẹ cần quan tâm. Vì đây là một vùng hở nên vi khuẩn rất dễ xâm nhập gây nhiễm trùng cuống rốn nếu không được vệ sinh đúng cách.

Tốt nhất, nên để rốn luôn khô và tự rụng. Khi rốn bẩn có thể dùng ít nước sôi để nguội lau qua hoặc dùng nước muối sinh lý 0,9% thay thế.

Khi cần phải thay tã cho bé chú ý để phân, nước tiểu không vấy bẩn lên rốn và nên mang tã dưới phần rốn.

Tuyệt đối không dùng cồn hay bất cứ dung dịch nào thoa lên rốn để tránh nhiễm trùng. Luôn quan sát màu sắc rốn, nếu có bất thưởng sưng đỏ, chảy mũ, nổi chồi hạt phải báo ngay cho bác sĩ.

Mẹo chăm sóc trẻ sơ sinh đơn giản

Bã nhờn da đầu

Phần bã nhờn tích tụ lại trên da đầu của trẻ sơ sinh thường được dân gian gọi là “cứt trâu”. Hầu hết các trường hợp đều không gây nguy hại gì đến sức khỏe nhưng nó sẽ ảnh hưởng về thẩm mỹ và gây bất tiện cho việc tắm gội.

Để làm sạch lớp "cứt trâu" này, mẹ cần thoa một lớp dầu oliu lên da đầu bé vào đêm hôm trước. Hôm sau, mẹ bắt đầu tắm gội cho bé, lớp bã nhờn kết dính này sẽ bong tróc ra khi dùng một chiếc khăn xô mềm lau nhẹ.

Sau khi tắm rửa xong, bạn dùng một khăn khô vỗ nhẹ lên đầu trẻ, các vụn bã nhờn sẽ rơi xuống và da đầu sẽ sạch hơn. Bạn cứ làm nhẹ nhàng như thế cho đến khi bé khỏi. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua những dung dịch làm mềm cứt trâu để làm bong tróc những mảng bám bẩn này.

Chăm sóc kỹ 4 vị trí đặc biệt này trên cơ thể trẻ

Hậu môn và bộ phận sinh dục

Tại vùng kín và hậu môn của trẻ do liên tục tiếp xúc với phân và nước tiểu từ tã nên rất dễ bị hăm lở nhất là vào mùa hè. Vì thế, hãy thường xuyên thay tã cho bé sau khoảng 2 lần bé tè và thay ngay khi bé đi tiêu.

Nếu điều kiện cho phép, bạn có thể để bé mặc mỗi tã vải để vùng này luôn được khô thoáng. Sau mỗi lần vệ sinh, nên để da khô một lúc trước khi mặc tã để tránh ẩm ướt sinh ra hăm lở.

Ngoài 4 bộ phận này ra, bạn cũng cần chú ý chăm sóc cho làn da toàn thân của bé bởi độ nhạy cảm của nó có thể dẫn đến những bệnh ngoài da nghiêm trọng có thể dẫn đến bội nhiễm.

Clip: Điều chú ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà

L.H (T/h)
Theo Đời sống Plus //