Mưa lũ khiến 60 người chết, mất tích và bị thương

23-07-2018 14:50:08

Theo báo cáo nhanh ngày 23/7 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 7h00 ngày 23/7, mưa lũ đã làm 60 người bị chết, mất tích và bị thương.


Yên Bái khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ảnh VOV

Do ảnh hưởng của bão số 3, trong những ngày vừa qua tại nhiều tỉnh phía Bắc đã xuất hiện mưa lớn gây lũ lụt như Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An... Yên Bái là địa phương thiệt hại nặng nề về người, với 11 người chết, 6 người mất tích và 18 người bị thương.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng, tính đến ngày 22/7 có 217 ngôi nhà bị sập, 9.591 ngôi nhà bị ngập, 5.549 nhà bị hư hỏng hoặc phải di dời khẩn cấp tại nhiều tỉnh như: Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Mưa lũ cũng cuốn trôi 1.313 con gia súc và 27.649 con gia cầm, ảnh hưởng 5.415ha nuôi trồng thủy sản tại các địa phương có mưa lũ.


Người dân Yên Bái đang cố gắng khắc phục hậu quả sau khi mưa lũ càn quét. Ảnh VOV

Yên Bái có trên 3.870 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có gần 300 nhà bị sập trôi hoàn toàn; trên 2.000 ha lúa, hoa màu bị mất trắng; hàng loạt tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc… ước thiệt hại về kinh tế khoảng 200 tỷ đồng.

Tại tâm điểm lũ Yên Bái, ngày 22/7, nước lũ sông Hồng đã rút, không còn mưa, một số khu vực bị ngập lụt nước đã rút, công tác khắc phục hậu quả được đẩy nhanh. TP Yên Bái phải huy động trên 3.000 người dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường. Trong đó, lực lượng công an, bộ đội và cán bộ, công chức, các ban ngành đoàn thể của thành phố là 700 người, còn lại là lực lượng tại chỗ của các địa phương, đơn vị đứng chân trên địa bàn.

Một số nơi còn úng ngập như tại phường Hồng Hà, TP Yên Bái đã huy động 3 xe cứu hỏa, 2 máy bơm công suất lớn, 2 máy xúc lật, 4 ô tô, 70 máy xúc bùn để tăng cường các địa phương còn ngập nặng. Sáng 22/7, Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cũng triệu tập cuộc họp khẩn, thành lập 5 tổ công tác để triển khai phương án phục hồi sản xuất, tái thiết sau mưa lũ.

Trả lời với Báo Thanh Niên, ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, cho biết, các cơ quan chức năng, lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận được các khu vực bị cô lập tại các xã Nậm Mười, Sùng Đô và An Lương (huyện Văn Chấn). Đường ô tô bị lũ cuốn vẫn đang tiếp tục được san bạt, đắp lại đường với mục tiêu trong hôm nay 23/7 sẽ đưa được phương tiện cơ giới vào, đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to từ ngày 13-17/7. Sau đó cơn bão số 3 (Sơn Tinh) độ bộ trực tiếp, tỉnh Nghệ An lại có mưa to đến rất to trong 2 ngày 18 và 19/7.

Mưa lớn khiến nước lũ dâng cao làm cho 28.388,4 ha lúa và 7.571,3 ha ngô, rau màu bị ngập; 1.707,3 ha cây trồng hàng năm và 3.241 ha diện tích thủy sản bị ngập, ảnh hưởng; 166ha rùng bị gãy đổ; 16 lồng bè nuôi cá bị cuốn trôi; 44 con gia súc và hơn 7.000 con gia cầm bị chết.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính đến hết ngày 21/7, trên địa bàn có 1 người bị thương, 300 nhà dân đang bị ngập, 17 nhà dân phải di dời khẩn cấp, gần 150 nhà bị sập, cuốn trôi, sạt lở. Có 14 điểm trường bị ảnh hưởng, đặc biệt 5 phòng Ký túc xá của trường Tiểu học Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) bị nước lũ đánh sập, sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến các phòng học khác.

Thanh Hóa, Phú Thọ cũng là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề do trận lũ vừa qua. Hiện tại, lãnh đạo và người dân 2 tỉnh này vẫn đang chạy đua với thời gian, khắc phục hậu quả do trận lũ lớn để lại, sớm ổn định đời sống.


Đoàn thanh niên xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An khẩn trương sửa đường giao thông sau lũ. Ảnh Báo Tài Nguyên & Môi Trường

Thực hiện Công điện số số 931/CĐ-TTg ngày 20/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, để tập trung khắc phục nhanh hậu quả và chủ động ứng phó với bão và mưa lũ trong thời gian tới, hiện tại các địa phương đang tập trung huy động nhân dân ra đồng chăm sóc, khắc phục những diện tích cây trồng bị ngã đổ, khơi thông dòng chảy tiêu thoát nhanh nước nội đồng, chuẩn bị đủ nguồn giống, phân bón để tổ chức sản xuất lại vụ Đông.


Xem thêm: Những hình ảnh đau thắt lòng lũ quét ở Hà Giang

Mai Hương
Theo Đời sống Plus/GĐVN //