Mùa đông, sử dụng bỉm cho trẻ như thế nào để không bị tổn thương da?
Vào mùa đông, nhiều mẹ thường sử dụng bỉm liên tục cho bé. Tuy nhiên nhiều người lại không biết cách sử dụng bỉm để trẻ không bị tổn thương da.
Vào mùa đông, nhiều mẹ thường sử dụng bỉm liên tục cho bé (Ảnh minh họa)
Mùa đông, vì tâm lý sợ bé nhiễm lạnh, phải giặt giũ thường xuyên, nhiều mẹ thường đóng bỉm cho con cả lúc chơi lẫn khi đi ngủ. Nhiều người cho rằng bỉm có thể giúp mẹ rảnh tay, giữ ấm cho bé mỗi khi tè dầm.
Tuy nhiên, làn da của trẻ vốn nhạy cảm, dễ kích ứng và tổn thương, chính vì vậy nhiều người không khỏi băn khoăn trước câu hỏi sử dụng bỉm cho trẻ thế nào để không bị tổn thương da vào mùa đông?
Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, dùng bỉm cả ngày sẽ khiến làn da bé bí bức, khó chịu. Vùng da đóng bỉm suốt cả ngày rất dễ bị hăm, nổi mụn, bị loét.
Bên cạnh đó, nếu trẻ phải đóng bỉm cả ngày và không được thay rửa thường xuyên, bộ phận sinh dục của bé, nhất là các bé gái sẽ bị nước tiểu và cặn phân tích tụ gây viêm nhiễm tại chỗ hoặc viêm ngược dòng lên đường tiết niệu, khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu.
Để tránh gây hại cho con, các bác sĩ khuyến cáo, trong mùa đông lạnh, bố mẹ nên tuân thủ một số lưu ý sau:
- Cho bé mang tã, bỉm vừa với cơ thể và nên rộng rãi, thoải mái một chút. Tã lót nên chọn loại có nguồn gốc xuất xử rõ ràng, thoáng khí, mềm mại, không kích ứng và là các sản phẩm có nguồn gốc, uy tín.
- Thay bỉm cho trẻ từ 3-4 tiếng một lần nếu bé chỉ tiểu tiện và phải thay bỉm ngay khi bé đi đại tiện.
- Khi thay bỉm cho con trong mùa lạnh, bố mẹ lưu ý thao tác nhanh, lau sạch bằng nước ấm và thấm khô bằng khăn sạch trước khi đóng bỉm mới.
- Ban ngày nên để bé “thả rông” ít nhất 1 tiếng để da bé khô thoáng.
- Chỉ nên cho trẻ dưới 2 tuổi dùng bỉm. Khi bé đã lớn, nên tập “xi” và dạy bé gọi cha mẹ nếu có nhu cầu đi vệ sinh.
- Không sử dụng xà phòng, các sản phẩm vệ sinh có cồn hoặc mùi thơm để thay rửa cho bé, những chất này có thể làm các triệu chứng hăm tã trầm trọng hơn.
- Theo kinh nhiệm dân gian, mẹ cũng có thể tắm hoặc rửa cho bé bằng lá trầu không hoặc lá chè xanh để hạn chế việc bé bị hăm tã.
- Nếu trẻ có dấu hiệu hăm tã, không nên tự tiện điều trị bằng thuốc mỡ hay phấn rôm vì sẽ làm lỗ chân lông bị bít lại, không thoát mồ hôi và làm tình trạng viêm nặng hơn. Cho bé đi khám bác sĩ nếu bạn thấy tình trạng hăm tã của bé nặng lên và bé có vẻ rất khó chịu.
Xem thêm video: Bác sĩ đông y chia sẻ bài thuốc giúp trẻ suy dinh dưỡng tăng cân