Mua cồn y tế về pha thành rượu uống, người đàn ông chết oan vì ngộ độc methanol
Nạn nhân ngộ độc methanol được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, tổn thương não, sốc, toan chuyển hóa nặng và tử vong sau 4 ngày.
Tử vong vì dùng cồn y tế pha rượu
Mới đây, ở Hà Nội đã xảy ra một trường hợp tử vong do ngộ độc methanol. Theo đó vào cuối tháng 6, bệnh nhân H. (45 tuổi, ngụ ở Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội) được người nhà đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, tổn thương não, sốc, toan chuyển hóa nặng.
Mẫu chai cồn bệnh nhân tử vong vì ngộ độc methanol đã dùng để pha thành rượu uống. Ảnh Zing News
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ methanol là 321,7 6mg/dL (cao gấp 16 lần mức cho phép). Mặc dù được điều trị tích cực, bệnh nhân H. đã tử vong sau 4 ngày nhập viện. Theo lời gia đình, ông H. vốn nghiện rượu nặng và đã mua cồn y tế về để pha thành rượu uống.
Loại cồn y tế bệnh nhân đã sử dụng là “Dai Loi”, cồn 90 độ, ethanol, chai 500 ml, do Công ty Cổ phần quốc tế Đại lợi, SĐK: HN-0238/2007/CBTC-TĐC. Tuy nhiên xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn của bệnh nhân đã dùng cho kết quả: Nồng độ methanol là 88%, không tìm thấy ethanol.
Đáng nói, bệnh nhân H. chỉ là một trong nhiều nạn nhân bị ngộ độc methanol trong thời gian gần đây. Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian qua tình hình ngộ độc methanol có xu hướng gia tăng.
Ngoài những trường hợp nhập viện vì uống rượu không rõ nguồn gốc, một số bệnh nhân còn ngộ độc methanol do uống cồn y tế. Đó là những người nghiện rượu hoặc hiểu nhầm cồn y tế an toàn giống như trường hợp của bệnh nhân H. nói trên.
Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã ghi nhận 4 trường hợp ngộ độc methanol do uống cồn y tế. Trong đó, 1 bệnh nhân nặng đã tử vong, 1 người để lại di chứng trên não, 2 trường hợp hồi phục.
Số ca bị ngộ độc methanol đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa
Triệu chứng ngộ độc methanol
- Trong vòng khoảng 1 tiếng sau khi uống, bệnh nhân bị nôn mửa, đau dạ dày tương tự với triệu chứng say rượu.
- Thần kinh: Lúc đầu bệnh nhân thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, bồn chồn, sau đó bị hôn mê, co giật.
- Mắt: Lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,...). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc.
Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc methanol nặng và tiên lượng xấu. Khi ngộ độc methanol có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu não...
Cách xử trí khi bị ngộ độc methanol
Khi bệnh nhân bị ngộ độc methanol, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Nếu bệnh nhân không tỉnh hoặc tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... cần phải đưa tới bệnh viện khám.
Phòng tránh ngộ độc methanol: Không mua và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không nhãn mác. Không uống rượu tự pha chế, ngâm lá, rễ khi không biết rõ về độc tính của nó.