Một người ho đêm cả nhà khổ sở, làm sao chấm dứt?

07-01-2020 07:30:42

Sắp chìm vào giấc ngủ, hoặc nửa đêm về sáng nhiều người bị ho. Đầu tiên chỉ khúc khắc vài tiếng, nhưng không kịp thời xử lý sẽ ho thành cơn dai dẳng rất khó chịu.

Nguyên nhân gây ho đêm

Thời tiết đang làm gia tăng chứng ho, nhất là người già đã đi khám và uống thuốc nhưng vẫn ho dai dẳng, sặc sụa... nếu không trị ho đúng cách để cắt cơn ho thì cả nhà sẽ mất ngủ. Người ho thì suy nhược cơ thể, người xung quanh thì mệt mỏi vì không được nghỉ ngơi đầy đủ, đúng cách.


Rất nhiều người già cứ sắp chìm vào giấc ngủ lại bị đánh thức bởi cơn ho. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân gây ho về đêm, ho lúc gần sáng là do thay đổi thời tiết, nhiệt độ xuống quá thấp gây ho. Hoặc do cơ thể nhiễm lạnh, bị cảm lạnh… Có vài nguyên nhân khác do suy giảm hệ miễn dịch, hệ hô hấp bị vi khuẩn xâm nhập gây nên tình trạng viêm phế quản hay các bệnh về đường hô hấp. Người già và trẻ em rất hay bị ho đêm là do hệ miễn dịch yếu, sức đề kháng với vi rút và vi khuẩn giảm.

Dấu hiệu ho về đêm có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh hen suyễn, viêm xoang (bị tắc, bị ngạt mũi khiến người bệnh ngủ hay phải thở bằng miệng làm khô rát họng gây ho). Trào ngược axit cũng gây ho.


Người già không nên tự uống thuốc khi mắc chứng ho đêm. Ảnh minh họa.

Một số cách trị ho đêm dễ làm

Ths. BS Trần Thuấn (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, trong dân gian có nhiều cách trị ho đêm rất hiệu quả, tùy vùng, tùy nguyên liệu sẵn có của mỗi nhà mà chọn cách trị ho đêm cho người già.

1. Dầu gió: Xoa dầu gió vào lòng bàn chân trước khi ngủ rồi đi tất vào sẽ làm ấm cơ thể, giảm ho nhanh.

2. Ngủ đúng tư thế: Nằm nghiêng một bên, gối cao đầu từ 15 – 20cm để chất nhầy không trào ngược, giúp hô hấp thông thoáng, ngăn ngừa kích ứng cổ họng để tránh ho đêm.

3. Ngừa ho bằng cách ngăn trào ngược dạ dày thực quản: Rèn thói quen ăn tối sớm với khẩu phần ít (ăn ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ), tránh các loại đồ ăn dễ gây trào ngược dạ dày (hạn chế ăn đồ cay nóng, quá lạnh, hay nhiều dầu mỡ) để ngừa cơn ho đêm.

4. Dùng điều hòa, máy sưởi cần thêm máy lọc không khí: Cần dùng thêm máy tạo độ ẩm không khí, đặt thêm chậu nước nhỏ trong phòng. Hoặc trồng cây hương thảo, lan như ý, oải hương, húng quế, bạc hà, bạc hà cay… trong nhà để lọc không khí, cân bằng độ ẩm, chống nấm mốc.

5. Uống nước mật ong ấm: Trước khi đi ngủ 30 phút pha 2 thìa cà phê mật ong với nước ấm pha thêm nước cốt chanh – sẽ giảm bớt cơn ho. Người già có thể uống tách trà nóng pha với nước cốt chanh và mật ong vào mỗi chiều để làm sạch họng.

Hoặc dùng quất và mật ong hấp lên để ngậm giúp trị ho.

6. Ngậm ô mai: Để hạn chế ho khan sẽ kích thích tăng tiết nước bọt, giúp cổ họng bớt khô, làm dịu lớp niêm mạc hiệu quả.

7. Súc miệng nước muối: Lấy 1/2 thìa muối, 1 cốc nước ấm. Trước khi đi ngủ hòa ít muối với một cốc nước ấm, súc miệng giúp sát khuẩn vòm họng, hạn chế ho đêm.

8. Chữa ho bằng giá đỗ: Đun sôi 200ml nước, và cho 200 gram giá đỗ vào luộc sơ khoảng 3 – 5 phút, dùng uống hàng ngày để ngừa ho đêm.

9. Chữa ho đêm bằng gừng: Gừng gọt vỏ, rửa sạch và cắt lát mỏng rồi trộn với hạt hạnh đào, rồi nhai nuốt hỗn hợp từ từ để các tinh chất ngấm vào cổ họng. Làm 2 lần vào buổi sáng và tối rất hiệu quả trị ho khan, dịu vòm họng hiệu quả.


Cần đi khám sớm để xác định nguyên nhân gây ho đêm. Ảnh minh họa.

10. Chữa ho về đêm bằng vỏ bưởi: Rửa sạch 10 gram vỏ bưởi tươi, để ráo nước. Cho vỏ bưởi với chút đường phèn vào bát và hấp 20 phút. Uống nước hấp vỏ bưởi - đường phèn mỗi ngày chứng ho về đêm sẽ được cải thiện.

11. Chữa ho đêm bằng lá bạc hà: Lấy 15 lá bạc hà rửa sạch và ngâm nước muối loãng để diệt khuẩn, cho vào máy xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Thêm đường phèn vào nước bạc hà rồi chưng cách thủy khoảng 15 phút. Kiên trì uống hỗn hợp này giúp giảm ho khan về đêm.

Nếu ho nhiều ngày và kèm theo các triệu chứng bất thường cần đến bệnh viện để được kê đơn chữa bệnh. Tăng cường hệ miễn dịch, giữ ấm cơ thể, chế độ ăn giàu dinh dưỡng và vitamin, đặc biệt là vitamin C.

Các bác sĩ khuyên người dân những ngày lạnh nên để phòng sẵn trong nhà 2 chai thuốc ho trong nhà để dùng ngay khi chớm ho (thuốc ho dị ứng Theralene, Bổ phế, thuốc ngậm ho...) để  kịp thời trị ho đêm khi trời lạnh, không để tiến triển nặng thành bệnh khác.

Nếu ho đêm do nhiễm lạnh, cảm lạnh thì cần chú ý nghỉ ngơi, ăn những món tốt như súp gà, uống nhiều nước ấm.

Cần điều trị sớm chứng ho đêm để không diễn tiến thành các bệnh đường hô hấp khác. Ho đêm hơn 3-5 ngày, kèm các triệu chứng bất thường khác (như sổ mũi, ho sâu, khó thở, đau bụng...), hoặc ho kèm nhiễm khuẩn (như ho có đờm xanh, vàng…) thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và chữa trị đúng, hoặc dùng thuốc kháng sinh theo y lệnh mới hiệu quả. Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của thầy thuốc vì ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, hoặc không khỏi bệnh. 

Ngọc Hà
Theo Gia đình&Xã hội //