Một đêm bới rác tìm thấy cả chục hài nhi và những ám ảnh rợn người sau phòng khám sản
Trong phòng Tuấn (một thành viên của “biệt đội”) có chiếc tủ lạnh nhỏ dành để bảo quản thi thể hài nhi. Mỗi tuần tìm được 300 - 400 em nên chiếc tủ ấy nhiều khi quá tải.
Những cuộc tình chóng vánh
Trước tiên, người viết bài này muốn nói tới "mùa phá thai" của các nữ công nhân. Có lẽ như nhiều người đã biết, quanh các khu công nghiệp nơi có nhiều nữ công nhân sinh sống, ngoài những quán ăn, nhà hàng, các quầy tạp hóa bu quanh thì còn có sự hiện diện của nhiều phòng… khám thai, sản.
Sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, các nữ công nhân dễ chấp nhận cuộc sống… góp gạo thổi cơm chung. Và, những cuộc tình có khi vội vàng ấy thường để lại những cái kết đắng chát. Khi "căn phòng hạnh phúc" ngày nào chỉ còn lại nỗi lo lắng, hoang mang bởi giọt máu từ mối tình tạm bợ đang lớn lên từng giờ, phần thiệt thòi bao giờ cũng dành cho những nữ công nhân nhẹ dạ.
Sau khi bị bứt khỏi bụng mẹ, các hài nhi được cho vào túi bóng và vứt lẫn với rác bẩn
Đến phòng nạo phá thai, đó dường như là cách giải quyết duy nhất cho những mối tình theo kiểu "anh muốn sống bên em tạm thời" ấy. Cô nào may mắn thì có "người yêu" đưa đi giải quyết "khối hận tình", còn những người hẩm hiu thì vò võ một mình bởi khi biết đối phương có "tin mừng", người tình đã vội quất ngựa truy phong, một đi không trở lại.
Đến nghĩa trang hài nhi ở Đồi Cốc (Sóc Sơn, Hà Nội), nơi an nghỉ của cả trăm ngàn hài nhi xấu số và đa phần là “sản phẩm” của các nữ công nhân quanh khu vực như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh,… người viết bài vô tình biết được việc làm quá đỗi khó tin ấy là của một nhóm bạn trẻ tuổi đời chỉ trên dưới 20.
Những người trẻ tuổi ấy, dù đời đang phơi phới, dù phải đối diện với cuộc mưu sinh vất vả nhưng vẫn từng đêm lọ mọ khắp nơi để bới lật từng cọng rác hòng săn tìm thứ mà mình nâng niu hơn báu vật, ấy là thi thể của những hài nhi xấu số.
Tuy đã được sự giới thiệu trước của các bác đang làm thiện nguyện ở nghĩa trang Đồi Cốc nhưng phải khó khăn lắm, chúng tôi mới liên lạc được với "biệt săn tìm thi thể hài nhi" bí ẩn này. Dù đã nhiều lần liên lạc với trưởng nhóm tên Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu) nhưng thanh niên này vẫn rất e dè, cảnh giác. Tuấn bảo, việc nhóm mình làm là từ tâm, thêm nữa lại hơi nhạy cảm nên chẳng muốn để lộ ra ngoài.
Các thành viên trong nhóm Tuấn lên đường tìm kiếm những hài xấu số
Tuy nhiên sau một thời gian “bị” người viết bài đeo bám, thuyết phục và quan trọng là đôi bên đã hiểu nhau hơn, Tuấn cũng đồng ý cho chúng tôi một cái hẹn ở ngay tại đại bản doanh của mình.
Một buổi bới rác tìm được mấy chục thi thể hài nhi vắn số
Nơi nhóm của Tuấn đang tá túc là một căn nhà cấp bốn cũ kỹ rộng 3 gian ở ven thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh). Ngôi nhà đơn sơ này cũng của một thanh niên có tấm lòng Bồ Tát, vì cảm kích trước việc làm của Tuấn và bạn bè nên đã mời mọi người về ở.
Hôm chúng tôi đến, mọi người có mặt ở nhà khá đông đủ. Toàn trai xinh gái đẹp, trẻ trung phơi phới.
Nhóm của Tuấn có tên “Bảo vệ sự sống”, các thành viên tham gia hoàn toàn dựa trên tinh thần thiện nguyện. Tuổi chừng 26, 27 nhưng Tuấn đã có thâm niên cả chục năm với "nghề ăn trộm" hài nhi.
"Gọi trộm là đúng nhất vì chúng em toàn phải đi vào ban đêm, tránh để mọi người biết. Nhiều trường hợp phải canh, rình người ta vứt đi thì nhóm mới đưa được các em về", Tuấn hé lộ về công việc đặc biệt của bản thân và các bạn trong nhóm.
Tuấn kể, Tuấn đến với công việc này theo một cách rất tình cờ như có duyên, có nợ. Chục năm trước, khi còn ở quê nhà Nghệ An, một trưa đi học về ngang qua bãi rác của thị trấn, cậu thấy mấy con chó đang lao vào cắn xé nhau ỏm tỏi như thể đang tranh giành mồi ngon nên đã dừng lại xem.
Và, khi thấy “miếng mồi” mà bầy chó đang giành giật nhau mang hình hài của một em bé, Tuấn đã vô cùng kinh hãi. "Lúc đầu em cứ tưởng bầy chó giành nhau con búp bê cơ, nhưng nghĩ búp bê thì chúng không điên cuồng đến thế", Tuấn nhớ lại.
Lại gần, thấy thứ mấy con vật phàm ăn đang cắn xé bị ruồi nhặng bu quanh, lem luốc máu, Tuấn như rụng rời tay chân. Cậu hoảng sợ quay đầu chạy, nhưng được vài bước thì chợt khựng lại. "Đứa bé ấy cũng là người, không thể để súc vật ăn thịt, cắn xé được", nghĩ thế, Tuấn quên sợ và vội quay lại dùng gậy đuổi đám chó đi.
Đôi khi, Tuấn và nhóm còn tìm được cả những hài nhi đã đủ hình hài
Trong lúc tìm một chiếc hộp sạch sẽ để gói gém hài nhi không còn lành lặn ấy, Tuấn lại phát hiện ra vô số những bọc ni lon khác mà trong đó là những "cục thịt hình người". Khi ấy, Tuấn mới giật mình nhớ ra rằng, quê mình mấy năm gần đây có sự hiện diện của nhiều nhà máy, xí nghiệp. Công nhân tứ xứ đổ về và có thể họ chính… là cha, là mẹ của những hài nhi đang bị vùi mình trong rác.
Tuấn nhớ lại, trưa hôm ấy, khi đưa tất cả những bọc, những hộp khả nghi từ bãi rác về nhà, Tuấn đã phân loại được cả thảy 67 hài nhi. Cái thì rõ hình người, cái thì chỉ là cục máu. Nói đến chuyện phải đưa thứ mà người ta đã dứt lòng bỏ đi về nhà mình, Tuấn bảo khi ấy cậu chẳng biết tính sao nên cứ đánh liều mà làm thôi.
"Thấy em về muộn lại tha lôi theo "các em ấy", bố mẹ em đã suýt chết ngất đấy. Sau rồi nghe em nói chuyện, hiểu em nên bố mẹ đã đồng ý để em an táng "các em ấy" ở mảnh vườn sau nhà", Tuấn kể.
Trắng đêm đi trộm… hài nhi
Thời gian sau, dù đã lên Vinh học nhưng những hài nhi tìm thấy ở bãi rác ngày nào vẫn ám ảnh Tuấn. Vậy là sau giờ lên lớp, Tuấn lại lang thang ở những bãi rác quanh thành phố để kiếm tìm những đứa bé chưa kịp cất tiếng chào đời đã bị đời nghiệt ngã bỏ rơi. Vì đã có “kinh nghiệm”, Tuấn cứ lần tìm những sinh linh xấu số đó ở thùng rác, bãi rác quanh những phòng khám thai sản.
"Cứ thấy những túi đen người ta buộc kín là rình nhặt thôi, trong đó thể nào chả có các em vừa bị mẹ đẻ dứt ra", Tuấn buồn bã nhớ lại.
Duyên nợ với các hài nhi xấu số lại lẽo đẽo cùng Tuấn khi cậu ra trường và đi làm, theo công ty ra Hà Nội, rồi về Bắc Ninh. Thấy việc làm ý nghĩa của Tuấn, nhiều bạn trẻ có tấm lòng nhân từ đã rủ nhau cùng góp sức. Nhóm “Bảo vệ sự sống” của Tuấn ra đời từ đó, nhờ sự cộng hưởng của những tấm lòng, những giọt nước mắt xót đau vì đồng loại. Tuấn cho biết, để các bạn trong nhóm hiểu và theo mình là cả một câu chuyện dài.
"Nhiều bạn mới đầu còn hiểu lầm em, nghĩ em đang làm việc xấu, trộm thi thể hài nhi về làm những việc mờ ám nọ kia. Có bạn còn theo rình em nhưng khi hiểu ra thì họ rất cảm kích, quên luôn cả nỗi sợ hãi mà lao vào giúp em", Tuấn xúc động kể.
Không chỉ có các bạn nam, nhóm của Tuấn còn có cả những thành viên nữ và họ luôn giữ vai trò mũi nhọn. Những thành viên này đảm trách toàn phần việc đến gõ cửa, vận động những phòng khám thai sản hợp tác với mình.
Thoạt đầu ai cũng nghĩ phần việc này quá đơn giản nhưng thực tế thì không phải vậy. Phần lớn các phòng khám sản đều làm dịch vụ phá thai chui nên chẳng ai dại gì vạch áo cho người xem lưng. Thế nên, cứ sau ca hút, nạo là họ ném luôn "phế phẩm" đó chung với vô số rác thải y tế bẩn thỉu, độc hại.
Đến vận động để những phòng khám đó chịu hợp tác là cả một hành trình đầy sự kiên trì, nhẫn nại. "Họ chỉ cho mình chỗ vứt các em cũng là tốt lắm rồi", Tuấn chia sẻ. Với những phòng khám hợp tác thì nhóm của Tuấn chỉ việc cắt cử người đến "lấy hàng" theo thời gian quy định.
Còn với những phòng khám đã nhiều lần đến vận động không thành, nhóm của Tuấn đành dùng cách… đạo chích. Nghĩa là, cứ theo thời gian quy định, nhóm cử người trinh sát, lượn lờ quanh phòng khám đó để theo dõi xem họ vứt rác ở đâu. Và, khi nhân viên phòng khám vừa quay gót thì thành viên của nhóm ập đến ôm luôn bọc rác đó về.
Sau mỗi đêm đi lượm nhặt, Tuấn và những thành viên trong nhóm lại kỳ công phân loại, vệ sinh cho những sinh linh vắn số
Nhóm của Tuấn thường làm việc vào đêm muộn bởi khi ấy, "rác" từ phòng khám mới được quẳng ra. Các thành viên trong nhóm lắm khi phải phóng xe lòng vòng vài chục cây số khắp mấy khu công nghiệp, khi về đến nhà trọ thì có hôm gà đã gáy sáng. Về nhà, mọi người lại xúm xít lần giở những "chiến lợi phẩm" mà mình thu được.
"Chúng em phải loại bỏ rác bẩn, vệ sinh cho các em nữa", Tuấn kể phần việc nhóm phải làm sau mỗi đêm "đạo chích". Vệ sinh sạch sẽ xong, mọi người đặt tạm các em vào trong tủ lạnh và đến cuối tuần, khi tủ đầy thì đưa về nghĩa trang Đồi Cốc (Sóc Sơn, Hà Nội) an táng.
Các thành viên trong nhóm tổ chức khâm liệm cho những "em bé" vô tội
"Nhiều khi đưa các em về, giở túi ra thấy những hình ảnh quá thương tâm nên chúng em chẳng thể chợp mắt được nữa, thức đến sáng luôn", Tuấn kể. Và đúng như lời cậu trai này, việc giở túi chứa thi thể hài nhi luôn khiến các thành viên trong nhóm thót tim đau đớn.
"Hôm nào cũng có những cảnh tượng thương tâm. Khi thì là những hài nhi đã đầy đủ hình hài, chỉ ít ngày nữa là chào đời như mọi em bé khác trên đời. Khi lại là những em bé bị vằm nát mặt mũi, chân tay. Chúng em dù có quen đến đâu cũng vẫn thấy rờn rợn, vẫn bị ám ảnh", Tuấn chia sẻ.
Chu kỳ đau đớn
Tuấn cho biết, cứ đến những ngày cuối tháng, công việc săn tìm hài nhi trong các khu công nghiệp của nhóm lại nhiều hơn gấp bội bởi lượng hài nhi người ta… “thải ra” lớn hơn. Lý giải hiện tượng này, Tuấn cho hay, đa phần công nhân cuộc sống còn nhiều khó khăn, muốn bỏ “khối hận tình" đang lớn dần trong bụng thì cũng phải đợi đến kỳ lương mới có tiền đi giải quyết.
Chiếc tủ lạnh Tuấn và nhóm dùng để bảo quản thi thể các hài nhi
Được biết, trong phòng Tuấn ở có một chiếc tủ lạnh nhỏ. Tủ ấy dành để bảo quản thi thể các hài nhi vắn số. Mỗi tuần, trung bình nhóm tìm được 300 - 400 em nên chiếc tủ ấy nhiều khi quá tải. Thường thì nhóm đưa các em về nghĩa trang vào ngày cuối tuần, nhưng cũng có trường hợp phải đưa hài nhi đi ngay vì tủ không còn chỗ chứa, hoặc đau đớn nhất là bởi tìm được hài nhi lớn… quá khổ vì đã sắp đến ngày sinh.
Những hài nhi xấu số được đưa về nghĩa trang Đồi Cốc
Ăn, ngủ với hài nhi vắn số nên Tuấn bảo, nhiều khi vì các em mà công việc của Tuấn gặp trắc trở. Tuy nhiên, khó khăn, trắc trở đó chẳng khiến Tuấn đau đầu.
"Em cứ nghĩ các em cũng là con người, cũng là một sinh linh hoàn thiện. Các em không có quyền được sống thì cũng phải được chết một cách tử tế nhất có thể. Nghĩ các em phải vùi mình trong rác bẩn là em không thể yên lòng, tập trung làm việc khác được", khi chia tay, Tuấn đã nói với tôi như vậy.
(Còn nữa)