Men gan tăng cao: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

18-11-2020 14:00:40

Men gan cao do rất nhiều nguyên nhân gây nên và không thể xem thường. Ngay khi phát hiện bất thường của cơ thể, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

Nguyên nhân men gan tăng cao

Sự thay đổi về thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống dẫn đến rất nhiều yếu tố có thể làm men gan tăng cao. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến của căn bệnh này:

Ảnh minh họa

- Chế độ ăn: Trong các thực phẩm bẩn, mốc, chứa nhiều chất bảo quản…đều chứa lượng độc tố và chất aflatoxin nhất định. Chính những chất này gây viêm gan, tăng men gan, thậm chí là ung thư gan.

- Lạm dụng bia rượu: Sử dụng rượu bia kéo dài dẫn đến tổn thương gan. Giai đoạn đầu có thể xuất hiện tình trạng gan thoái hóa mỡ, trong tế bào gan chứa đầy các giọt mỡ lớn. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng với số lượng nhiều thì sẽ xuất hiện tổn thương xơ hóa gan ở giai đoạn sau và cuối cùng là xơ gan.

Đây là nguyên nhân hay gặp nhất ở nam giới.

- Do sử dụng thuốc không hợp lý: Hầu hết các loại thuốc đều được chuyển hóa tại gan và trong đó có rất nhiều loại thuốc có thể gây viêm gan: thuốc giảm đau (Paracetamol, Aspirin,…), thuốc kháng sinh (Amoxicillin, Clavulanic…). Men gan cao có thể do lạm dụng thuốc quá mức, không đúng chỉ định, liều lượng.

- Do một số bệnh lý: Một số bệnh lý về đường mật (sỏi đường mật, nhiễm trùng đường mật…), bệnh lý tim mạch (suy tim phải, suy tim toàn bộ…), sốt xuất huyết, đái tháo đường,…

- Do virus: Các virus gây viêm gan (A, B, C, D, E) khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây hủy hoại tế bào gan, làm men gan tăng cao.

Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết men gan cao

Tình trạng men gan của cơ thể được biểu hiện qua xét nghiệm chỉ số AST (GOT) và ALT (GPT), khi gan bị tổn thương thì hai chỉ số trên tăng. Và mức độ thương tổn của gan càng cao thì men gan càng cao.

Bình thường, 2 chỉ số này dao động trong khoảng 20 U/L – 40 U/L, khi xét nghiệm cho kết quả cao hơn khoảng trên nghĩa là người bệnh bị tăng men gan.

Tùy mức độ mà các dấu hiệu nhận biết sẽ biểu hiện khác nhau:

- Mẩn ngứa: Khi chức năng gan giảm, đồng nghĩa với việc các độc tố bị tích tụ trong cơ thể gây nên hiện tượng mẩn đỏ, ngứa ngáy cục bộ.

- Phù nề: Tương tự triệu chứng mẩn ngứa, khi chức năng gan giảm, cơ thể bị tích tụ độc tố làm men gan tăng cao kèm phù thũng bàn chân, bàn tay…

- Vàng da: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất của các bệnh làm men gan cao. Tuy nhiên, khi nhận ra được sự thay đổi về màu da thì chứng tỏ bệnh đang ở mức báo động, bạn nên lập tức đi khám ngay.

- Phân có màu vàng nhạt: Tắc mật hoàn toàn cũng là một nguyên nhân khiến men gan tăng cao. Ở trường hợp này, phân có thể trắng như phân cò do stercobilin (một chất tham gia vào chu trình gan ruột và làm cho phân có màu vàng) không xuống được ruột.

- Đau vùng hạ sườn phải: Nếu men gan tăng do các bệnh về gan trước đó, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức âm ỉ tại vùng gan (vùng hạ sườn phải).

Cách điều trị men gan cao khoa học và hiệu quả

Ảnh minh họa

Dùng thuốc điều trị

Để điều trị men gan tăng cao, tùy vào đối tượng và tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng một hoặc nhiều nhóm thuốc điều trị men gan sau:

- Thuốc hạ men gan.

- Thuốc giải độc gan (truyền dịch Glucose 5% để tăng cường Glucose giải độc cho gan,…).

- Thuốc bảo vệ tế bào gan (Eganin, Fortec…).

- Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc trên, bệnh nhân cần tuân theo chỉ định của bác sĩ đưa ra, không được tự ý sử dụng.

Thay đổi chế độ ăn uống khoa học

Để có một lá gan khỏe mạnh, bạn nên làm theo một số lời khuyên dưới đây:

Ảnh minh họa

- Không hoặc thật hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, nhiều chất béo và có đường vì chúng gây gánh nặng cho gan.

- Uống đủ nước. Hạn chế hoặc bỏ hẳn thói quen sử dụng rượu bia.

- Bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, giàu chất xơ, các thực phẩm cung cấp vitamin (rau xanh, ngũ cốc, hoa quả…) và protein (cá, trứng, thịt nạc…).

Thu Chang
Theo GĐVN //