Mẹ của 2 cháu nhiễm bệnh Whitmore tử vong nói gì về tiền sử bệnh tật của các con?

19-11-2019 15:41:59

Mẹ của 2 cháu nhiễm bệnh Whitmore tử vong cho biết, từ nhỏ các cháu chưa mắc bệnh lý gì đặc biệt, chỉ bị ho sốt bình thường.


Mẹ của các cháu bé rất sốc khi trong vòng 8 tháng mất đi 3 con

Liên quan đến sự việc, một gia đình ở Sóc Sơn, Hà Nội mất 3 con trong vòng 8 tháng, trong đó 2 con nhiễm bệnh Whitmore, chị Trần Thị Như Quỳnh (mẹ 3 cháu bé) chia sẻ, 2 vợ chồng chị sinh được 3 người con, 1 gái và 2 trai. Sự ra đi của 3 con khiến gia đình chị rất sốc. Bản thân gia đình chị làm công nhân, các cháu ở nhà với ông bà. 

Từ nhỏ, 3 cháu chưa mắc phải bệnh lý gì đặc biệt chỉ ho sốt bình thường. Trước đó cháu gái đầu có bị ngã xe dẫn đến sớt sát ở mặt nhưng đã khỏi, cháu thứ hai mổ ruột thừa đã khỏi về nhà ăn uống, chạy nhảy bình thường. Cháu thứ ba hoàn toàn bình thường.

Sau đó, khi có biểu hiện sốt đến viện khám các bác sĩ nói các cháu sốt bình thường không chẩn đoán ra bệnh Whitmore. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, tình hình diễn biến bệnh của các cháu quá nhanh, các bác sĩ tích cực điều trị nhưng các cháu không qua khỏi.

Ông nội của cháu bé cho hay, từ trước đến nay, gia đình không ai mắc bệnh tật gì cả, sức khoẻ mọi người đều khoẻ mạnh. Chỉ trong vòng 8 tháng, gia đình mất liền 3 cháu khiến mọi người đau xót.

Vào ngày 6/4, bé T.Q.T. (SN 2012, con gái đầu, đang học lớp 1) lên cơn sốt cao, gia đình tự mua thuốc điều trị nhưng không có tiến triển. Đến chiều 8/4, bé T. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn điều trị. Ngày 9/4, bé tiếp tục được chuyển lên tuyến trên thì tử vong, được chẩn đoán do nhiễm khuẩn hoại tử đường ruột.

Bé trai thứ hai là T.C.V (SN 2014) xuất hiện sốt 38,5 độ, kèm theo đau bụng vào ngày 27/10 và không điều trị gì. Đến 5h sáng ngày 28/1, bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21h ngày 31/10 bé V. tử vong tại Bệnh viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10/2019 đến ngày 1/11.có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (gây ra bệnh Whitemore).


Cháu H. dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei

Bé trai thứ ba là T.Q.H (SN 2018) có biểu hiện sốt 38,5 độ trong ngày 10/11, đến 9h ngày 11/11, gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế xã Bắc Sơn, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn lúc 11h cùng ngày. Nhận thấy tình trạng nguy hiểm của bệnh nhi, các bác sĩ đã tiếp tục chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến ngày thứ tư bé H. có kết quả xét nghiệm máu dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (bệnh whitmore). 

Chiều ngày 18/11, đoàn cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Trạm Y tế xã Bắc Sơn đã đến giám sát dịch tễ tại gia đình có 2 trường hợp tử vong ghi do mắc Whitmore tại xã Bắc Sơn.

Đoàn giám sát đã điều tra dịch tễ sức khỏe của các thành viên trong gia đình và môi trường sống của gia đình như: Nguồn nước ăn và sinh hoạt; Khu vực chăn nuôi; những nơi mà trẻ thường tiếp xúc chơi và các hộ gia đình xung quanh…

Ngoài ra, đoàn công tác đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người nhà và người dân về căn bệnh, để người dân tránh hoang mang. Tuyên truyền biện pháp vệ sinh, tiến hành các bước khử khuẩn, phòng tránh như vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi. Khi tiếp xúc với đất cần dùng trang bị bảo hộ.

Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết, chưa có bằng chứng cho thấy hai bệnh nhân này lây nhau do vi khuẩn Whitmore. Whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương khi tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Biện pháp cơ bản để phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn ô nhiễm. Khi có biểu hiện bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám, điều trị.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN //