MC Phan Anh lần đầu thú nhận “tham” khi kêu gọi từ thiện vào năm 2016
"Khó khăn nhất khi làm việc thiện nguyện cho cộng đồng đó là việc mình phải nhận ra được "tham - sân - si" của mình và chế ngự được điều đó", MC Phan Anh chia sẻ.
Chiều 24/9, buổi tọa đàm trực tuyến của báo Đại Đoàn Kết – cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã diễn ra với chủ đề: "Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?".
Khách mời của chương trình gồm: Ông Lưu Bình Nhưỡng, Tiến sĩ Luật, ĐBQH khoá XIV; Đại tá, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh và một số nghệ sĩ nổi tiếng thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện: MC Phan Anh; Ca sĩ Thái Thùy Linh. Riêng ca sĩ Thủy Tiên - mặc dù lúc đầu có tên trên poster buổi tọa đàm trực tuyến này, nhưng sau đó báo vắng mặt bởi lý do sức khỏe.
MC Phan Anh chia sẻ trong buổi tọa đàm. (Ảnh: Cắt từ clip)
MC Phan Anh: "Đúng là tôi có tham sân si"
Chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến, MC Phan Anh cho biết: "Khó khăn nhất khi làm việc thiện nguyện cho cộng đồng là việc chế ngự cái "tham - sân - si" của mình. Khi đến với bà con lũ lụt miền Trung vào năm 2016, tôi có tham không? Đúng là tôi có tham, nhưng vào thời điểm đó tôi không nhận ra.
Tôi không tham tiền quyên góp, nhưng tham được mọi người ghi nhận và ủng hộ. Nhìn số tiền chuyển vào tài khoản ngày càng tăng cao, tôi nhận ra mọi thứ đã quá sức của mình, nhưng vẫn thấy "sung sướng" và bị cuốn theo.
Ngày đầu tiên kêu gọi từ thiện, một người làm từ thiện không chuyên nghiệp như tôi đã nhận 8 tỷ đồng. Tôi lập tức đăng status khuyên mọi người hãy chuyển tiền cho các hướng khác đi, nhưng khi họ vẫn tiếp tục chuyển tiền, tôi vẫn hạnh phúc. Cảm xúc được người khác tin tưởng đã chế ngự tôi, khiến tôi không còn tỉnh táo nữa".
5 năm sau lùm xùm từ thiện gây "sóng gió" dư luận, Phan Anh nhận ra: "Mình chỉ là cá nhân, sức mình có hạn. Tôi đã từng cố gắng trả lời câu hỏi tại sao mình mắc thị phi khi mình thật sự có tâm. Nhưng rồi tôi hiểu rằng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Cái sai của tôi trong hành trình từ thiện là sự thiếu chuyên nghiệp. Tôi không nghĩ tới chuyện phải làm sao chứng từ đúng quy chuẩn, đáp ứng đúng yêu cầu. Tôi đã ảo tưởng sức mạnh quá nhiều!".
Bàn về vấn đề sao kê từ thiện, Phan Anh cho rằng điều này là đương nhiên: "Minh bạch sao kê là chuyện cần làm. Từ cá nhân tôi, tôi luôn ủng hộ minh bạch không chỉ trong việc từ thiện mà ở mọi mặt của đời sống xã hội. Minh bạch không chỉ để bảo vệ mình, mà còn bảo vệ niềm tin của mọi người rằng trong xã hội này những điều tử tế vẫn còn tồn tại.
Cũng chính bởi vậy, tôi đã lập website công khai những khoản thu chi, 5 năm rồi website đó vẫn còn đây. Xin hãy soi từng giao dịch, từng chứng từ, nếu có thiếu minh bạch xin mọi người hãy thưa công an, xin hãy đưa ra tòa án đi. Tôi chỉ mong pháp luật có ai đó vào cuộc để những thị phi này chấm dứt" - Phan Anh xúc động chia sẻ.
Người hiểu pháp luật không làm từ thiện như Thủy Tiên, Phan Anh
Cũng trong buổi tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Tiến sĩ Luật, ĐBQH khoá XIV đã đưa ra các dẫn chứng khẳng định việc kêu gọi từ thiện cá nhân chưa được sự thông qua của pháp luật: "Điều 4 trong Nghị định 64 cho phép Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trung ương và địa phương), Hội Chữ thập đỏ (trung ương và địa phương), các quỹ xã hội từ thiện (theo Nghị định 93 ban hành năm 2009), các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài) hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ và Hội Chữ thập đỏ tổ chức kêu gọi đóng góp tiền, hàng hóa cứu trợ. Các tổ chức được phép tiếp nhận hàng hóa, tiền ủng hộ từ thiện là MTTQ, Hội Chữ thập đỏ trung ương, các cơ quan tổ chức được MTTQ cho phép tiếp nhận.
Ông Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: NVCC)
Điều 5 trong Nghị định 64 cũng nêu rõ, ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không có tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được tiếp nhận nguồn tiền, hàng cứu trợ".
Tiến sỹ Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu quan điểm: "Tôi cũng làm từ thiện. Tôi hiểu pháp luật nên không bao giờ làm từ thiện như Thủy Tiên, Phan Anh hay Thái Thùy Linh. Tôi luôn nhân danh người đóng góp tiền và không bao giờ cầm một đồng xu nào. Các đại biểu quốc hội cũng vậy, họ sử dụng uy tín cá nhân để vận động các doanh nghiệp làm từ thiện. Doanh nghiệp sẽ tự liên hệ với Mặt trận Tổ quốc tỉnh đó tiếp nhận, tiến hành tổ chức và giải ngân các hoạt động này.
Nói về việc "làm từ thiện sao cho đúng", Tiến sỹ Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Trước hết, phải khẳng định làm từ thiện là vấn đề mang tính trách nhiệm xã hội và tôi cho rằng việc dựa trên uy tín của người nổi tiếng là điều đáng hoan nghênh, xã hội cần xã hội hóa về từ thiện chứ không chỉ có mặt trận hay hội chữ thập đỏ. Điều quan trọng chính là phải tạo được cơ chế pháp lý.
Tạo ra cơ chế để chúng ta thực hiện có hiệu quả, tôi là cá nhân, tôi có quyền làm việc tốt, tôi có quyền đóng cho bất kỳ ai. Không thể bắt buộc tôi đóng cho một người nào đó vì chưa chắc người đó đã tạo lòng tin cho tôi bằng người khác.
Thứ hai, pháp luật cần quy định rõ những người nào đủ năng lực để làm và làm bằng cách nào, phương thức người ta làm và phải hướng dẫn chứ không thể để người dân mò mẫm. Phan Anh hay Thủy Tiên đều là mò mẫm.
Khi Thủy Tiên rộ lên câu chuyện từ thiện, tôi có nói bên hành lang Quốc hội một ý nhưng dường như Thủy Tiên chưa hiểu. Thủy Tiên tốt nhất nên phối hợp với các tổ chức cá nhân chứ nếu làm một mình sẽ rất vất vả và có thể dẫn đến rủi ro.
Tôi cho rằng việc không cho cá nhân làm từ thiện là quan điểm cực đoan, đi ngược lại truyền thống, nhân đạo. Quan điểm của tôi là xã hội hóa công tác từ thiện, nhưng phải có cơ chế rõ ràng, chi tiết để kiểm soát. Chúng ta cần một cơ chế pháp lý rộng mở hơn về mặt phạm vi, về quyền, nhưng chặt về mặt thủ tục để quản lý công tác thiện nguyện".