Mắc bệnh hiếm gặp khiến bé trai bị xuất huyết phổi, nhiễm trùng nặng
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất nặng: sốt cao, kéo dài, biểu hiện nhiễm trùng rất nặng, thiếu máu, có dấu hiệu xuất huyết, gan to, lách to... do mắc căn bệnh lạ hiếm gặp.
Bệnh nhi mắc bệnh thực bào máu, tỷ lệ tử vong cao. Ảnh: BVNĐTP
Ngày 23/10, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho trường hợp bệnh nhi 4 tuổi bị xuất huyết phổi, nhiễm trùng nặng do mắc bệnh thực bào máu. Bệnh nhi là bé H.N.A. (trú tại Bình Dương). Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi sốt cao (trên 39 độ C) kéo dài, biểu hiện nhiễm trùng rất nặng, thiếu máu, có dấu hiệu xuất huyết, gan to, lách to.
Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhi mắc phải căn bệnh ít gặp là hội chứng thực bào máu. Suốt 2 năm qua, bệnh nhi được gia đình đưa đến nhiều bệnh viện huyết học trong và ngoài nước chữa trị. Trong đợt tái phát này, người nhà đã đưa bệnh nhi đến điều trị tại Khoa Ung bướu Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, bệnh nhi ho ra máu, xuất huyết phổi, bệnh diễn tiến nhanh. Tuy có biểu hiện nhiễm trùng rất nặng nhưng kết quả xét nghiệm máu lại cho thấy không như một bệnh lý nhiễm trùng đơn thuần mà thấy tế bào máu của các bệnh nhi giảm rất nhiều, kèm theo sự thay đổi của một số xét nghiệm sinh hóa và miễn dịch.
Ngay sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực hỗ trợ thở máy và theo dõi sát sao. Bệnh nhi được điều trị hỗ trợ như: điều chỉnh nước và điện giải, chống nhiễm khuẩn, chống suy gan, truyền chế phẩm máu chiếu xạ liên tục...
Sau 10 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, hiện tại bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, được cai máy thở, các trị số tế bào máu đã hồi phục gần về bình thường. Sắp tới, bệnh nhi sẽ được hóa trị liệu, thuốc ức chế miễn dịch và sau cùng có thể là ghép tủy.
Trao đổi với VTV News, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, thực bào máu là căn bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao do tế bào bạch cầu trong máu thay vì làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khi có tác nhân bên ngoài xâm nhập, thì lại "ăn" những tế bào máu thông thường của chính chủ.