Lý Nhã Kỳ: 10 năm qua, tôi chưa biết ai bị phạt vì chuyện phân loại rác
Sống ở TP.HCM, được coi là thành phố hiện đại văn minh, nhưng Lý Nhã Kỳ chia sẻ, cô thấy văn hóa phân loại rác ở mỗi hộ gia đình vẫn còn là chuyện xa xôi.
Theo Lý Nhã Kỳ ở các nước, chế tài cho các sai phạm về rác thải là rất nặng
Nữ doanh nhân, Lãnh sự danh dự của Romania tại Việt Nam, diễn viên Lý Nhã Kỳ đã lên tiếng về vấn đề rác thải ở Việt Nam. Theo người đẹp, đã đến lúc phải nghiêm túc với thói quen phân loại rác cũng như cách thực hiện quy trình 4.0 trong xử lý rác.
Ở các nước, chế tài cho các sai phạm về rác thải là rất nặng
- Chị từng có thời gian ở nước ngoài và đi nhiều nước trên thế giới, việc phân loại rác ở nước ngoài như thế nào?
Ở nhiều nước trên thế giới, việc phân loại đã được áp dụng từ khá lâu rồi. Ví dụ tại các nước châu Âu, khi ra đường mọi người dễ dàng nhìn thấy mỗi nhà có 3 thùng rác chuyên dụng với màu sắc khác nhau để phân loại rác như chất thải hữu cơ dễ phân huỷ, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Nếu đến Nhật Bản, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi nhận ra rằng rất hiếm khi thấy thùng rác xuất hiện ngoài đường. Đó không phải là bạn muốn bỏ rác ở chỗ nào cũng được, mà là lời nhắc nhở rằng bạn phải mang theo rác của mình và xử lý nó đúng theo quy định.
- Nếu không phân loại rác thì sẽ bị xử phạt ra sao thưa chị?
Ở các nước, chế tài cho các sai phạm về rác thải là rất nặng. Ở Singapore, lần đầu vi phạm mức phạt khoảng 2.000 đô Singapore (tương đương 32-34 triệu đồng Việt Nam), lần thứ hai là tăng lên 4.000 đô và lần thứ ba trở đi có thể lên tới 10.000 đô.
Còn như tôi biết ở châu Âu, họ đều có khung hình phạt rất rõ ràng và khá nặng.
- Việt Nam đang là nước phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm từ rác. Chị thấy tình trạng rác thải ở Việt Nam như thế nào?Những hình ảnh nào mà chị thực tế gặp thấy ngoài đường?
Sống ở TP.HCM, được coi là thành phố hiện đại văn minh, nhưng thú thực tôi thấy văn hóa phân loại rác ở từng nhà vẫn còn là chuyện xa xôi. Thi thoảng tôi có thấy ở siêu thị người ta đặt vài thùng chứa các loại rác khác nhau.
Qua truyền thông, tôi cũng có nghe nói về việc nơi này, nơi kia thí điểm phân loại rác, có thời điểm sẽ hoàn thành thí điểm, sẽ bị phạt nếu không phân loại rác... Nhưng thực sự đó chỉ là vài đốm sáng le lói trong thành phố lớn này. Mười năm qua, ở Việt Nam, chưa có ai tôi biết bị phạt về chuyện phân loại rác.
Theo Lý Nhã Kỳ, người Việt mình chưa có thói quen phân loại rác.
- Theo chị, thực trạng đó do đâu?
Người Việt mình chưa có thói quen phân loại rác. Rác các loại chỉ cần cho vào túi vứt đi là xong, ai dọn? ai chuyển? xử lý như thế nào? không cần biết. Hậu quả, chúng ta đã và đang phải trả giá cho tất cả những thói quen hàng ngày của mình.
Tôi nghĩ, đã đến lúc phải nghiêm túc với thói quen phân loại rác và các quy trình xử lý tại các gia đình trước khi đổ rác, hạn chế lượng rác thải và quy định thời gian đổ rác, có quy định xử lý việc phân loại rác... như cách thực hiện quy trình 4.0 của các nước bạn trong xử lý rác, đó chính là biểu hiện cho một thành phố thông minh.
Nếu không làm được những việc như vậy thì sẽ không có ngân sách nào đáp ứng nổi và không có khu đất nào có thể xử lý hết được rác thải của chúng ta. Khi ấy, viễn cảnh người Việt ngập trong rác, ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước, bệnh tật phát sinh... sẽ không xa.
Thay đổi từ nhận thức, thực hành hàng ngày để trở thành thói quen
- Ở nhà Lý Nhã Kỳ phân loại rác ra sao?
Tôi có người giúp việc và họ được tập huấn kỹ về việc phân loại rác bằng việc bỏ vào đúng các loại thùng chứa khác nhau. Trong nhà tôi luôn có 3 thùng rác để chứa chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và loại khác. Tất cả được phân loại riêng và chuyển cho đơn vị thu gom chất thải để vận chuyển đến nơi xử lý.
- Theo chị, để nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác thải cần phải làm gì?
Tôi cho rằng, mọi thành công đều có xuất phát điểm từ nền tảng giáo dục để hình thành nên ý thức của mỗi cá nhân cho tới cả một quốc gia. Chúng ta không thể ngay lập tức áp dụng cách người Đức phân loại rác, cách người Do Thái đọc sách, cách người Nhật xếp hàng... mà không đi từ giáo dục nhận thức.
Ngày nay, người ta đã xem việc bảo vệ môi trường là vấn đề thuộc về đạo đức và văn hóa. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức thấy được trách nhiệm và bổn phận đạo đức của mình thì chúng ta mới có thể hình thành thói quen bảo vệ môi trường.
Trong nhà Lý Nhã Kỳ luôn có 3 thùng rác để chứa chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và loại khác.
Dù bất cứ một hành động nào hay một việc làm nào, khi người ta không thấy được trách nhiệm và bổn phận, thì hành động ấy hay việc làm ấy sẽ không cẩn thận và kỹ lưỡng, đồng thời có thể làm tổn hại chính bản thân ta và những người xung quanh.
Việc bạn có thể làm ngay bây giờ là học hỏi, thay đổi từ trong nhận thức, thực hành hàng ngày để trở thành thói quen và hướng dẫn con cái, truyền cảm hứng cho những người xung quanh mình làm theo.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!