Ly kỳ chuyện chạy giặc và tục ăn "Tết lại" của ngôi làng ở Chương Mỹ - Hà Nội
Tục ăn "tết lại" của làng Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) bao năm nay được coi như nét văn hóa độc đáo của địa phương gắn liền với câu chuyện ly kỳ của những thế hệ đi trước.
Nguồn gốc "Tết lại" của làng Trường Yên
Khác với những làng quê khác ở Việt Nam, người xã Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) sau khi ăn Tết Nguyên đán (Tết cả) lại hối hả cho cái tết tháng Giêng với tên gọi là “Tết lại” hay “Tết cùng”. Nét văn hóa này được cho là khá độc đáo và đặc biệt.
Theo nhiều cao niên ở xã Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội), nguồn gốc của việc tổ chức ăn tết hai lần là do ngày xưa cha ông, tổ tiên phải chạy giặc giã và không kịp ăn Tết.
Đó là vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19, Giặc Cờ Đen (hay còn gọi là "Hắc kỳ quân") vốn là tàn quân của khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc bị triều đình phong kiến nhà Thanh bên Trung Quốc đàn áp đẫm máu và dập tắt nên nhiều toán quân phải chạy dạt sang miền Bắc nước ta để lánh nạn.
Khi lũ giặc Cờ Đen kéo vào nước ta, chúng liên tục đụng độ với quân xâm lược Pháp và cũng giành được chiến thắng vài trận. Do đó, triều đình nhà Nguyễn có ý muốn trọng dụng và mong muốn "mượn tay" đội quân này có thể giúp đánh đuổi giặc Pháp.
Đình cổ làng Yên Trường (Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội), nơi lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử, văn hóa của vùng đất này
Tuy nhiên, có một điều triều đình không ngờ tới là việc "Hắc kỳ quân" chỉ là một toán quân ô hợp với toàn những kẻ "đầu trộm đuôi cướp" dạt sang, tụ bạ lại và núp dưới danh nghĩa quân kháng Pháp để tranh thủ sự ủng hộ của triều đình nhà Nguyễn.
Sau khi được triều đình bảo hộ và trọng dụng, chúng thường kéo đi khắp nơi tha hồ cướp bóc, chém giết gây nhiều tan thương cho người dân ở nhiều tỉnh phía Bắc nước ta.
Cụ Nguyễn Đức Tân (85 tuổi, xã Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) kể tiếp, khi giặc Cờ Đen kéo đến làng Trường Yên và các vùng phụ cận của Hà Nội thì chỉ còn vài ngày nữa là đến dịp Tết Nguyên Đán.
"Dù lúc đó người dân trong làng đã chuẩn bị mọi thứ đồ ăn thức uống cũng như vật dụng để đón cái tết chung của dân tộc đang đến gần nhưng do lo sợ trước sự lộng hành, tàn ác và cướp bóc, chém giết của đám quân ô hợp này, người dân Trường Yên đã quyết định kéo nhau đi lánh nạn", cụ Tân nói.
Trước khi đi tránh giặc, dân làng đã mang theo tài sản, vật dụng, lương thực cần thiết đồng thời rủ nhau đem tất cả bánh chưng, giò chả,... đã chuẩn bị đón tết gói ghém lại rồi cất giấu xuống ao hoặc vứt xuống giếng nhằm ngăn quân giặc cướp không có lương thực để tiếp tế.
Đúng như dự đoán của dân làng Trường Yên, khi đám giặc Cờ Đen tới nơi thì chỉ thấy một vùng "vườn không nhà trống". Cả một vùng hoàn toàn không có một bóng người, của cải hay lương thực, thực phẩm đều không có nên đám giặc cướp điên cuồng đi lùng sục khắp nơi để cướp bóc nhưng đều thất vọng về tay không. Sau vài tuần lưu lại, vừa chán nản lại không thu được kết quả gì trong khi số lương thực đem theo đã hết nên đám giặc Cờ Đen đã phải cuốn xéo đi nơi khác.
"Được tin giặc cướp đã rút đi, người dân làng Trường Yên mới bồng bế, dắt díu nhau quay về làng cũ. Có một điều lạ lùng là khi dân làng quay về vớt những túi buộc bánh chưng, giò chả từ dưới ao, dưới giếng mà trước khi đi chạy giặc đã vứt xuống lên, dù hàng tháng đã trôi qua nhưng toàn bộ đều như còn nguyên vẹn, không hề có dấu hiệu hư hỏng, bên trong vẫn còn thơm ngon như mới", một cụ già trong làng kể lại.
Cụ Hoàng Sương – một cao niên trong làng cho biết khi đó nhiều người rất ngạc nhiên vì những đồ ăn Tết dù cất xuống giếng hàng tháng trời mà không hỏng.
"Có thể khi đó là điểm giáp Tết, trời rất lạnh, những chiếc giếng trong làng nước rất trong và sâu cộng với việc người dân gói ghém những đồ đạc bằng lá dong rất kỹ nên khi thả xuống dưới giếng đã vô tình trở thành môi trường bảo quản giúp những đồ ăn thức uống không bị hỏng", cụ Sương nói.
Những chiếc giếng cổ bằng đá ong có lịch sử vài trăm năm tuổi hiện vẫn được người dân tại Trường Yên bảo quản, giữ gìn.
Quá mừng vì vừa thoát khỏi nạn giặc cướp, nay những thứ chuẩn bị cỗ bàn cho ngày Tết trước kia vẫn còn nguyên lành, dân làng Trường Yên đã quyết định tổ chức ăn Tết lại một lần nữa và đặt tên cho nó là "Tết lại" hay "Tết cùng" vì ngày Tết ấy cũng đúng là ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch.
Tục lệ độc đáo được duy trì nhiều đời
Đã bao nhiêu thế kỷ trôi qua nhưng hiện xã Trường Yên vẫn còn rất nhiều chiếc giếng có độ tuổi hàng trăm năm và đây chính là nơi người dân trong làng đem đồ lễ tết ra giấu để chạy giặc năm xưa.
"Những chiếc giếng này gắn liền với lịch sử của làng nên chúng tôi không muốn lấp đi mặc dù bây giờ giếng đã cạn nhưng người dân nơi đây vẫn xây, kè lại để nhắc nhở con cháu sau này”, cụ Hoàng Sương chia sẻ.
Đáng chú ý về Trường Yên những ngày đầu năm người dân ở đây đều cho biết, dù không sách vở nào ghi chép lại nhưng từ sau khi thoát nạn giặc Cờ Đen, cứ đến ngày cuối cùng của tháng Giêng, dân làng lại nhộn nhịp tổ chức ăn Tết cùng như một cách nhắc nhở con cháu ghi nhớ về một thời khó khăn, loạn lạc của tổ tiên, ông bà.
Theo họ, đây không chỉ là một nét văn hóa đặc thù giúp cho các thế hệ mai sau không quên được những khó khăn, vất vả của tổ tiên trước đây khi mà Tết đến rồi nhưng vẫn không được yên ổn mà vẫn phải lo chạy giặc. Tục lệ này không chỉ có giá trị về mặt văn hóa mà nó còn có giá trị lịch sử đối với vùng đất và con người nơi đây.