Lời xin lỗi gây “bão mạng”, nạn “hôi của” vào đề thi Giáo dục Công dân
Thay vì các câu hỏi lý thuyết khô khan, đề thi Giáo dục công dân tại các trường TP.HCM lại chọn những tình huống đời thường như nạn “hôi của”, lời xin lỗi vì làm vỡ kính xe,…
Những ngày này, các học sinh cấp 2 tại TP.HCM đang tham dự kỳ kiểm tra học kỳ I, năm học 2016 – 2017. Đáng chú ý, đề thi môn Giáo dục công dân năm nay đều được học sinh, phụ huynh và giáo viên đánh giá cao bởi cách ra đề vận dụng những tình huống mang đậm hơi thở cuộc sống thay vì chọn lý thuyết khô khan.
Đề thi Giáo dục công dân lớp 7 tại TP.HCM năm nay được đánh giá cao. Ảnh PLO
Cụ thể, trong đề thi của khối lớp 7 ở quận 3 (TP.HCM) có đề cập đến câu chuyện một học sinh lớp 11 tại Hải Phòng đã ghi lại lời xin lỗi vì lỡ làm vỡ kính xe ô tô. Theo đó, đề thi chụp lại hình ảnh lời xin lỗi từng gây “bão mạng” có nội dung rằng: Cậu học sinh xin lỗi vì vô tình là vỡ kính ô tô, đồng thời đã để lại số điện thoại liên hệ để đền bù cho chủ xe (không có mặt lúc đó).
Đề thi cũng nói thêm rằng chủ xe sau đó đã không bắt cậu học sinh này phải đền tiền mà còn lấy câu chuyện này làm bài học cho con mình. Từ đó, đề thi yêu cầu các học sinh viết một đoạn văn ngắn từ 7 – 10 câu nêu suy nghĩ của mình về tình huống này và cách rèn luyện để bản thân thành con người trung thực.
Trong khi đó, đề thi Giáo dục công dân lớp 9 lại bàn đến vấn đề thực phẩm bẩn để học sinh đánh giá việc làm của những người bán trái cây tẩm hóa chất, hàng giả, hàng nhái,… Đề thi còn yêu cầu mỗi học sinh phải đưa ra lời hứa tự trọng nếu trở thành một người buôn bán, kinh doanh sau này, Zing News đưa tin.
Không chỉ giáo viên mà ngay cả học sinh đều thích thú với đề thi Giáo dục công dân năm nay. Ảnh PLO
Nạn “hôi của” từ xe gặp nạn bất chấp tài xế khóc lóc, van xin ở Bình Định cũng được vận dụng vào đề, từ đó yêu cầu học sinh bình luận và khuyên người dân không nên “hôi của” bởi đây là hành động đi ngược với truyền thống nhân ái của dân tộc.
Nhận xét về đề Giáo dục công dân này với báo Pháp Luật TP.HCM, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (trường THCS Lê Quý Đôn) đánh giá các câu hỏi rất hay vì gắn liền với những thực trạng mà cả xã hội đang quan tâm. Nhờ thế, các em học sinh không chỉ nắm được lý thuyết thông thường mà quan trọng hơn là biết vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống.
Trong khi đó, em Minh Trí (học sinh lớp 7, trường THCS Lê Quý Đôn) chia sẻ em rất thích đề thi môn Giáo dục công dân năm nay vì có cả tình huống và lý thuyết. Em cho biết, sau khi làm đề thi Giáo dục công dân em mới biết về câu chuyện lời xin lỗi gây “sốt”. Theo Trí, nếu là em, dù không nghĩ ra cách viết lại lời nhắn thì cũng sẽ đứng chờ để trực tiếp gặp chủ xe.