'Lợi bất cập hại' khi tự chế nước rửa tay khô tránh Covid-19
Theo các chuyên gia y tế, người dân tự pha chế nước rửa tay khô để tránh lây nhiễm Covid-19 tại nhà có thể dẫn đến viêm da, có hại cho thị giác...
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại 200 quốc gia và tỷ lệ tử vong cũng tăng vọt từng ngày khiến cho sản phẩm thiết bị y tế trở nên khan hiếm so với thường lệ, đặc biệt là nước rửa tay khô.
Sử dụng nước rửa tay khô tự chế có thể dẫn đến viêm da. Ảnh minh hoa. Nguồn báo Thanh Niên.
Sau khi thí điểm tại 10 quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phổ biến rộng rãi phương thức điều chế gel rửa tay khô trên website của mình. Theo đó, để có được 500 ml dung dịch sát khuẩn, chỉ cần có 415 ml cồn y tế 96% (cồn ethanol), 20 ml ô xy già 3%, 7,5 ml glyxerin 98%, 55 ml nước cất hoặc nước đun sôi để nguội không có cặn bẩn, Thanh niên đưa tin.
Dẫu vậy, WHO cũng khuyến cáo rằng dung dịch này chỉ nên pha chế trong trường hợp người dùng không có cơ hội sử dụng các loại xà phòng. Bởi chất lượng của dung dịch sát khuẩn “tự chế” vẫn tồn tại khuyết điểm như việc khó kiểm soát nồng độ cồn của thành phẩm cuối cùng, có thể dẫn đến viêm da nếu sử dụng lâu dài.
Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến cáo đừng lạm dụng dung dịch sát khuẩn, đó không phải là giải pháp duy nhất, tối ưu. Các chất hóa học khi rửa tay sẽ thẩm thấu qua da, theo máu vào thận và các cơ quan nội tạng khác. Nhiều trường hợp thống kê ở Mỹ, nước rửa tay và diệt khuẩn gây ung thư tuyến tụy, tuyến giáp, gan và da... Do đó, việc rửa tay bằng xà phòng vẫn là tốt nhất, theo Chất lượng Việt Nam.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Nho, các sản phẩm này có thành phần chính là cồn y tế (loại cồn 70 độ), nước, tinh dầu, chất diệt khuẩn… Nếu nước rửa tay khô có nồng độ cồn quá thấp (dưới 60 độ) thì không có tác dụng diệt khuẩn hoặc tác dụng diệt khuẩn quá thấp.
Trong khi đó, nếu nồng độ cồn quá cao (90 độ) thì sẽ làm đông, vón cục lớp protein trên bề mặt vi khuẩn, virus làm giảm tác dụng diệt khuẩn. Ngoài ra, nhiều loại nước rửa tay khô còn chứa những thành phần có hại cho sức khỏe.
TS Nho tiếp tục nhấn mạnh, những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không những không đem lại hiệu quả về mặt sát khuẩn, phòng bệnh mà còn khiến da tay, da nơi tiếp xúc trở nên khô. Khi dùng nhiều lần trong thời gian dài, da sẽ càng khô hơn, dễ bị bong tróc, gây ngứa và các bệnh lý viêm da cơ địa.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ trên Tuổi trẻ, công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là cơ bản. Nếu ai cũng pha chế theo công thức này mà nguồn nguyên liệu không đảm bảo sẽ gây nguy hiểm.
Chẳng hạn, nếu sử dụng cồn không đạt tiêu chuẩn dược dụng như cồn công nghiệp để pha chế có thể gây hại cho thị giác. Một số tạp chất nếu không kiểm soát được cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
"Do đó, khi cần thiết phải pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn, điều tối quan trọng là phải sử dụng nguyên liệu đạt chuẩn dược dụng. Hơn nữa, đừng lạm dụng dung dịch sát khuẩn, đó không phải là giải pháp duy nhất, tối ưu. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước có chi phí rẻ và hiệu quả" - ông Khôi nói.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các bác sĩ đều khuyến cáo rửa tay 20 giây với xà phòng sạch khuẩn mới là biện pháp phòng dịch Covid-19 hữu hiệu hơn cả, gel khô chỉ nên là biện pháp thay thế tiếp theo.
Tới 6h sáng nay 2/4/2020, theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đã ghi nhận thêm 4 trường hợp mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam lên 222 người. Bộ Y tế cũng cho biết, trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm là 934.262, số ca tử vong tử vong là 46.924, số ca bình phục là 193.891.
Trong tổng số trường hợp mắc Covid-19 thì tổng số ca bình phục là 63. Trong số này, 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).
Ngoài ra, 47 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 1/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN22, BN23, BN24, BN25, BN27, BN29, BN22, BN32, BN33, BN35, BN39, BN45, BN46, BN47, BN48, BN49, BN51, BN53, BN54, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN64, BN66, BN67, BN69, BN70, BN71, BN75, BN77, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN110, BN112, BN113, BN130, BN140, BN187.
Tính đến ngày 1/4, tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ: 15.051. Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 4.671. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 79.537 (trong đó cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 38.821). Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 67.456. Số mẫu dương tính: 222. Số mẫu âm tính: 67.234.