Lọc ảo chung giúp các trường xác định được số thí sinh dự kiến trúng tuyển

28-05-2022 16:32:09

Bộ GD&ĐT cho biết, tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022 có một số điều chỉnh kỹ thuật. Theo đó, Bộ sẽ thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1.

Thí sinh tìm hiểu về các ngành nghề đào tạo của Trường ĐH Hà Nội

Giảm số thí sinh ảo

Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 trường và nhiều trường nhưng chỉ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, lọc ảo chung không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường, vì các trường vẫn được tự quyết trong xét tuyển kết hợp theo quy định riêng. Việc lọc ảo chung, giúp các trường xác định được số thí sinh dự kiến trúng tuyển một cách chính xác nhất.

“Ngoài ra, lọc ảo chung giúp giảm số thí sinh ảo cho các trường dù xét tuyển bằng hình thức nào đi chăng nữa. Điều này tạo thuận lợi cho các trường trong việc xác định số thí sinh dự kiến trúng tuyển sát với thực tế” - TS Nguyễn Tiến Dũng tâm đắc, đồng thời nhấn mạnh: Lọc ảo chung sẽ bảo đảm yếu tố công bằng, bình đẳng cho các trường và thí sinh.

TS Nguyễn Tiến Dũng (ở giữa) trong chương trình Livestream về tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Hà Nội

Lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội tư vấn, nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết hợp, thì có thể “giữ chỗ” bằng cách: đăng ký ngành đã trúng tuyển là nguyện vọng 1 khi thực hiện đăng ký trên hệ thống xét tuyển, lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT. Khi đó, hệ thống sẽ xác định em đã trúng tuyển vào nguyện vọng 1 như trên.

Nhiều thí sinh băn khoăn, mùa tuyển sinh năm 2022, có khoảng 20 phương thức xét tuyển. Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Tiến Dũng - chia sẻ, thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển ở nhiều phương thức khác nhau và không giới số lượng nguyện vọng.

Tuy nhiên, các em nên tối đa hoá số nguyện vọng đăng ký và các phương thức xét tuyển khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển. Cần lưu ý về thứ tự các nguyện vọng xét tuyển để bảo đảm khả năng trúng tuyển và các ngành, trường học mà mình yêu thích phù hợp với năng lực của mình.

Sinh viên Trường ĐH Hà Nội

Không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh

Một trong những dự kiến điều chỉnh trong tuyển sinh năm nay là, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển 1 lần sau khi thi xong tốt nghiệp THPT. Trước điểm mới này, TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: thí sinh không được điều chỉnh nguyện vọng như năm trước nhưng cũng như mọi năm, các em vẫn phải xác định việc đăng ký xét tuyển trước thời hạn theo quy định.

“Như vậy, thí sinh cần nghiên cứu và suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Các em không nên vội vàng đăng ký sớm khi chưa tìm hiểu kỹ về ngành học, trường học mà mình dự đăng ký” - TS Nguyễn Tiến Dũng trao đổi, đồng thời cho rằng: Việc biết trước mình không thể điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sẽ giúp các em có trách nhiệm hơn và suy nghĩ thấu đáo hơn với quyết định của mình.

Sinh viên Trường ĐH Hà Nội

“Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thí sinh năm nay phải chịu thiệt thòi hơn so với thí sinh những năm trước” - TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định và thông tin: Phương thức xét tuyển kết hợp của Trường ĐH Hà Nội áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng thí sinh với nhiều tiêu chí khác nhau.

Năm nay Trường ĐH Hà Nội vẫn áp dụng 3 phương thức tuyển sinh phổ biến gồm: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển kếp hợp theo quy định của Trường và xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Vì thế, thí sinh cần nghiên cứu kỹ các quy định và lựa chọn tiêu chí phù hợp với mình nhất để đảm bảo xác xuất trúng tuyển. Ngoài ra, các em cũng nên tối đa hoá số nguyện vọng xét tuyển kết hợp để tăng cơ hội trúng tuyển.

Thí sinh nên cân nhắc lựa chọn các ngành mà mình ưa thích, có chỉ tiêu tuyển sinh cao và có số điểm trúng tuyển những năm trước nằm trong khả năng của mình.

TS Nguyễn Tiến Dũng (bên phải) tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến trên Báo Giáo dục & Thời đại về tuyển sinh

Nhấn mạnh, tuyển sinh năm nay, mỗi thí sinh chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất; lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội cho hay: Thực tế, khi thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức kết hợp, thí sinh đã có cơ hội để trúng tuyển vào lần thứ nhất.

Khi đăng ký xét tuyển chung sau đó, thí sinh tiếp tục có cơ hội trúng tuyển vào các ngành khác hoặc trường khác. Như vậy, Quy chế tuyển sinh năm nay vẫn đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh so với mọi năm.

"Quy định lọc ảo chung sẽ giúp nhà trường xác định được số thí sinh trúng tuyển dự kiến sát với thực tế và tránh được tỉ lệ ảo cao khi tự mình xét tuyển theo phương thức kết hợp như mọi năm. Bên cạnh đó, quyền lợi của thí sinh vẫn được đảm bảo nhờ việc được tham gia xét tuyển kết hợp trước và sau đó là xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT" - TS Nguyễn Tiến Dũng.

Minh Phong (ghi)
Theo Giáo dục & Thời đại //