Linh hoạt giải pháp vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ
Để lớp học xoá mù chữ phát huy hiệu quả, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đã có nhiều cách làm hay để xóa mù chữ cho người đồng bào dân tộc.
Linh hoạt giải pháp vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ.
Tích cực triển khai công tác xóa mù chữ
Bắc Kạn là tỉnh vùng cao với có dân số hơn 326.500 người, trong đó người dân tộc thiểu số DTTS chiếm tới hơn 88%. Xuất phát điểm không thuận lợi, tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, số người mù chữ nằm rải rác ở các bản vùng sâu, vùng xa nên rất khó khăn trong việc tổ chức mở lớp.
Chưa kể, việc huy động học viên ra lớp, duy trì sĩ số học viên đi học chuyên cần cũng hết sức gian nan do đa số học viên đều là nữ và đều trong độ tuổi lao động chính của gia đình. Mặt khác, vào mùa nương rẫy, nhiều người thường đi làm xa nhà, xa bản; một số người do lớn tuổi nên tâm lý e dè, xấu hổ khi đi học…
Trong khi đó, công tác xóa mù chữ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của người dân chưa đầy đủ. Hiệu quả công tác xóa mù chữ chưa cao. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập của một số xã miền núi còn khó khăn, thiếu thốn.
Đặc biệt, do địa bàn các huyện miền núi rộng, giao thông khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, rải rác, nên việc điều tra con số người mù chữ để mở lớp, vận động ra lớp và quản lý lớp học khó khăn.
Các học viên rất tích cực tham gia lớp để học chữ.
Từ thực tế đó, những năm qua, việc tổ chức và duy trì lớp học xóa mù chữ tại các huyện vùng cao của tỉnh Bắc Kạn là nhiệm vụ quan trọng, với mục tiêu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội.
Tham gia lớp xóa mù chữ do Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nghiên Loan 2 (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) tổ chức, bà Phương Thị Lai (SN 1956) cho biết, ban đầu việc làm quen với các chữ cái, đánh vần và tập viết tương đối khó. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn tận tâm của các giáo viên, bà Lai và nhiều phụ nữ khác trong lớp đều đã biết đọc, biết viết. Từ ngày biết chữ, bà có thể đọc chữ trên tivi, sử dụng điện thoại di động để nhắn tin, tìm kiếm thông tin, đọc báo, đọc sách…
Không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống, biết chữ còn giúp bà Lai tiếp thu, học hỏi được nhiều kiến thức. “Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đi học. Lớn lên không biết chữ, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ lắm. Thế nhưng sau khi tham gia lớp xóa mù chữ, tôi có thể tự tin đọc sách, báo qua điện thoại. Xem tivi cũng học hỏi được nhiều kiến thức hay”, bà Lai chia sẻ.
Đa dạng giải pháp
Bà Lý Thị Tuyết, Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Nghiên Loan (Pác Nặm) cho biết, trong những năm qua huyện Pác Nặm nói chung và xã Nghiên Loan nói riêng đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp được thể hiện thông qua các Nghị quyết của Đảng bộ các cấp từ tỉnh đến xã; được cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch của các cấp chính quyền và ngành giáo dục nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phát triển giáo dục nói chung và công tác xóa mù chữ cho người dân nói riêng.
Với mục tiêu và nhiệm vụ đó, năm vừa qua xã Nghiên Loan đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, mở được 4 lớp xóa mù chữ giai đoạn 1 với khoảng 100 học viên.
Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan cho biết thêm: Để vận động cũng như triển khai giảng dạy xóa mù chữ hiệu quả, UBND xã đã phối hợp với các ban ngành, trường học như Hội Phụ nữ, Ban quản lý thôn, chi Hội phụ nữ thôn,… đi khảo sát hoàn cảnh của từng học viên để xây dựng kế hoạch, thời gian biểu sao cho thuận lợi nhất để học viên tham gia lớp học”.
Để thu hút học viên đến lớp và tiếp thu bài học tốt, các giáo viên đã vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
UBND xã Nghiên Loan đã phối hợp với các ban ngành, trường học để vận động bà con tham gia lớp học xóa mù chữ.
Bên cạnh đó, lấy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc làm cơ sở củng cố chất lượng; kết hợp tuyên truyền xoá bỏ hủ tục lạc hậu góp phần bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc của địa phương”, bà Lý Thị Tuyết khẳng định.
Ngoài ra, địa phương còn tổ chức cho người dân tham gia tích cực vào hoạt động văn hóa văn nghệ vào các lễ hội của đồng bào và tổ chức ngày Đại đoàn kết các dân tộc ở thôn, xã; tham gia các sự kiện văn hoá du lịch tại địa phương, biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các trò chơi dân gian, làm các sản phẩm văn hoá truyền thống...
Nhờ đó, đến nay, các lớp học xoá mù chữ được triển khai, thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí cho bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.