Lễ hội rước "của quý" siêu khủng dài tới 2m ở Nhật đông như kiến
Lễ hội Hodare ở thành phố Nagaoka, tỉnh Niigata, được xem là một trong những lễ hội lớn nhất tôn vinh "của quý" đàn ông tại đất nước Nhật Bản và thu hút hàng nghìn người tới tham dự.
Lễ hội diễn ra hàng năm vào chủ nhật thứ hai của tháng ba, trong đó những phụ nữ đã kết hôn trong vòng 12 tháng trước đó sẽ diện lên người những bộ kimono truyền thống, ngồi trên chiếc dương vật khổng lồ bằng gỗ, để được rước đi qua các con phố.
Chiếc dương vật được rước năm nay có chiều dài hơn 2,1 m, nặng hơn 600 kg. Người tham dự lễ hội tin rằng mô hình khổng lồ này sẽ giúp họ gặp thuận lợi trong việc sinh nở, có hôn nhân hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. Vì thế, không ít người cố nhoài ra để chạm vào nó.
Hình ảnh từ lễ hội rước "của quý" ở Nhật Bản. Ảnh: Ruptly
"Hodare" trong tiếng Nhật có nghĩa là của quý đàn ông. Người ta tin rằng lễ hội Hodare đã được tổ chức suốt nhiều thế kỷ qua. Trong những năm gần đây, nó đã trở thành một hoạt động văn hóa địa phương thu hút hàng nghìn khách du lịch.
Ở Việt Nam hiện nay cũng có lễ hội tương tự. Lễ hội Ná Nhèm của người Tày được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ”, được phục dựng được 5 năm nay, đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và du khách thập phương về tham dự lễ hội.
Điểm đặc sắc nhất của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn.
Hình ảnh từ lễ hội ở Việt Nam.
Trao đổi với PV, ông Bàn Tuấn Năng, Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, người phục dựng lại lễ hội Ná Nhèm cho biết, phần lễ và hội năm 2017 cơ bản không thay đổi so với năm 2016. Tuy nhiên, hình dáng của tàng thinh và mặt nguyệt có chỉnh sửa.
“Hình dáng tàng thinh và mặt nguyệt vẫn đang được ban tổ chức giữ kín và phủ một lớp vải đỏ ở đình làng Mỏ. Sau khi làm lễ xong, dân làng mới rước đến miếu Xa Vùn. Màu sắc của tàng thinh và mặt nguyệt năm nay chắc chắn sẽ không có màu hồng”, ông Năng cho hay.
Ông Năng cho biết thêm, trong lễ hội năm 2016, có một số ý kiến cho rằng tàng thinh giống với linh vật của Nhật Bản. Tuy nhiên, việc tạo dáng tàng thinh năm ngoái được ông và các cụ bô lão trong làng phục dựng lại mà không tham khảo linh vật của Nhật Bản.