Lễ chùa đầu năm và những nhận thức sai lầm
Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Có điều, nhiều người đang có quan niệm sai lầm khi cho rằng đến chùa để cầu lợi lộc, tiền bạc và có những hành động phản cảm ở chốn linh thiêng.
Vào những ngày đầu năm, đi chùa là một trong những quan niệm phổ biến với nhiều người Việt. Họ đến chùa với mong muốn cầu cho mình và người thân một năm mới bình an, cầu tài, cầu lộc. Chùa vốn là chốn vô cùng linh thiêng, thanh tịnh, tách biệt với thế tục để những người xuất gia tĩnh tâm tu hành theo lời Phật dạy để giải thoát khỏi bể khổ luân hồi. Đây cũng là nơi những chúng sinh ngoài thế tục tới để tỏ lòng kính ngưỡng Phật, gieo mầm cơ duyên với Phật Pháp.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết những điều cần thiết và tránh kiêng kị khi đến chùa dịp đầu năm. Nhiều người đi chùa thường truyền miệng nhau cần làm gì, cúng bái như thế nào rồi bắt chước theo nhau mà không biết được rằng những việc đó là không cần thiết, thậm chí còn phạm vào giới luật của đạo Phật.
Cúng tiền lẻ
Khi đi chùa, bạn có thể chuẩn bị tiền giấy âm phủ và hương. Còn tiền “giọt dầu” hãy để vào hòm công đức. Bên cạnh đó, khi dâng hoa ở các đền chùa nên chọn các loại hoa thanh tao như hoa sen, hoa huệ, mẫu đơn, hoa cúc…, tránh dùng những loại hoa lạ, hoa dại.
Cúng đồ ăn mặn
Ảnh minh họa
Theo quan điểm truyền thống của đạo Phật, đặc biệt là dòng Tu thiền đại thừa ở miền Bắc, đã vào chùa thì chỉ được cúng đồ chay, tuyệt đối không được mang đồ mặn. Đây là điều tối quan trọng, nhưng vẫn có nhiều người không để ý.
Theo Báo Giao thông, trong suy nghĩ của một số người, càng có mâm cúng thịnh soạn càng chứng tỏ lòng thành dâng lên Đức Phật nên họ dâng cả gà, lợn,… lên ban thờ trong chùa. Thế nhưng, hành động này đã vô tình phạm vào những điều cấm kỵ.
Chùa là nơi thanh tịnh nên khi sắm sửa lễ vậtbạn phải chọn những lễ chay như hương, hoa quả tươi, oản, xôi chè. Dâng lễ mặn chỉ được áp dụng trong trường hợp đền chùa đó có các vị Thánh, Mẫu, Thành Hoàng,… Các vị này thường an tọa ở các khu ngoài chính điện. Lễ mặn có thể dâng gồm gà, giò, chả, rượu, trầu cau.
Ngoài ra, theo VTV, nói về tình trạng nhiều người đi lễ chùa để tiền lẻ lên tay tượng phật, trên các bàn thờ, thầy Thích Bảo Nghiêm, phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho hay, các phật tử và người dân đi lễ chùa thì số tiền công đức ít hay nhiều cũng không quá quan trọng, miễn sao giữ tâm trong sáng là được.
Tuy nhiên, tiền công đức cũng nên đặt đúng vào hòm công đức, nơi để tiền công đức để chúng được bảo quản và sử dụng đúng mục đích. Việc đặt tiền, nhét tiền lẻ lên tay của tượng phật sẽ khiến nơi thờ cúng mất đi sự tôn nghiêm, không thể hiện được sự thành kính, hoặc đơn giản là số tiền đó dễ bị thất lạc, không được sử dụng đúng mục đích.
Vào chùa nhưng không giữ cho tâm tịnh
Theo báo Dân Trí, thế giới cửa Phật là thế giới của sự thuần khiết, thanh tịnh. Chỉ cần bước qua ngưỡng cửa Tam quan, người đi chùa sẽ bước vào một thế giới khác. Dù ở bên ngoài tâm có xáo động, hỗn độn đến đâu, thì khi bước vào cửa Phật cũng phải giữ cho tâm tịnh.
Khi vào chùa, nghe tiếng chuông, tận hưởng không khí tịch mịch và ngửi thấy mùi nhang trầm, tâm sẽ tĩnh lại và từ đó suy nghĩ được nhiều điều thấu đáo hơn.
Tu Phật không phải hướng ngoại mà cầu, là hướng vào chính bản thân mình, khơi dậy thiện niệm để Phật tính vốn sẵn có trong con người được khởi phát. Khi lên chùa, người đi lễ không nên “tham, sân, si”, cầu xin tiền tài. Trong đạo lý nhà Phật có dạy rất rõ, cần tránh xa lòng tham và sự mê đắm vật chất, cần phải buôn bán làm ăn chân chính ngay thẳng…
Cho nên, đi lễ chùa vốn chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người, cầu sức khỏe và sự bình an cho chính bản thân.
Ảnh minh họa
Cách hành lễ khi đi chùa
Hành lễ đi chùa cũng cần có phép tắc và thứ tự. Trước hết hãy đặt lễ vật lên và thắp hương ở chính điện trước.
Sau khi đặt lễ và thắp hương ở chính điện thì đi đến các ban thờ khác để đặt lễ và dâng hương. Nếu đình chùa có nhà thờ Tổ, nhà Hậu thì cũng cần phải ghé qua. Cuối buổi lễ sau khi lễ tạ để hạ lễ thì nên đến trai giới hay phòng khách để thăm hỏi và trò chuyện với các nhà sư và công đức nếu có.
Ngoài ra, khi đến chỗ linh thiêng, người dân cần chú ý mặc trang phục kín đáo, trang nghiêm.
Trang phục không phù hợp khi đi lễ chùa
Dịp lễ, Tết đầu xuân năm mới, nhiều người tranh thủ kết hợp du xuân và đi lễ chùa nên chọn cho mình nhiều bộ trang phục không phù hợp với chốn tâm linh, cửa Phật. Đấy là tình trạng đã nhiều lần được lên án, phản ánh, song vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Theo Đời sống Pháp luật, năm nào cũng có không ít "nữ tú" gây bức xúc cho những người đi lễ chùa đầu năm bởi trang phục thiếu vải, xuyên thấu, lộ liễu của mình.
Chốn chùa chiền, miếu mạo vốn là không gian văn hoá tâm linh tôn nghiêm của người Việt. Đến chùa làm lễ cầu an hay xin Trời Phật phù hộ cho năm mới mọi sự an lành từ lâu là một nét văn hoá tâm linh không thể thiếu của người dân, trong đó phần lớn là phụ nữ.
Dù báo chí dư luận đã phản ánh rất nhiều, nhưng năm nào cũng có những trường hợp khiến mọi người "nóng mắt", ngán ngẩm trước cách lựa chọn trang phục của các cô gái khi đi lễ chùa. Những bộ quần áo mỏng, xuyên thấu, những chiếc váy ngắn... đều được những người này vận lên mình rồi bước qua cổng đền, chùa.