Lào Cai: Dứa chín đầy đồi, gà ngon đầy chuồng mà không có ai mua
Tại thôn Cầu Xum, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), từ nhiều năm nay, dứa đã trở thành cây trồng mang lại nguồn thu chính cho nhiều gia đình. Vậy nhưng, vụ dứa năm nay, nông dân nơi đây lại nặng trĩu nỗi buồn.
Đồi dứa đã chín ở thôn Cầu Xum nhưng chưa được thu hoạch.
Nhiều ngày nay, gia đình ông Phàn A Bồng tranh thủ có người thu mua dứa nên lên đồi thu hoạch dù số lượng bán ra khá ít. Theo ông Bồng, nếu không bán thì dứa cũng để hỏng trên đồi, vì đầu ra cho sản phẩm quả dứa rất khó khăn.
Không có những chuyến xe nhộn nhịp ra vào thu mua dứa tận nơi như những năm trước, năm nay, các tư thương vắng bóng hẳn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù đang vào thời điểm chính vụ, vậy nhưng hiện giá dứa rơi xuống mức rất thấp, từ 2.000 – 2.500 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, nông dân phải chịu lỗ.
Vụ dứa buồn của nông dân Cầu Xum.
Không chỉ hoạt động trồng trọt gặp khó khăn vào thời điểm này mà những nông dân chăn nuôi gia cầm cũng rơi vào cảnh tương tự.
Đàn gà đã đến kỳ xuất chuồng của gia đình ông Nguyễn Văn Tiên.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tiên là hộ chăn nuôi gia cầm lớn nhất của thôn Chính Tiến, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng. Hiện trang trại của ông có khoảng 7.000 con gà Minh Dư, trong đó khoảng 1.500 con đang đến kỳ xuất bán.
Trước đây, gia đình ông luôn bận rộn để phục vụ các tư thương đến đặt mua gà, cung cấp cho thị trường ở thành phố Lào Cai, các huyện Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa.
Vậy nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ của gia đình gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thời điểm này, thực hiện cách ly toàn xã hội, các nhà hàng, quán ăn đều tạm dừng hoạt động.
Đầu ra gặp khó nhưng trang trại vẫn phải duy trì hoạt động.
Đầu ra đã khó, giá bán gia cầm hiện cũng đang ở mức rẻ, giảm từ 85.000 đồng/kg xuống còn 60.000 đồng/kg mà cũng chẳng mấy ai mua. Trong khi đó, với mức giá này, người chăn nuôi vẫn phải chịu lỗ.
Là thôn chăn nuôi gia cầm lớn ở xã, hiện cả thôn Chính Tiến có 40 hộ nuôi gia cầm nhỏ lẻ, 13 hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại với tổng số đàn gia cầm trên 40.000 con. Hiện nay, người chăn nuôi ở thôn đang lao đao vì giá bán thấp và việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên kinh tế - xã hội là khó tránh khỏi, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Ngay khi nắm được thông tin về tình hình dịch bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản có thể gặp phải để kịp thời ứng phó.
Chăn nuôi gia cầm bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.
Theo đánh giá, thời điểm hiện tại, một số sản phẩm đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như chuối, dứa, chè, chăn nuôi gia cầm… Đối với sản phẩm chuối đã được xuất khẩu chính ngạch, ngành nông nghiệp và các cơ quan chuyên môn tạo mọi điều kiện để giúp các đơn vị, hộ sản xuất mở rộng diện tích được cấp mã vùng trồng, đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu.
Đối với sản phẩm dứa, ngành nông nghiệp đã kết nối với Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu thu mua 30 tấn quả dứa/ngày cho người dân, đồng thời khuyến khích các hộ chủ động tiêu thụ nội địa thông qua các kênh bán, đặc biệt là kênh bán hàng online.
Giá dứa tại thôn Cầu Xum ở mức rất thấp, chỉ từ 2.000 – 2.500 đồng/kg.
Hiện, sản phẩm gia cầm đang có giá bán thấp, lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi chủ động điều chỉnh tổng đàn, hạn chế việc tăng đàn, tái đàn, kéo dài thời gian nuôi, chuyển đổi sang chăn nuôi hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm.
Khác với thời điểm này năm ngoái khi các tư thương tấp nập đến đặt hoa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, năm nay, anh Nguyễn Văn Thành, thôn Bến Phà, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai lại lặng lẽ đi cắt bỏ những cành hoa trên chính khoảnh đất ấy. Lý do cũng bởi chẳng có ai đến thu mua, trong khi hoa đã đến thời điểm thu hái.
Khác với thời điểm này năm ngoái khi các tư thương tấp nập đến đặt hoa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, năm nay, anh Nguyễn Văn Thành, thôn Bến Phà, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai lại lặng lẽ đi cắt bỏ những cành hoa trên chính khoảnh đất ấy. Lý do cũng bởi chẳng có ai đến thu mua, trong khi hoa đã đến thời điểm thu hái.
Vườn hoa đến thời điểm thu hái nhưng vắng bóng người mua.
Là năm thứ 6 gắn bó với nghề trồng hoa nhưng chưa khi nào gia đình anh rơi vào tình cảnh này khi lượng hoa tồn quá nhiều mà lại vắng người tới đặt mua. Suốt từ sau dịp Tết Nguyên đán tới nay, vườn hoa nhà anh Thành rơi vào cảnh ảm đạm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm rõ rệt, nhiều cửa hàng hoa hoạt động cầm chừng, kéo theo đó là bao lo lắng của những chủ nhà vườn như anh Thành.
Nếu như trước đây, mỗi ngày anh xuất bán 300 – 400 cành hồng thì nay có khi cả tháng chỉ bán được 100 – 200 cành, giá bán cũng giảm từ 5.000 – 7.000 đồng/cành xuống còn 1.500 đồng/cành mà vẫn vắng người mua. Không đủ tiền chi trả, khoảng 1 tháng nay, anh đã cho 2 nhân công nghỉ việc.
Người trồng hoa lao đao trong thời điểm này.
Vườn hoa rộng, lại chỉ có 2 vợ chồng anh thay nhau làm nhưng không hết việc, nên cỏ đã bắt đầu mọc xen những luống hoa, còn những cành hoa đã đến thời điểm thu hái cũng dần tàn, mỗi ngày có hàng trăm cành bị cắt bỏ ngay tại vườn. Anh Thành bảo: “Bao mồ hôi, công sức của mình, cắt bỏ đi không xót xa sao được, nhưng đâu còn cách nào khác...”.
Hoa cành bị cắt và bỏ tại vườn.
Ngày thường tiêu thụ hoa đã khó, những ngày lễ được các chủ vườn hoa hy vọng sẽ khá hơn để có thêm thu nhập thì năm nay, dịp 14/2, 8/3 hoa cũng rơi vào cảnh ế ẩm vì dịch bệnh.
Hiện đang là thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội, nhiều cửa hàng hoa tạm nghỉ, người mua hoa ngoài chợ cũng thưa thớt, nhu cầu tiêu thụ hoa xuống mức rất thấp, anh Thành bảo, giờ chỉ còn cách trông chờ dịch bệnh qua đi để nông dân khôi phục sản xuất, gỡ lại chút ít tiền vốn cho một năm kinh tế khó khăn.
Ông Nguyễn Văn An vẫn ra vườn chăm hoa với hy vọng có thể gỡ lại bằng những vụ hoa sau đợt đại dịch.
Khu vườn chuyên trồng hoa chậu của ông Nguyễn Văn An ngay cạnh đó cũng rơi vào cảnh tương tự. Là người ở thôn An Thành, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, để mở rộng diện tích sản xuất, ông An thuê khu đất rộng gần 1.000 m2 trong 5 năm để trồng hoa tại thôn Bến Phà, xã Thống Nhất, TP Lào Cai, thế nhưng vừa bước vào năm đầu tiên bắt tay vào sản xuất tại đây đã bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
Những cửa hàng hoa tạm đóng cửa trong thời gian cách ly toàn xã hội, chợ đầu mối của thành phố Lào Cai tạm dừng hoạt động, số lượng người mua hoa tại chợ cũng rất ít, nên đầu ra cho vườn hoa của ông An càng gặp nhiều khó khăn. Những chậu hoa trước đây được bán với giá 150.000 đồng/chậu, giờ giảm xuống 100.000 đồng/chậu mà cũng chẳng mấy ai mua.
Ông An tâm sự: Ngoài số tiền 300 triệu đồng vừa đầu tư vào vườn hoa, giờ mỗi ngày, tôi phải lo chi phí để chi trả nhân công. Tôi mong dịch bệnh mau chóng qua đi để gia đình tôi phục hồi sản xuất, gỡ lại chút vốn.