Lạm dụng rượu bia: Báo động đỏ

19-01-2021 07:07:50

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhiều năm nay nước ta đứng ở tốp đầu khu vực châu Á về tiêu thụ rượu, bia. Rượu, bia là đồ uống thường không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, ma chay, đặc biệt trong dịp lễ Tết. Trong những ngày này lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện


Uống rượu bia gây nhiều tác hại nghiêm trọng.

Cận Tết, ngộ độc rượu gia tăng

Uống rượu bia gây ra nhiều tác hại đối với cả người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.

Uống rượu bia gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại với cả người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Những tác hại có thể kể đến ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu bia....

Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ). Hoặc có tác động xã hội lâu dài như suy giảm chất lượng nhân lực, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội…

Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15-49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Ước tính chưa đầy đủ cho thấy, tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung) đã là 25,789 tỷ đồng, chiếm 0,22 tổng GDP năm 2012…

Thông tin từ BS Nguyễn Trung Nguyên- Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai): Đầu tháng 1/2021, Trung tâm có tiếp nhận một trường hợp, là nam thanh niên 29 tuổi ở Hưng Yên nhập viện, dù được cấp cứu và điều trị tích cực nhưng đã tử vong do uống quá nhiều rượu. Trước đó, riêng trong tháng 10/2020, có 18 trường hợp ngộ độc methanol được xác nhận tại Trung tâm. Phần lớn các ca bệnh này đều nặng và cũng đã có trường hợp tử vong. Nguyên nhân tử vong thường gặp nhất là do uống nhiều rượu dẫn đến hạ đường huyết.

BS Nguyên cho biết, đây chỉ là một trong số hàng chục trường hợp tử vong do ngộ độc rượu thông thường (rượu Ethanol). Hầu hết các bệnh nhân ngộ độc rượu dẫn đến tử vong là người trong độ tuổi lao động, chủ yếu là thanh niên.

Vẫn theo BS Nguyên: Thành phần Ethanol trong rượu sẽ gây hạ đường huyết trong khi bản thân người uống rượu lại không ăn (tinh bột, đạm) trong quá trình uống rượu hoặc đến khi về nhà ngủ luôn và không muốn ăn gì. Đây là lý do khiến đường huyết giảm sâu. Nếu cơ thể người đó lại gầy gò không có năng lượng dự trữ sẽ bị suy kiệt và tử vong do hạ đường huyết. Ngoài ra, người uống quá nhiều rượu sẽ khiến thần kinh bị ức chế khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Khi trung tâm hô hấp bị ức chế dẫn đến thở yếu, khò khè, thiếu ôxy, tổn thương não và tử vong...

Dự phòng tốt nhất là không uống rượu

BS Nguyên cho rằng, không uống rượu là cách tốt nhất để dự phòng nguy cơ ngộ độc rượu. Trong trường hợp gia đình có người thân hoặc bạn bè uống rượu, cách tốt nhất là bắt họ ăn thêm tinh bột hoặc uống thêm nước trái cây, uống sữa, nước canh, nước cháo loãng.... để bù năng lượng cho cơ thể. Các loại thuốc giải rượu được hầu như không có tác dụng trong việc chống say, giải rượu như quảng cáo. Do đó cách tốt nhất là không lạm dụng rượu bia, nhất là trong thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Các chuyên gia y tế cho rằng: Không chỉ dịp Tết, uống rượu, bia thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch, uống rượu, bia gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quy ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra uống nhiều rượu, bia còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần. Phụ nữ mang thai uống rượu, bia cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình. Chất cồn sẽ khiến mẹ say xỉn, mệt mỏi, đau đầu, gây rối loạn về thể chất, tinh thần và có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu trong bụng mẹ, sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi…

Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết và các ngày lễ hội đầu Xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống cũng không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. (Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống.

Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp như điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

Bên cạnh đó, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,…Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu). Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể. Nguy cơ càng tăng nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc, rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong, đặc biệt khi sử dụng rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.

TÙNG LINH
Theo Đại Đoàn Kết //