Lạm dụng dầu gió: Nguy cơ xung huyết mạch, suy hô hấp, thậm chí tử vong
Công dụng của dầu gió đối với sức khỏe con người ai cũng biết, tuy nhiên cách sử dụng đúng và an toàn thì không phải người tiêu dùng nào cũng rành.
Tử vong do dùng dầu gió
Dầu gió được chiết xuất từ các loại tinh dầu thảo dược từ thiên nhiên và có rất nhiều công dụng phù hợp với thói quen chăm sóc sức khỏe của người châu Á.
Dầu gió có vị cay, dùng để hạ sốt, ra mồ hôi, giảm ho, chống xung huyết. Thành phần chủ yếu của dầu gió là tinh dầu bạc hà kết hợp với một số tinh dầu từ các nguồn nguyên liệu khác như thiên niên kiện, hương nhu, quế, đinh hương… Nhờ các tinh dầu này mà dầu gió có tác dụng chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau.
Dùng dầu gió sai cách cực nguy hiểm
Dầu gió có tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe, tuy nhiên nếu lạm dụng thì cực kỳ nguy hiểm. Mới đây, bác sĩ Trần Văn Sóng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP.HCM), kể: Cách đây không lâu, bà N.T.H (56 tuổi, ở Bình Phước) được đưa vào BV Nhân dân 115 trong tình trạng phờ phạc, mệt mỏi, khó thở… Người nhà cho biết bà H bị đau bụng nên đã pha dầu gió với nước rồi uống cho… ấm bụng.
Sau đó không lâu, bà H có các triệu chứng nói trên nên được đưa tới BV địa phương. Do tình hình nguy kịch nên BV đã chuyển bà lên BV Nhân dân 115.
Kết quả chẩn đoán ghi nhận bà H bị ức chế hô hấp, ức chế tuần hoàn. Lượng tinh dầu trong dầu gió vào cơ thể quá nhiều dẫn đến bà H. bị nhiễm toan máu khiến bà mệt, khó thở, thở nhanh. Do bị suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng nên bà H. đã tử vong sau đó.
Theo BS Sóng, BV Nhân dân 115 đã từng ghi nhận vài trường hợp bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch do bôi dầu gió lên vết thương chảy máu. Tuy nhiên, do được đưa tới BV chữa trị kịp thời nên các bệnh nhân đều được cứu sống.
Lạm dụng dầu gió cực kỳ nguy hiểm
Thành phần của dầu gió là tinh dầu và các chất chiết xuất từ tinh dầu, menthol. Trong đó, thành phần menthol có thể gây hại, thậm chí có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Do đó, khi bôi dầu có thành phần menthol vào mũi hoặc cổ họng trẻ nhỏ, chúng có thể bị ngừng thở và ngưng tim. Vì vậy, sau khi sử dụng dầu gió, nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ ngộ độc cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị. Vì vậy, trẻ em dưới 24 tháng không nên dùng dầu gió.
Không nên lạm dụng dầu gió. Ảnh minh họa
Methyl salicylat có trong dầu gió giúp vùng da được xoa dầu nóng lên nhanh, làm giãn nở các mạch máu ngoại biên, tăng tuần hoàn máu, giúp thuốc thẩm thấu vào mô dễ dàng, làm giảm nhanh cơn đau và cứng cơ.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của methyl salicylat là gây xung huyết da. Nếu hít dầu thường xuyên có thể gây rách màng nhầy ở mũi, họng, gây tổn thương hệ hô hấp.
Trong thành phần của dầu gió còn có chứa camphor là một chất độc đối với trẻ em. Tùy vào lượng dầu nhiều hay ít, khi bị ngộ độc, camphor có thể gây tác hại với những triệu chứng xuất hiện chỉ trong vòng 5 - 90 phút sau tiếp xúc.
Biểu hiện sớm là bỏng miệng, hầu họng, buồn nôn, nôn mửa, lừ đừ, sau đó là co giật, hôn mê, suy hô hấp nặng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.
Cách dùng dầu gió an toàn
Để sử dụng dầu gió an toàn, dùng bôi thoa ngoài da là chính để chống viêm nhiễm, kháng khuẩn, giảm đau và làm cho tinh thần sảng khoái. Chỉ xông hơi bằng dầu gió khi cơ thể nhiễm lạnh. Khi sử dụng dầu gió với phụ nữ đang mang thai và trẻ dưới hai tuổi, cần phải có ý kiến tư vấn kỹ lưỡng của bác sỹ.
Ngoài ra, không dùng dầu gió nhiều hơn 3 - 4 lần/ngày; Không dùng cho người có tiền sử dị ứng với salicylate, menthol; Không dùng thường xuyên mà phải ngừng ngay khi cơn đau đã chấm dứt; Không bôi lên niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở.
Đặc biệt lưu ý, đối với trẻ lớn trên 2 tuổi, khi dùng nhất thiết phải có sự theo dõi của người lớn.
Và trước khi bôi dầu cần rửa sạch tay và rửa sạch, lau khô vùng da bị đau, bôi hoặc xoa bóp một lượng vừa đủ bằng cách lấy đầu ngón tay trỏ lấy một lượng thích hợp, bôi lên chỗ đau nhức hay vết côn trùng cắn đốt.
Nếu đau bụng do lạnh, khó tiêu, bôi vào vùng quanh rốn; nếu nhức đầu bôi vào thái dương. Sau đó miết nhẹ nhàng, day tròn, ấn bằng ngón tay trỏ. Chỉ dùng ngoài da, tuyệt đối không được uống.